✴️ Nguyên nhân gây loét dạ dày cách điều trị và phòng tránh

Nội dung

Loét dạ dày là bệnh lý khá phổ biến và có nhiều nguyên nhân gây loét dạ dày. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì việc chữa bệnh không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên nếu để bệnh lâu ngày không được điều trị có thể tiến triển nặng và dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. 

 

1. Viêm loét dạ dày là gì? 

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng lâu dần tạo thành ổ loét. Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây loét dạ dày. Những vết loét trong giai đoạn đầu có thể tự phục hồi theo thời gian mà không cần chữa trị. Tuy nhiên đối với các vết loét lớn người bệnh cần sự tư vấn của bác sĩ về hướng điều trị.

Viêm loét dạ dày được chia thành hai loại:

– Viêm dạ dày cấp tính: Thường diễn ra đột ngột, rõ nét trong thời gian ngắn. Trong giai đoạn này nếu được điều trị đúng cách có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên một số trường hợp chủ quan không đi khám khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. 

– Viêm loét dạ dày mạn tính: Viêm dạ dày cấp tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ chuyển sang mạn tính. Khi này các tổn thương sẽ lan rộng, khó điều trị và có thể gây ra nhiều biến chứng.  Các biến chứng nguy hiểm như: Xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, ung thư dạ dày,…

Loét dạ dày là bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại

 

2. Nguyên nhân gây loét dạ dày

Các nguyên nhân gây loét dạ dày khá đa dạng. Bệnh cũng có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, thường gặp nhất là những người ở độ tuổi trung niên.

2.1 Nhiễm vi khuẩn Helicobacter. pylori (vi khuẩn HP)

Vi khuẩn H.pylori là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây bệnh. Sau khi chúng xâm nhập vào dạ dày sẽ chui vào lớp nhầy của niêm mạc và tiết ra độc tố làm tổn thương dạ dày. Bên cạnh đó vi khuẩn HP còn ức chế sản xuất yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày hình thành vết loét.

2. 2 Tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Các loại thuốc NSAID như naproxen, diclofena, ibuprofen khi sử dụng trong thời gian dài sẽ khiến dạ dày bị tổn thương. Các thuốc này gây ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin. Thiếu hụt chất này sẽ làm giảm hiệu quả bảo vệ niêm mạc dạ dày khiến ổ loét dễ hình thành. 

2. 3 Lạm dụng đồ uống có cồn, thuốc lá

Trong thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại khiến cho dạ dày bị tổn thương. Rượu còn làm các vết loét có sẵn lâu lành hơn. Độc tố trong rượu kích thích tiết acid tạo ra vết loét mới.

2.4  Nguyên nhân gây loét dạ dày là stress

Có thể bạn chưa biết: Căng thẳng, lo lắng kéo dài khiến dạ dày tiết ra acid dịch vị liên tục. Dịch vị tăng cao sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của dạ dày.

2.5  Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu điều độ cũng là nguyên nhân gây loét dạ dày

Nếu bạn thường xuyên bỏ bữa, ăn khuya, ăn uống không đúng giờ sẽ khiến hoạt động của dạ dày không ổn định. Các thói quen ăn uống như ăn quá nhanh, nằm hoặc vận động ngay sau khi ăn cũng gây ảnh hưởng xấu tới dạ dày. 

2.6 Một số yếu tố khác

– Tăng tiết acid dạ dày: Điều này có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân: Yếu tố di truyền, bệnh lý, một số thực phẩm gây kích ứng dạ dày.

– Hội chứng Zollinger-Ellison: Đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra. Căn bệnh này gây ra tình trạng dư thừa acid trong dạ dày.

 

3. Các phương pháp điều trị

Phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm loét mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chữa bệnh phù hợp. Người bệnh cần phải đi khám ngay khi có các biểu hiện bất thường. Bệnh càng được điều trị sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao.

