Đại tràng là một cơ quan của hệ tiêu hóa. Đây cũng là cơ quan dễ gặp phải tổn thương nhất. Một trong những vấn đề đại tràng thường gặp nhất là viêm loét đại tràng. Tình trạng này gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh trong cuộc sống hàng ngày. Vậy viêm đại tràng là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu và làm thế nào để khắc phục tình trạng này hiệu quả nhất?
Đại tràng hay còn được biết đến là ruột già. Thức ăn sau khi trải qua quá trình hấp thụ tại ruột non thì những chất cặn bã còn lại không thể tiêu hóa sẽ được đẩy xuống ruột già. Tại đây, ruột già sẽ thực hiện quá trình hấp thu nước một lần nữa và cuối cùng là đưa các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Đại tràng là bộ phận rất dễ bị tổn thương trong hệ tiêu hóa. Vì đây là cơ quan chứa đựng các chất cặn bã của thức ăn – là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Trong đó, viêm đại tràng là tổn thương đại tràng thường gặp nhất.
Viêm đại tràng là tình trạng viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng với các mức độ khác nhau. Tùy theo mức độ tổn thương nhẹ hay nặng ở đại tràng mà xuất hiện các triệu chứng như: đau, chảy máu, sung huyết, ổ áp xe,.. Viêm đại tràng cấp rất dễ dẫn đến các biến chứng giãn đại tràng, thủng đại tràng hay ung thư đại tràng. Người bệnh nếu không điều trị dứt điểm sớm sẽ khiến lớp niêm mạc ngày càng bị tổn thương, lâu dần sẽ dẫn đến viêm đại tràng mãn và ác tính hoặc các bệnh nguy hiểm khác.
Viêm đại tràng được chia thành viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mạn tính. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét đại tràng, cụ thể:
Tình trạng viêm đại tràng cấp tính thường xảy ra hơn. Nguyên nhân gây viêm đại tràng cấp tính thường bắt nguồn từ:
– Ngộ độc hoặc dị ứng với thức ăn lạ;
– Không giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, ăn phải thực phẩm có chứa vi khuẩn gây bệnh: ký sinh trùng, vi khuẩn (trực khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, vi khuẩn E.coli, vi khuẩn lao,..), nấm, siêu vi,..
– Thường xuyên phải chịu áp lực, căng thẳng trong công việc.
– Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh kéo dài, ăn uống khó tiêu, táo bón thường xuyên cũng làm tăng tỷ lệ mắc viêm đại tràng.
Viêm đại tràng mạn tính lại được chia thành 2 nhóm:
– Viêm đại tràng mạn tính có nguyên nhân: khi người bệnh bị viêm đại tràng cấp tính bị nhiễm trùng, nhiễm nấm, nhiễm độc mà không điều trị dứt điểm.
– Viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân, hay còn gọi là viêm đại tràng không đặc hiệu.
Tùy vào từng trường hợp và nguyên nhân gây bệnh mà người mắc viêm đại tràng sẽ có những triệu chứng khác nhau.
Viêm đại tràng do lỵ amip: Người bệnh cảm thấy đau bụng thường xuyên. Tình trạng đau có thể âm ỉ bụng dưới hoặc quặn thắt dữ dội. Mỗi lần đại tiện chỉ có một ít phân có lẫn máu và chất nhầy.
Viêm đại tràng do trực khuẩn: sốt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng có máu. Tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến mất nước, nguy hiểm hơn là trụy tim mạch.
Viêm đại tràng cấp do các nguyên nhân khác: triệu chứng đau bụng là chủ yếu, có thể đau thắt bụng dưới, đau từng đoạn, đau dọc theo khung đại tràng hoặc đau co thắt đại tràng. Có thể tiêu chảy, phân toàn nước có lẫn nhầy và máu, người mệt mỏi, gầy nhanh.
Người mắc viêm đại tràng mạn tính có thể gặp các thể bệnh sau:
– Thể tiêu lỏng và đau bụng: người bệnh đau bụng từng lúc. Mỗi lần đau đều muốn đi đại tiện, đi tiêu xong mới hết đau. Thông thường đau bụng diễn ra lúc ngủ dậy và sau khi ăn xong. Mỗi ngày đi tiêu khoảng 3-4 lần. Phân lần đầu có thể đặc nhưng không thành khuôn, những lần sau phân lỏng, có lẫn nhầy.
– Thể táo bón và đau bụng: Người bệnh gặp tình trạng táo bón, ăn uống khó tiêu, đau bụng. Phân thường cứng, khô và ít. Tình trạng này thường gặp ở người già và nữ giới.
– Thể táo bón và tiêu lỏng xen kẽ nhau: Từng đợt táo bón và tiêu lỏng diễn ra lần lượt và kéo dài trong nhiều năm liền.
Viêm đại tràng là bệnh có nguy cơ tái phát cao và dễ để lại biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy điều trị viêm đại tràng cần phải thực hiện càng sớm càng tốt dựa trên nguyên tắc:
– Xác định nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp.
– Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc phù hợp.
– Điều trị nội khoa kết hợp ngoại khoa tùy từng trường hợp.
Điều trị nội khoa là phương pháp sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn. Các loại thuốc thường được sử dụng cho bệnh viêm đại tràng bao gồm:
– Kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn, thuốc chống ký sinh trùng, thuốc kháng nấm, kháng lao.
– Thuốc giảm đau, chống co thắt, thuốc điều trị tiêu chảy, chống loạn khuẩn.
– Bổ sung nước và điện giải để chống trụy tim mạch.
Khi tình trạng viêm nhiễm có xu hướng diễn biến nghiêm trọng hoặc khi xuất hiện các biến chứng như (polyp đại tràng, ung thư đại tràng) thì cần phẫu thuật cắt bỏ đại tràng để loại bỏi phần bị viêm nhiễm, tổn thương. Tuy nhiên phương pháp này sẽ ảnh hưởng đến chức năng ruột và tâm lý của người bệnh.
Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng là rất cần thiết trong việc điều trị đại tràng bị viêm:
– Khi bị tiêu chảy: cần hạn chế tối đa ăn các loại thực phẩm sống, trái cây khô và các thực phẩm nhiều chất xơ.
– Khi bị táo bón: Uống nhiều nước, tăng cường chất xơ, giảm lượng chất béo.
– Tránh sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia,..
– Không nên thức khuya, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
– Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và nâng cao sức khỏe.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm đại tràng giúp bạn giải đáp thắc mắc viêm đại tràng là bệnh gì cũng như triệu chứng và phương pháp điều trị của bệnh. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, bàn cần đến cơ sở y tế thăm khám sớm. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc tự điều trị nếu không có chỉ định của bác sĩ để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh