✴️ Phẫu thuật gấp gối do bại não nối dài gân cơ gấp gối, cắt thần kinh

I. ĐẠI CƯƠNG

Bại não mặc dù là một tổn thương hệ thần kinh trung ương, nhưng nó lại biểu hiện lâm sàng rõ ràng nhất ở hệ thống cơ xương khớp. Gấp gối do bại não là bệnh thường được phát hiện bởi chuyên khoa chỉnh hình, đặc biệt là ở mức độ tổn thương trung bình, là tình trạng không duỗi được thẳng gối. Tỉ lệ mắc phải khoảng 1/500 trẻ em.

 

II. CHỈ ĐỊNH

– Thường phẫu thuật khi trẻ ở khoảng 5 -10 tuổi và trẻ có các tiêu chí sau
– Sự rối loạn dáng đi đang ảnh hưởng đến chức năng
– Phương pháp không phẫu thuật không còn tác dụng với rối loạn dáng đi
– Các phương pháp điều trị không phẫu thuật không thấy tiến triển trong 6 tháng.
– Làm dài gân cơ Hamstring được chỉ định khi mà gối gấp ở tư thế > 400 mà áp dụng các phương pháp không mổ tập phục hồi chức năng hoặc tiêm botoxin vào gân cơ Hamstring không đỡ.

 

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Các trường hợp có bệnh lí nội khoa chống chỉ định can thiệp ngoại khoa

 

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Phẫu thuật viên chỉnh hình, điều dưỡng, kĩ thuật viên

2. Phương tiện

Dụng cụ mổ xương

3. Người bệnh

Cần chuẩn bị tâm lí cho trẻ lớn, dùng an thần nếu thực sự cần thiết.

4. Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế

 

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ

Đầy đủ theo qui định

2.Kiểm tra người bệnh

Giải thích cho trẻ hoặc người nhà trẻ hiểu, hợp tác để thực hiện kĩ thuật.

3. Thực hiện kĩ thuật

– Gây mê, tê cùng cụt
– Tư thế người bệnh nằm sấp, đặt garo hơi gốc đùi nếu có
– Rạch da theo đường giữa khoeo chân, cắt tới lớp cân sâu, tránh làm tổn thương thần kinh bì đùi sau ở đầu gần đường rạch da.
– Bóc tách, bộc lộ rõ gân cơ Hamstring, có thể làm dài bằng cách cắt ngang bao cơ ở hai mức, hoặc làm dài gân theo Z- plasty.
– Thực hiện kéo dài gân cơ bằng cách duỗi gối hết mức
– Cắt chọn lọc nhánh thần kinh cho cơ sinh đôi
– Khâu phục hồi các bao gân, không khâu cân sâu
– Xả garo, cầm máu, khâu da
– Bó bột đùi cẳng bàn chân, duỗi gối tối đa để 4- 6 tuần

 

VI. THEO DÕI

– Theo dõi sau phẫu thuật tình trạng nhiễm trùng.
– Theo dõi bột, tình trạng loét do bột tại các vị trí tì đè, sau khi tháo bột có thể cho trẻ mang nẹp duỗi gối ban đêm 6- 12 tháng.

 

VII. BIẾN CHỨNG VÀ XỬ TRÍ

– Tổn thương mạch, thần kinh, tùy từng tổn thương để xử trí.
– Nhiễm trùng vết mổ:
+ Dẫn lưu dịch, mủ vết mổ
+ Sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Trích ” Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Nhi khoa”_BỘ Y TẾ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top