3.1 Điều trị nội khoa 

Nếu loét dạ dày do vi khuẩn HP thì phác đồ điều trị sẽ nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Do hiện nay tình trạng kháng thuốc xảy ra khá phổ biến nên bác sĩ thường sử dụng phác đồ 4 thuốc kháng sinh kết hợp, . Bên cạnh đó một số loại thuốc thường được sử dụng như: 

– Thuốc giảm tiết acid dịch vị

– Thuốc kháng và trung hòa acid 

– Thuốc gây ức chế bơm Proton, ngăn chặn bài tiết dịch HCL

– Thuốc giúp bảo vệ quanh ổ loét và niêm mạc dạ dày

Người bệnh được yêu cầu ngưng sử dụng thuốc NSAID để đẩy nhanh quá trình phục hồi. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc giảm đau bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn loại ít gây ảnh hưởng cho dạ dày. 

Trong quá trình điều trị người bệnh có thể gặp một vài phản ứng như: Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng,…Các tác dụng phụ này là điều bình thường. Phản ứng chỉ xảy ra trong quá trình điều trị. Tuy nhiên nếu phản ứng gây khó chịu cực độ, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để thay đổi liệu trình. 

Bệnh được điều trị đúng cách sẽ nhanh chóng thuyên giảm triệu chứng. Tuy nhiên ngay cả khi cảm thấy đỡ bệnh nhân vẫn cần uống đủ thuốc theo yêu cầu của bác sĩ. Tránh tự ý giảm liều lượng hoặc ngừng uống thuốc để đảm bảo đã loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn và ngăn tình trạng nhờn thuốc. 

3.2 Điều trị phẫu thuật

Các trường hợp nặng, điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên đây là thủ thuật xâm lấn gây nhiều rủi ro vì vậy chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết. Các trường hợp bệnh đã xảy ra biến chứng cũng cần can thiệp phẫu thuật mới có tác dụng.

 

4. Các biện pháp phòng bệnh

Chế độ ăn uống, sinh hoạt vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày. Vì vậy tất cả mọi người cần hết sức lưu ý. 

4.1 Chế độ ăn uống

– Bổ sung trái cây tươi, rau canh: Ăn nhiều rau quả là cách hữu hiệu để nâng cao sức khỏe của hệ tiêu hóa. Trong rau củ có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp chống viêm, bảo vệ tế bào, giúp lớp niêm mạc dạ dày trở nên khỏe mạnh. 

– Chất xơ: Chất xơ hòa tan có trong đậu Hà Lan, táo, lúa mạch,…có thể làm giảm sử phát triển của vết loét.

– Probiotics hay thường gọi là lợi khuẩn được chứng minh có thể cải thiện chứng khó tiêu. Giảm tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Lợi khuẩn còn có thể ngăn ngừa nhiễm trùng. Probiotics thường có trong: Nấm kefir, kim chi, sữa chua,…

– Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, diệt trừ vi khuẩn HP khi sử dụng ở liều thích hợp. Vitamin C có nhiều trong: Các loại đậu, cam quýt, các loại rau thuộc họ nhà cải,…

– Kẽm: Vi chất này giúp nâng cao hệ miễn dịch và chữa lành vết thương. Hàu, các loại đâu, thịt bò thường có hàm lượng kẽm cao.

– Selenium thường viết tắt là Selen có tác dụng thúc đẩy chữa lành vết thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Selen có nhiều trong các loại cá biển và ngũ cốc nguyên hạt.

4.2 Một số lưu ý

Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, việc hình thành các thói quen sau cũng giúp ích cho việc ngăn ngừa loét dạ dày:

– Bỏ hút các loại thuốc lá, cafe, rượu

– Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm ( nên có sự tư vấn của bác sĩ)

– Thường xuyên rửa tay cùng xà phòng và nước sạch sẽ

– Bạn nên tự nấu ăn tại nhà, ăn chín uống sôi

– Kiểm soát căng thẳng

Hiểu rõ về những nguyên nhân gây loét dạ dày sẽ giúp bạn có hướng điều trị và phòng bệnh hiệu quả. Sau khi điều trị bệnh, mọi người cũng nên giữ các thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học để tránh bệnh tái nhiễm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top