I. ĐẠI CƯƠNG
- Vỡ xương bánh chè là loại gãy xương nội khớp trừ gãy cực dưới, có thể gãy kín hoặc gãy hở. Xương bánh chè giữ chức năng chính trong hệ thống duỗi gối. Gãy xương bánh chè hay gặp trong chấn thương vùng gối. Nguyên nhân là do tai nạn giao thông, lao động hoặc sinh hoạt.
- Có nhiều loại gãy khác nhau:
+ Gãy ngang: Phổ biến nhất, có thể gãy ở cực dưới hoặc ở cực trên.
+ Gãy nhiều mảnh, gãy hình sao.
+ Gãy dọc.
- Tùy từng loại gãy, tùy thuộc vào lứa tuổi mà đưa ra phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật
- Điều trị bảo tồn:
Khi vỡ xương bánh chè dạng nứt rạn, không di lệch (2 mảnh và mặt khớp bánh chè-lồi cầu đùi không bị khấp khểnh)
Người cao tuổi không còn đi đứng hoặc có bệnh nội khoa nặng kèm theo.
Điều trị: bó bột ống đùi cổ chân với gối gấp 5-10o, để bột 3 - 6 tuần tùy từng trường hợp.
- Điều trị phẫu thuật: Khi vỡ xương bánh chè, 2 phần vỡ rời xa nhau quá 4mm, gãy vụn khi diện khớp của các mảnh gãy khấp khểnh hoặc có mảnh rời di lệch vào khớp gối.
Khi mổ cũng có nhiều phương pháp khác nhau: Mổ buộc vòng chỉ thép, mổ buộc xương chữ U,mổ bắt vis,mổ néo ép.Nếu vỡ vụn quá mổ lấy bỏ xương bánh chè.
Sau mổ tùy vào phƣơng pháp mổ, nếu thấy không vững cần bó bột hoặc đeo nẹp đùi cẳng bàn chân tăng cường thêm 3 tuần.
- Với các phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật sẽ đưa ra chương trình tập phục hồi chức năng phù hợp để giúp bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
Hỏi nguyên nhân gây ra chấn thương, tình trạng sưng đau, không đi được sau chấn thương.
1.2. Khám và lượng giá chức năng: Khám xem có dấu hiệu tràn máu khớp gối không (chọc dịch có máu tụ) bệnh nhân có chủ động duỗi gối hoàn toàn được không.
Điểm đau cố định, có thấy đoạn giãn cách giữa 2 ổ gãy không.
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng: Chụp X-Quang thường thẳngvà nghiêng để xác định mảnh gãy, độ di lệch, khoảng cách rời xa của mảnh gãy. Đôi khi phải chụp phim dọc nếu nghi ngờ xương bánh chè gãy 2 mảnh.
Đôi khi phải chụp CT scaner để chẩn đoán dị tật bẩm sinh với một gãy mới
2. Chẩn đoán xác định
X-Quang thấy hình ảnh của gãy xương bánh chè.
3. Chẩn đoán phân biệt
Phân biệt với dị tật bẩm sinh của xương bánh chè.
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị và phục hôi chức năng
- Giảm đau.
- Tăng cường tuần hoàn.
- Chống teo cơ, đặc biệt là cơ tứ đầu đùi.
- Chống cứng khớp.
- Phục hồi chức năng di chuyển.
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
2.1. Giai đoạn bất động khớp gối (với điều trị bảo tồn và sau mổ buộc vòng chỉ thép có bó bột tăng cường).
- Tập co cơ tĩnh trong nẹp, bột: đặc biệt là cơ tứ đầu đùi. Tập co cơ tĩnh 10 giây/ lần, ít nhất 10 lần/ngày.
- Tập chủ động các khớp tự do: Háng,cổ chân để tăng cường tuần hoàn.
- Sau khi bột khô, cho bệnh nhân đứng dậy, tập đi với nạng, chân bệnh chịu một phần sức nặng.
