✴️ Vị thuốc Xuyên khung

Nội dung

A. Mô tả cây 

Xuyên khung là một cây thuộc thảo, sống lâu năm, thân mọc thẳng trong ruột rỗng, mặt ngoài có đường gân dọc nổi rõ. Lá mọc so le, kép 3 lần, cuống lá dài 9-17cm, phía dưới ôm lấy thân, 3 đến 5 đôi lá chét, cuống lá chét dài, phiến lá chét rách sâu, khi vò có mùi thơm. Hoa họp thành tán kép, cuống tán phụ ngắn chừng 1cm, hoa nhỏ, màu trắng. Song bế quả, hình trứng.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

  • Xuyên khung chủ yếu được trồng tại tỉnh Tứ Xuyên, còn mọc ở Vân Nam, Quí Châu (Trung Quốc).
  • Hiện nay, di thực được vào nước ta. Tuy nhiên tại Sapa (Lào Cai) có đồng bào nói cây đó có sẵn tại tỉnh này từ trước. Nhưng dù sao cũng chỉ mới được phát triển trong vòng
  • những năm gần đây, hiện nay được trồng trên quy mô lớn. Cây ưa những nơi cao, có khí hậu mát như Sapa, việc trồng thí nghiệm tại đồng bằng chưa thành công.
  • Xuyên khung ưa đất tốt, nhiều mùn, có pha cát. Trồng bằng mắt cắt ở thân ra, mỗi bên mắt để chừng 1cm. Có thể trồng bằng mẩu thân rễ, nhưng trồng bằng mắt thì củ có hình khối tròn
  • Mùa trồng tốt nhất là cuối xuân, nếu trồng muộn quá, cây chưa kịp tốt và khỏe trước mùa đông tới. Cây trồng sau hai năm mới bắt đầu thu hoạch. Củ đào về, cắt bỏ cọng và rể nhỏ, rũ sạch đất cát, phơi khô chỗ thoáng gió, nếu sấy, phải sấy ở nhiệt độ thấp cho khỏi bay mất nhiều tinh dầu. Năng suất một hecta là 2 tấn củ khô.

C. Thành phần hoá học

  • Theo Kha Vinh Đường và Tăng Quảng Phương, 1957 (Hoá học báo, 23 (4): 246- 249) thì trong xuyên khung Ligusticum wallichii có 4 chất chủ yếu sau đây:
  • Một ancaloit dễ bay hơi, công thức C27H37N3
  • Một axit C10H10O4 với tỷ lệ chừng 0,02 gần giống axit ferulic trong cây A nguỳ (Ferula asa-foetida L.
  • Một chất có tính chất phenola với công thức C24H46O4 hoặc C23H44O4, độ chảy 108°C.
  • Một chất trung tính có công thức C26H28O4, độ chảy 98°C.

D. Tác dụng dược lý

Nhiều tác giả đã nghiên cứu tác dụng dược lý của xuyên khung. Sau đây là một số kết quả chính:

  1. Tác dụng đối với trung khu thần kinh: Theo Thụ Thượng Sư Thọ (1933), tinh dầu xuyên khung với liều nhỏ có tác dụng ức chế đối với hoạt động của đại não, nhưng đối với trung khu hô hấp, trung khu vận mạch và trung khu phản xạ ở tuỷ sống thì lại có tác dụng hưng phấn, kết quả làm cho con vật một phần yên tĩnh, tự động vận động giảm xuống, nhưng mặt khác làm cho huyết áp tăng cao, hô hấp cũng tăng, cơ năng phản xạ cũng tăng, nhưng nếu dùng liều quá cao thì đại não bị tê liệt mạnh, các trung khu và phản xạ tuỷ sống có thể bị ức chế do đó huyết áp hạ xuống, nhiệt độ cơ thể giảm xuống, hô hấp khó khăn, vận động có thể tê liệt và chết.
  2. Tác dụng đối với tuần hoàn: Theo Thụ Thượng Sư Thọ (1933), tinh dầu của xuyên khung có tác dụng tê liệt đối với tim làm cho các mạch máu ngoại vi dãn ra, liều lớn có thể làm cho huyết áp hạ xuống (đã nói ở trên), phải chăng có liên quan với tác dụng này. Hai tác giả khác Kinh Lợi Bân và Thạch Nguyên Cao đã dùng cồn 70° và nước chiết hoạt chất trong xuyên khung mua của hiệu thuốc Đông Nhân Đường (Bắc Kinh) chế thành dung dịch 10%, rồi tiêm vào tĩnh mạch chó và thỏ gây mê, thì thấy huyết áp hạ xuống rõ rệt, hai tác giả này cho rằng tác dụng này có liên quan tới ảnh hường của trung khu thần kinh. Lý Quảng Tuý và Kim Âm Xương (1956) đã nghiên cứu 27 loại thuốc đông y đối với huyết áp (thí nghiệm trên chó và mèo đã gây mê) thì xuyên khung là một vị có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt và kéo dài dù tiêm mạch máu hay tiêm bắp thịt cũng có tác dụng như nhau (Trung Quốc sinh lý khoa học hội, 1956).
  3. Tác dụng dối với cơ trơn: Kinh Lợi Bân và Thạch Nguyên Cao (1934) đã dùng dung dịch nước của xuyên khung thí nghiệm trên tử cung cô lập của thỏ đã có thai, thấy với liều nhỏ dung dịch nước xuyên khung có tác dụng kích thích co bóp của tử cung thỏ có thai, cuối cùng đi đến hiện tượng co quắp, ngược lại nếu dùng liều lớn, tử cung tê liệt và đi đến ngừng co bóp. Các tác giả còn thí nghiệm tiêm dung dịch xuyên khung liên tục một thời gian cho thỏ và chuột trắng có chửa thì thấy cái thai chết trong bụng mà không đẩy ra được. Các tác giả cho rằng vì xuyên khung gây co bóp tử cung, ảnh hưởng tới dinh dưỡng của thai làm cho thai chết. Các tác giả còn cho rằng vì xuyên khung làm dãn mạch máu cho nên không cầm máu được. Cổ nhân cho rằng xuyên khung có tác dụng điều trị những phụ nữ sau khi sinh nở mà bị băng huyết là do xuyên khung có khả năng làm co tử cung, làm cho những mạch máu ở vách tử cung áp chặt vào vách tử cung mà gây cầm máu. Kinh Lợi Bân và Thạch Nguyên Cao còn nghiên cứu tác dụng của dung dịch nước xuyên khung trên mẩu ruột cô lập (ruột thỏ và chuột bạch) thì thấy nếu dùng liều cao, sự co bóp bị hoàn toàn ngừng hẳn không khôi phục lại được; nếu dùng liều nhỏ thì làm cho mẩu ruột co bóp dần dần mà không có khả năng làm cho ngừng hẳn.
  4. Tác dụng kháng sinh: Theo báo cáo của Lưu Quốc Thanh và Trương Duy Tây, 1950 Trung Hoa y học tạp chí, 68: 307-312) thì xuyên khung có tác dụng kháng sinh đối với nhiều loại vi trùng như vi trùng thương hàn, phó thương hàn, vi trùng sinh mủ, thổ tả, vì trùng lỵ Sonner v.v…

E. Công dụng và liều dùng 

  • Theo tài liệu cổ, xuyên khung có vị cay, tính ôn, vào 3 kinh can, đởm, và tâm bào. Có tác dụng đuổi phong, giảm đau, lý khí hoạt huyết dùng chữa kinh nguyệt không đều, đầu nhức mắt hoa, ngực bụng đầy trướng, bán thân bất toại, chân tay co quắp, ung thư. Những người âm hư hoả vượng không dùng được.
  • Xuyên khung là một vị thuốc hay được dùng chữa những triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, huyết áp cao, phụ nữ sau khi sinh nở bị rong huyết măi không ngừng.
  • Còn dùng trong những trường hợp đau dạ dày hay đau đớn khác và kinh nguyệt không đều.
  • Ngày dùng 3-6g dưới dạng thuốc sác, thuốc bột hay ngâm rượu.

F. Đơn thuốc có xuyên khung

  1. Thuốc chữa nhức đầu, chóng mặt: Xuyên khung 3g, tế tân 2g, hương phụ 3g, nước 300ml, sắc còn 100ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
  2. Đơn thuốc chữa thiên đầu thống, ngạt mũi, mắt mờ: Xuyên khung 12g, kinh giới 12g, bạc hà 24g, phòng phong 4g, tế tân 3g, khương hoạt 6g, bạch chỉ 6g. Các vị trên tán nhỏ, ngày uống hai lần, mỗi lần uống 6g bột, dùng nước chè mà chiêu thuốc.
  3. Độc vị xuyên khung tán chữa thiên đầu thống, phụ nữ sau khi đẻ nhức đầu: Xuyên khung tán nhỏ. Dùng nước chè chiêu thuốc. Ngày uống hai lần, mỗi lần uống 4 đến 6g.
  4. Bài thuốc có tác dụng trợ dương, ích khí, giải biểu: Hoàng kỳ 8g, Nhân sâm 4g, Quế chi 4g, Thược dược 4g, Cam thảo 2g, Thục Phụ tử 4g, Tế tân 4g, Khương hoạt 4g, Phòng phong 4g, Xuyên khung 4g, Gừng nướng 4g, Đại táo 2g. Cách dùng: sắc uống.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top