✴️ Rối loạn giấc ngủ tuổi trung niên phải làm sao?

Nội dung

1. Sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi trung niên

Trung niên là độ tuổi chuyển từ tuổi trưởng thành trẻ sang tuổi già. Độ tuổi trung niên được coi là từ 40-65 tuổi. Ở giai đoạn này, sự thay đổi về thể chất, tâm lý, sinh lý bắt đầu rõ rệt hơn.

1.1 Thay đổi thể chất

Quá trình lão hóa diễn ra nhanh và rõ rệt hơn. Các chức năng thị lực, thính giác kém nhạy bén hơn so với khi còn trẻ. Với nữ giới sự thay đổi rõ rệt nhất dễ nhận ra là làn da không còn mịn màng như thời còn trẻ, lúc này bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn hoặc các đốm đồi mồi. Cả nam và nữ ở tuổi này tóc dễ gãy rụng hơn và bắt đầu nhận thấy đau ở khớp, sức mạnh các chi và năng lượng cũng có phần giảm sút.

1.2 Thay đổi tâm, sinh lý

Ở giai đoạn này, sự nhạy bén tinh nhanh bắt đầu có xu hướng giảm đi. Độ tuổi trung niên cũng có suy giảm nồng độ hormone testosterone (ở nam giới) và estrogen (ở nữ giới) khiến tâm sinh lý chúng ta dễ thay đổi như dễ bốc hỏa, cáu gắt, nổi nóng,… Bên cạnh đó sự suy giảm của một số chức năng như cơ xương khớp (loãng xương), thận (suy thận, thận yếu) hoặc chức năng kinh nguyệt (rối loạn kinh nguyệt, tiền mãn kinh) là nguyên nhân khiến sự thay đổi tâm sinh lý ở độ tuổi trung niên.

Rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh là một trong những nguyên nhân gây tình trạng mất ngủ.

 

2. Vì sao tuổi trung niên dễ bị rối loạn giấc ngủ?

Sự thay đổi về thể chất, tâm sinh lý ở độ tuổi trung niên là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề, bệnh lý trong đó có chứng rối loạn giấc ngủ.

Theo nghiên cứu, thời gian ngủ trung bình của 1 người ở độ tuổi trung niên thường rơi vào khoảng 6-7 tiếng, ít hơn người trẻ (khoảng 7-8 tiếng).

2.1 Bệnh lý làm rối loạn giấc ngủ tuổi trung niên

Các bệnh lý về hô hấp (hen phế quản, tắc nghẽn phổi mạn tính COPD), suy giảm chức năng bàng quang, u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến, viêm dạ dày – đại tràng, tiểu đường, cao huyết áp, suy tim, hở van tim, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống, viêm dây thần kinh, bệnh cơ xương khớp, bệnh phụ khoa, nam khoa,… là nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Hen phế quản hoặc các vấn đề về hô hấp có thể gây tình trạng mất ngủ.

2.2 Hạn chế vận động

Sự hạn chế vận động ở độ tuổi trung niên gây ra nhiều vấn đề như đau nhức mỏi, khí huyết không lưu thông, sự tiêu hóa thức ăn diễn ra chậm hơn, quá trình trao đổi chất cũng bị hạn chế. Nguy cơ béo phì làm ra tăng nhiều bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, huyết áp, ngưng thở khi ngủ,… điều này gây ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng giấc ngủ.

2.3 Chế độ ăn uống không khoa học

Chế độ ăn uống không khoa học cũng là một nguyên nhân khiến rối loạn giấc ngủ tuổi trung niên dễ xảy ra. Sự dung nạp quá nhiều chất đạm, thịt, mỡ, ăn ít rau xanh và trái cây sẽ khiến quá trình tiêu hóa diễn ra lâu hơn, dễ bị rối loạn tiêu hóa làm ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ của bạn.

2.4 Sự thay đổi tâm sinh lý gây rối loạn giấc ngủ tuổi trung niên

Ngoài ra, quá trình lão hóa và sự thay đổi tâm sinh lý, đặc biệt  là phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh sẽ khiến cơ thể dễ bốc hỏa, lo âu, căng thẳng, … ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ.

 

3. Biểu hiện rối loạn giấc ngủ ở tuổi trung niên

Rối loạn giấc ngủ ở tuổi trung niên hay ở các độ tuổi khác được biểu hiện bằng sự suy giảm thời lượng ngủ và suy giảm chất lượng của giấc ngủ và được biểu hiện thông qua triệu chứng: mất ngủ, trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, ngủ hay mơ ác mộng, ngủ hay bị tỉnh giấc và sau đó khó ngủ tiếp, ban ngày ngủ gà ngủ gật nhưng đêm rất khó ngủ.

Điển hình nhất của chứng rối loạn giấc ngủ là tình trạng mất ngủ. Bước vào độ tuổi trung niên, chúng ta bắt đầu cảm thấy khó ngủ hơn trước. Biểu hiện như việc đi ngủ muộn do không cảm thấy buồn ngủ, khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc hay giật mình tỉnh giấc và dậy sớm hơn so với bình thường. Nhiều người chỉ ngủ được khoảng 4 tiếng mỗi đêm, đây là biểu hiện điển hình của rối loạn giấc ngủ tuổi trung niên, cần có biện pháp xử trí ngay để không dẫn tới mất ngủ mạn tính.

Triệu chứng điển hình nhất của rối loạn giấc ngủ ở độ tuổi trung niên là chứng mất ngủ kéo dài.

 

4. Rối loạn giấc ngủ tuổi trung niên phải làm sao?

Nếu có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, bạn nên khuyên người bệnh đi thăm khám với bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và sớm đưa ra biện pháp xử trí hiệu quả giúp cải thiện tình trạng này. Nếu rối loạn giấc ngủ hay mất ngủ kéo dài mà không có biện pháp điều trị hiệu quả sẽ dễ dẫn đến mất ngủ mạn tính, khi này việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều và khó có thể phuc hồi được giấc ngủ như ban đầu.

Việc tự ý sử dụng thuốc an thần, thuốc hỗ trợ cải thiện rối loạn giấc ngủ khi chưa thăm khám và có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn sẽ rất dễ gây nguy hiểm. Nhất là những người mắc bệnh nền, bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao,… cần thận trọng khi sử dụng thuốc.

Hi vọng bài viết với chủ đề rối loạn giấc ngủ tuổi trung niên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nếu có thắc mắc cần tư vấn hay muốn đặt lịch khám vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top