2.2. Giai đoạn sau bất động: (Sau khi tháo bột hoặc tháo nẹp cố định khớp gối)
- Giảm đau, tránh co cứng khớp gối bằng nhiệt trị liệu, điện xung, điện phân thuốc qua khớp gối (với phẫu thuật buộc vòng chỉ thép chống chỉ định dùng sóng ngắn để điều trị )
- Xoa bóp chống kết dính xung quanh sẹo mổ, xung quanh xương bánh chè và xung quanh khớp.
- Di động xương bánh chè theo chiều dọc và chiều ngang.
- Gia tăng tầm vận động khớp bằng kỹ thuật giữ nghỉ và kỹ thuật trợ giúp.
+ Tập duỗi khớp gối hoàn toàn.
+ Tập gấp gối tăng dần, những ngày đầu tập vận động từ 0 đến 30o. Sau đó tập tăng dần để đạt được tầm vận động gấp 90o sau 6 tuần.
+ Lấy lại tầm vận động khớp gối hoàn toàn sau 12 tuần.
- Gia tăng sức mạnh cơ đùi bằng các bài tập sức cản với tạ,bao cát, ghế chuyên dụng.
- Tập các bài tập xuống tấn, đạp xe đạp, tập trên dụng cụ tập chuyên biệt khớp gối, tập bơi, tập lên xuống cầut hang.
- Bệnh nhân trở lại các hoạt động bình thường sau 6 tháng.
2.3. Điều trị phục hồi chức năng sau phẫu thuật néo ép bánh chè hoặc các phương pháp phẫu thuật khác không cần bột, nẹp tăng cường
* Giai đoạn I: Ngày 1 đến 14 ngày sau phẫu thuật.
- Mục tiêu:
+ Duỗi gối tối đa.
+ Gấp khớp gối tới 90o .
+ Kiểm soát đau, phù nề sau phẫu thuật.
+ Kiểm soát cơ lực cơ tứ đầu đùi.
- Điều trị:
+ Chườm lạnh khớp gối 20 phút cách 2h
+ Băng chun ép cố định khớp gối.
+ Đi lại bằng nạng đến khi kiểm soát được cơ đùi. Chịu một phần trọng lượng lên chân phẫu thuật.
- Bài tập:
+ Tập co cơ tĩnh cơ tứ đầu đùi và toàn bộ chân phẫu thuật.
+ Tập vận động thụ động khớp gối từ 0 đến 30o trong những ngày đầu, tập tăng dần đến 2 tuần đạt gấp gối 90o
+ Tập duỗi khớp gối.
+ Tập vận động khớp cổ chân, tập vận động khớp háng của chân phẫu thuật.
* Giai đoạn II: từ 2 đến 6 tuần sau phẫu thuật.
- Mục tiêu:
+ Lấy lại tầm vận động của khớp gối.
+ Tăng cường sức mạnh nhóm cơ đùi.
+ Kiểm soát đau và phù nề.
- Bài tập:
+ Tiếp tục các bài tập ở trên.
+ Tập duỗi khớp gối tối đa.
+ Tập gấp dần khớp gối đến 6 tuần lấy lại hoàn toàn tầm vận động khớp gối.
+ Tiếp tục chịu trọng lượng lên chân phẫu thuật, bỏ nạng sau 4 tuần.
+ Tập gia tăng sức mạnh cơ đùi bằng chun, tạ, bao cát hoặc dụng cụ tập khớp gối chuyên dụng.
+ Tập xuống tấn, tập đạp xe đạp, tập bơi.
Bệnh nhân trở lại các hoạt động bình thường sau 6 tháng.
3. Các điều trị khác
- Kết hợp thuốc điều trị chống viêm giảm đau, giảm phù nề.
- Hai tuần sau phẫu thuật có thể điều trị kết hợp bằng các phương pháp vật lý trị liệu: hồng ngoại, điện xung, điện phân…
- Khi vận động khớp gối,nếu khớp gối sưng nề nhiều,giảm cường độ tập, chườm lạnh khớp gối.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
- Lần đầu: sau phẫu thuật 2 tuần. Các lần tiếp theo cách 1 tháng.
- Khám đến 6 tháng sau phẫu thuật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh