I. ĐẠI CƯƠNG
Ngực lõm bẩm sinh (ngực kênh) là một dị tật bẩm sinh của thành ngực do sự phát triển bất thường của xương ức và một vài sụn sườn. Tỷ lệ mắc 1/300 -500, nam nhiều hơn nữ (3:1), 2/3 các trường hợp phát hiện trong năm đầu tiên. Tuy nhiên các dấu hiệu rõ ràng ở thành ngực và các triệu chứng cơ năng thường xuất hiện ở tuổi dậy thì. Phẫu thuật Nuss là phẫu thuật ít xâm lấm được Donald Nuss thực hiện đầu tiên từ năm 1987 đến nay đã phổ biến rộng khắp trên thế giới trong điều trị ngực lõm bẩm sinh.
II. CHỈ ĐỊNH
– Ngực lõm vừa đến nhiều (Chỉ số Haller > 3.2)
– Có triệu chứng cơ năng: Đau tức ngực, khó thở giảm gắng sức…
– Ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý của người bệnh
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh có nhiều dị tật bẩm sinh phức tạp, có bệnh tim bẩm sinh ảnh hưởng tới chức năng tim, chậm phát triển tinh thần trí tuệ
IV. CHUẨN BỊ
1.Người thực hiện:
– Phãu thuật viên chuyên khoa lồng ngực.
– Giải thích cho người bệnh và gia đình người bệnh về tình trạng bệnh và các nguy cơ có thể xảy ra khi vận chuyển hoặc phẫu thuật.
2. Phương tiện:
– Bộ dụng cụ phẫu thuật Nuss
– Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi lồng ngực
3. Người bệnh:
– Được giải thích rõ về bệnh, các nguy cơ rủi ro trong và sau phẫu thuật.
– Đồng ý phẫu thuật và ký giấy cam đoan phẫu thuật.
4. Hồ sơ bệnh án: theo quy định của Bộ Y tế.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Tư thế: Người bệnh nằm ngửa có độn gối dưới lưng
2. Vô cảm: Gây mê nội khí quản
3. Kỹ thuật:
– Đo và uốn thanh theo khuôn lồng ngực
– Rạch da 3cm hai bên thành ngực tương ứng với vị trí xương ức lõm sâu nhất và ở đường nách giữa (đường vào từ bên phải hay bên trái do thói quen của từng PTV).
– Tạo đường hầm dưới da
– Đặt Trocar nội soi
– Bơm hơi áp lực 5mmHg
– Dưới hướng dẫn của nội soi, dùng pince tách các lớp cơ từ đường hầm dưới da thông vào khoang màng phổi ở vị trí bờ trên xương sườn và tách rộng khoang mặt sau xương ức, màng tim.
– Luồn thanh hướng dẫn theo đường hầm vừa tạo sang thành ngực bên đối diện
– Dùng chỉ Vicryl 2 buộc cố định thanh đỡ vào đầu thanh hướng dẫn sau đó kéo thanh đỡ theo đường hầm.
– Quay lật thanh đỡ nâng xương ức.
– Cố định thanh: Một bên (bên có Camera hỗ trợ) dùng chỉ thép khâu vòng qua xương sườn, một bên dùng chỉ Vicryl khâu cố định thanh vào cân cơ thành ngực.
– Bóp bóng nở phổi, rút Trocar.
1. Theo dõi:
– Tình trạng đau
– Tình trạng hô hấp
2. Tai biến – biến chứng và các xử lý:
– Tổn thương tim phổi: Cần thiết phải mở ngực để xử lý.
– Tràn khí màng phổi: Tràn khí ít không cần can thiệp, tràn khí nhiều người bệnh có biểu hiện suy hô hấp đặt dẫn lưu màng phổi qua lỗ đặt Trocar
– Tràn máu màng phổi: Dẫn lưu màng phổi
– Di lệch thanh: cố định lại thanh
– Dị ứng thanh đỡ: Vết mổ chảy dịch kéo dài không liền được, phải rút thanh đỡ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh