Thuốc PrEP là gì?
PrEP là từ viết tắt của “pre-exposure prophylaxis” trong tiếng Anh. Thuốc PrEP còn được gọi là thuốc dự phòng trước phơi nhiễm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể dùng PrEP ngay cả khi bạn không bị nhiễm HIV, với mục đích giảm nguy cơ mắc bệnh.
PrEP có thể dùng ở dạng thuốc viên hoặc thuốc tiêm. Hiện tại có 2 loại thuốc PrEP được FDA kiểm duyệt và cho phép sử dụng để dự phòng trước phơi nhiễm, bao gồm:
- Thuốc có chứa emtricitabine (200mg), tenofovir disoproxil fumarate (300mg). Loại này thường dành cho những người có nguy cơ mắc HIV do quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy.
- Thuốc có chứa emtricitabine (200mg), tenofovir alafenamide (25mg). Loại này thường dành cho những người có nguy cơ mắc HIV khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, loại này không dành cho nữ giới khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo.
Điểm khác biệt giữa PEP và PrEP là gì?
- PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm) dùng cho người không nhiễm HIV với mục đích ngăn ngừa nguy cơ bị lây nhiễm. Bạn phải âm tính với HIV trước khi dùng liều đầu tiên.
- PEP (dự phòng sau phơi nhiễm) là thuốc chống HIV ngắn hạn dành cho với người có nguy cơ phơi nhiễm sau khi đã tiếp xúc với virus HIV. Để có hiệu quả, PEP phải được dùng trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc.
PrEP mất bao lâu để phát huy tác dụng?
- Đối với quan hệ tình dục qua đường hậu môn, thuốc PrEP đạt mức bảo vệ tối đa khỏi HIV sau khoảng 7 ngày sử dụng hàng ngày.
- Đối với quan hệ tình dục qua đường âm đạo, thuốc tiêm và thuốc uống PrEP đạt mức bảo vệ tối đa sau khoảng 21 ngày sử dụng hàng ngày.
- Không có dữ liệu về thời gian hiệu quả của thuốc PrEP đối với đối tác nam (người thâm nhập bằng dương vật) khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc quan hệ tình dục qua đường âm đạo .
Đối tượng nên sử dụng PrEP
Bác sĩ có thể khuyên những đối tượng sau nên sử dụng:
- Người có bạn tình bị nhiễm HIV hoặc sử dụng ma túy
- Người muốn có con với bạn tình nhiễm HIV
- Người có thói quen quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su
- Người có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong 6 tháng qua
- Người tiêm chích ma túy với người nhiễm HIV
- Người tiêm chích ma túy dùng chung kim tiêm hoặc ống tiêm
- Người đã dùng PEP nhiều lần trước đó
- Người đã từng bị phơi nhiễm HIV trong quá khứ và có nguy cơ mắc bệnh cao.
Ai không được dùng PrEP?
Nếu đã dương tính với HIV hoặc đã tiếp xúc với virus, bạn không được sử dụng PrEP để ngừa phơi nhiễm. Khi này, PEP cần được sử dụng thay thế cho PrEP.
Đối với PrEP dạng uống, những đối tượng không được chỉ định bao gồm:
- Người có bệnh lý về thận
- Người có vấn đề về gan
- Người thiếu cân (dưới 35kg)
- Người dị ứng với thành phần thuốc
Đối với PrEP uống theo tình huống, những đối tượng không được chỉ định bao gồm:
- Phụ nữ hoặc người chuyển giới nữ
- Người chuyển giới nam có quan hệ tình dục qua đường âm đạo
- Nam quan hệ tình dục với nữ qua đường âm đạo/hậu môn
- Người viêm gan B mạn tính
- Người tiêm chích ma túy
PrEP được cung cấp ở đâu?
Bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc “PrEP là gì?”, có thể bạn quan tâm đến nơi cung cấp thuốc dự phòng trước phơi nhiễm. Tại Việt Nam, PrEP được cung cấp và phân phối tại một số cơ sở y tế nhất định, bao gồm:
- Các trạm y tế dự phòng của Trung tâm Phòng chống AIDS Quốc gia, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.
- Một số cơ sở y tế công và tư như:
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Tim Tâm Đức TP. Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh
Ngoài ra, bạn có thể liên hệ với Trung tâm Phòng chống AIDS Quốc gia, hoặc các tổ chức y tế tại địa phương để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết về việc sử dụng PrEP.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp