✴️ Tăng men gan ở bệnh nhân ung thư

Các loại men gan bao gồm:

  • Các men Transaminase: Gồm men aspartate aminotransferase (AST) hay còn gọi là glutamic-oxaloacetic transaminase (SGOT). Men này có trong bào tương và ti thể ở nhiều loại tế bào (theo thứ tự giảm dần): gan, cơ tim, cơ xương, thận, não, tụy, phổi, bạch cầu và hồng cầu. Men alanine aminotransferase (ALT) hay glutamic-pyruvic transaminase (SGPT) hiện diện chủ yếu ở trong bào tương tế bào gan. Chỉ số bình thường của men Transaminase là <40 U/l
  • Phosphatase kiềm.
  • Gamma-glutamyl transpeptidase (GGT)
  • 5′-nucleotidase.
  • Lactate dehydrogenase (LDH)

Tình trạng tăng men gan ở bệnh nhân ung thư sau điều trị hoá chất.

Biểu hiện lâm sàng của nhiễm độc gan liên quan đến hóa trị liệu có thể bao gồm từ các bất thường sinh hóa không triệu chứng đến một bệnh cấp tính với vàng da giống như viêm gan virut.

Mức độ nghiêm trọng của tổn thương gan chủ yếu được đánh giá bằng cách đo các transaminase huyết thanh (AST và ALT), bilirubin và phosphatase kiềm. Tăng các transaminase (AST, ALT) thường biểu thị tổn thương tế bào gan. Còn sự gia tăng của bilirubin và phosphatase kiềm gợi ý ứ mật.

Ở bệnh nhân ung thư sử dụng phương pháp hoá trị liệu, một số loại hoá chất đã được ghi nhận gây tổn thương gan theo các dạng sau: bệnh lý tắc tĩnh mạch gan, xơ gan mạn tính, gan nhiễm mỡ, tắc mật và rối loạn chức năng gan. Các tổn thương này được thể hiện trên xét nghiệm có chỉ số AST, ALT, bilirubin… tăng cao.

Cần chẩn đoán phân biệt tăng men gan do hoá trị với các khối u gan tiến triển, bệnh gan mãn tính và tác dụng phụ của các thuốc khác. Các đặc điểm gợi ý độc tính do hóa trị liệu bao gồm:

  • Trước đó không có bệnh gan mãn tính.
  • Triệu chứng lâm sàng hoặc bất thường sinh hóa xuất hiện sau khi dùng hoá chất và cải thiện sau khi ngừng sử dụng.

Tăng men gan được phát hiện qua xét nghiệm sinh hoá máu (Ảnh Internet)

Men gan cao ảnh hưởng gì đến bệnh nhân ung thư?

Gan là tuyến lớn nhất của cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Như dự trữ glycogen, lipid, protein, các vitamin A, B12, máu và các chất tạo hồng cầu. Gan tham gia vào quá trình chuyển hoá các chất đường, điều hoà lượng đường huyết cho cơ thể. Bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra các phản ứng liên hợp biến đổi các chất có hại thành chất không có hại và bài xuất qua nước tiểu. Hoặc phá huỷ hoàn toàn các chất có hại bằng các phản ứng oxy hoá.

Khi tế bào gan bị huỷ hoại sẽ giải phóng các men gan và gây ra những biến chứng nặng nề cho người bệnh.

  • Rối loạn chức năng gan: Các tác nhân hóa trị đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc và phóng xạ khác, có thể gây nhiễm độc gan gián tiếp hoặc trực tiếp. Hơn nữa, chức năng gan bất thường có thể làm thay đổi quá trình chuyển hóa thuốc và làm tăng nguy cơ nhiễm độc ngoại bào.
  • Tăng men gan đơn thuần thường không có biểu hiện ra lâm sàng. Đôi khi men gan tăng có thể gây cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Ảnh hưởng rất lớn tới quá trình hoá trị liệu.
  • Trường hợp tế bào gan bị huỷ hoại quá nhiều, men gan tăng cao có thể gây suy gan cấp, xơ gan, hôn mê gan, thậm chí tử vong.

​​​​​​​​​​​​​​

Cần theo dõi tăng men gan trong quá trình hoá trị liệu (Ảnh Internet)

Những bệnh nhân có nguy cơ tăng men gan trong quá trình điều trị hoá chất:

  • Bệnh ung thư gan
  • Đã có bệnh lý gan trước khi hoá trị như viêm gan B, viêm gan C,…
  • Tiền sử nghiện rượu hoặc lạm dụng thuốc
  • Đã điều trị hoá chất trước đó
  • Dùng kèm các thuốc gây độc gan
  • Đã xạ trị gan trước đây
  • Tuổi cao

Làm thế nào để hạ men gan và duy trì men gan ở ngưỡng cho phép trên bệnh nhân ung thư?

-Tránh dùng thuốc, chất bổ sung hoặc hóa chất gây viêm gan.

-Kiểm soát các bệnh mãn tính ở gan: Nhiễm trùng viêm gan B (HBV) hoặc viêm gan C (HCV) có thể làm tổn thương gan trầm trọng hơn trong quá trình hóa trị liệu độc tế bào. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng dùng thuốc kháng vi-rút dự phòng có thể ức chế sự hoạt động và hạn chế mức độ gây tổn thương gan của virus viêm gan.

– Dừng quá trình hoá trị liệu khi men gan tăng cao >2,5 lần.

– Theo dõi triệu chứng và dấu hiệu độc tính gan cũng như tăng men gan trong quá trình hoá trị.

– Hạn chế dùng đồng thời các thuốc có khả năng gây độc cho gan.

– Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào.

– Trường hợp bị suy gan có thể sẽ phải ghép gan, thay thế gan bị bệnh bằng gan khỏe mạnh.

- Thay đổi chế độ ăn để có một lá gan khoẻ mạnh như:

  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh và thức ăn có nhiều dầu mỡ
  • Hạn chế uống rượu bia và không hút thuốc lá.
  • Uống nhiều nước.
  • Ăn nhiều rau quả
  • Hạn chế đồ ăn quá nhiều đạm, nội tạng động vật.

Có thể bạn quan tâm: 9 nguyên nhân gây tăng men gan thường gặp

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top