✴️ Cường aldosterone: nguyên nhân và phương pháp điều trị

Nội dung

1. Cường aldosterone là bệnh gì?

Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ, có cấu tạo hình tam giác và kích thước khoảng bằng đầu ngón tay cái nằm ngay sau thận. Aldosterone là một loại hormone được tuyến thượng thận sản xuất ra và hòa trong máu. Hormone này có vai trò cân bằng muối và Kali trong máu, ảnh hưởng đến huyết áp và các chỉ số sức khỏe cơ thể khác.

Vì thế, cường aldosterone sẽ gây ra 2 vấn đề sức khỏe tiêu biểu và nghiêm trọng nhất là: cao huyết áp và hạ Kali huyết. khi tình trạng này kéo dài không được kiểm soát, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Đi tiểu thường xuyên.

  • Thường xuyên táo bón.

  • Buồn nôn. 

  • Co thắt cơ bắp.

  • Suy yếu toàn thân.

Triệu chứng cường aldosterone có thể rất rõ ràng hoặc không, nhiều người bệnh không có bất cứ triệu chứng bất thường nào. Vì thế việc phát hiện bệnh là khá khó khăn.

Bệnh cường aldosterone nếu đi kèm với tăng huyết áp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì thế bệnh nhân cao huyết áp cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm và điều trị nếu xảy ra đồng thời cường aldosterone. 

Cường aldosterone có thể gây tăng huyết áp nghiêm trọng

 

2. Nguyên nhân gây cường aldosterone

Cường aldosterone là bệnh do sự sản xuất quá mức aldosterone ở tuyến thượng thận, đây có thể là tình trạng nguyên phát hoặc thứ phát.

 

2.1. Cường aldosterone nguyên phát

Cường aldosterone nguyên phát thường do sự xuất hiện khối u bất thường ở tuyến thượng thận, hầu hết trường hợp khối u là lành tính. Tuy nhiên, khối u gây chèn ép và thường ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này, cụ thể là tăng tiết aldosterone hormone.

 

2.2. Cường aldosterone thứ phát

Cường aldosterone thứ phát là bệnh xảy ra do ảnh hưởng từ những bệnh lý khác trong cơ thể như: suy gan, suy tim sung huyết, tình trạng mất nước, bệnh lý ở thận, tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu hoặc fludrocortisone,…

Để điều trị cường aldosterone hiệu quả, bác sĩ cần chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh là nguyên phát hay thứ phát. Với trường hợp nguyên phát, cần loại bỏ hoặc kiểm soát ảnh hưởng của khối u gây tăng sản sinh aldosterone. Với trường hợp thứ phát, phải điều trị bệnh lý nguyên nhân kết hợp với điều trị kiểm soát cường aldosterone.

 

3. Chẩn đoán và điều trị cường aldosterone

Khi bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ do cường aldosterone, các xét nghiệm chẩn đoán sẽ được thực hiện. Từ đó, lựa chọn phương pháp điều trị sẽ dễ dàng và đạt hiệu quả cao hơn.

Xét nghiệm aldosterone giúp chẩn đoán tình trạng cường aldosterone

 

3.1. Chẩn đoán cường aldosterone

Các xét nghiệm sau giúp chẩn đoán chính xác bệnh aldosterone cũng như nguyên nhân và ảnh hưởng của bệnh:

 

Xét nghiệm sàng lọc

Ở bệnh nhân có nguy cơ cao, ban đầu nên thực hiện xét nghiệm nồng độ aldosterone và renin trong máu. Trong đó, nếu kết quả nồng độ aldosterone cao sau test truyền tĩnh mạch trong 4h 2lit NaCl 0.9% nhưng nồng độ renin thấp với chế độ ăn nhạt muối <40g/ngày thì có thể nghĩ đến cường aldosteron tiên phát. Khi kết quả xét nghiệm sàng lọc bất thường, xét nghiệm chẩn đoán sẽ được thực hiện.

 

Xét nghiệm chẩn đoán

Các xét nghiệm sau cho kết quả chẩn đoán cường aldosterone chính xác hơn như: xét nghiệm ức chế fludrocortisone, xét nghiệm nồng độ aldosterone sau truyền dịch,…

 

Xét nghiệm khác

Bao gồm: chụp CT vùng bụng, xét nghiệm kiểm tra mạch máu vùng tuyến thượng thận,…

 

3.2. Điều trị cường aldosterone

Mục tiêu cần đạt được trong điều trị cường aldosterone là phải ngăn chặn sự sản sinh quá mức aldosterone, kết hợp với điều trị phòng ngừa biến chứng bệnh như: cao huyết áp, giảm nồng độ Kali trong máu,… 

Việc đưa ra phác đồ điều trị sẽ cần tuân thủ tuyệt đối y lệnh của bác sĩ. Tuy nhiên, thông thường lựa chọn phương pháp điều trị cường aldosterone sẽ dựa trên nguyên nhân gây bệnh, cụ thể:

 

Nếu khối u ở 1 tuyến thượng thận

Phẫu thuật: Khi chỉ một bên tuyến thượng thận xuất hiện khối u, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật loại bỏ bên mắc bệnh này. Sau phẫu thuật thành công, cả nồng độ Kali và chỉ số huyết áp sẽ được cải thiện. Xét nghiệm thấy nồng độ hormone aldosterone trở về mức bình thường cho biết bệnh đã được điều trị thành công.

Cường aldosterone do khối u ở 1 bên tuyến thượng thận thường được phẫu thuật loại bỏ

Dùng thuốc: Trong trường hợp do sức khỏe hoặc bệnh lý, không thể phẫu thuật điều trị cường aldosterone thì các thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid sẽ được chỉ định. Chúng có tác dụng chặn sản xuất aldosterone, từ đó kiểm soát được nồng độ Kali trong máu và chỉ số huyết áp. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là phải điều trị suốt đời, việc dừng thuốc sẽ khiến triệu chứng bệnh tái phát và biến chứng đe dọa đến sức khỏe bất cứ lúc nào.

 

Nếu khối u ở cả hai bên tuyến thượng thận

Trường hợp này không thể phẫu thuật loại bỏ tuyến thượng thận, do đó điều trị bằng thuốc là bắt buộc. Các thuốc điều trị thường chỉ định để kiểm soát huyết áp và nồng độ Kali trong máu ở bệnh nhân cường aldosterone này là: Spironolactone và mineralocorticoid. Khi sử dụng thuốc, nồng độ hormone aldosterone sẽ được kiểm soát, song bệnh nhân có thể gặp phải 1 số tác dụng phụ như: rối loạn tiêu hóa, suy giảm ham muốn tình dục, liệt dương, rối loạn kinh nguyệt,…

Bên cạnh điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, bệnh nhân cường aldosterone cũng nên thực hiện thói quen sống lành mạnh bằng: chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao hàng ngày, ngủ nghỉ hợp lý, ăn uống khoa học, hạn chế hút thuốc và thực phẩm xấu,… Huyết áp sẽ được kiểm soát tốt hơn giúp bệnh nhân cường aldosterone có một cuộc sống bình thường.

Cần kiểm soát tốt huyết áp ở bệnh nhân cường aldosterone

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top