✴️ Rối loạn lipid máu

Nội dung

I. Định nghĩa: 

Người ta gọi là rối loạn lipid máu khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau:

1. Tăng Cholesterol huyết tương:

- Bình thường: Cholesterol trong máu < 5,2 mmol/l (< 200 mg/dl)

- Tăng giới hạn: Cholesterol trong máu từ 5,2 đến 6,2 mmol/l (200 – 239 mg/dl)

- Tăng cholesterol máu khi > 6,2 mmol/l (> 240 mg/dl)

2. Tăng TG (Triglycerid) trong máu:

- Bình thường: TG máu < 1,7 mmol/l (< 150 mg/dl).

- Tăng giới hạn: TG từ 1,7 - 2,25 mmol/l (150-199 mg/dl).

- Tăng TG: TG từ 2,26 – 5,64mmol/l (200-499mg/dl).

- Rất tăng: TG máu > 5,65 mmol/l (> 500 mg/dl).

3. Giảm HDL-C (High Density Lipoprotein Cholesterol):

HDL-C là 1 Lipoprotein có tính bảo vệ thành mạch. Khác với LDL-C, nếu giảm HDL-C là có nguy cơ cao với xơ vữa động mạch:

  • Bình thường HDL-C trong máu > 0,9 mmol/l.
  • Khi HDL-C máu < 0,9 mmol/l (< 35mg/dl) là giảm.

4. Tăng LDL–C (Low Density Lipoprotein Cholesterol)

- Bình thường: LDL-C trong máu < 3,4 mmol/l (< 130 mg/dl)

- Tăng giới hạn: 3,4 – 4,1 mmol/l (130-159 mg/dl)

- Tăng nhiều khi: > 4,1 mmol/l (> 160 mg/dl)

5. Rối loạn lipid máu kiểu hỗn hợp: 

Khi Cholesterol > 6,2 mmol/l và TG trong khoảng 2,26 – 4,5 mmol/l.

 

II. Nguyên tắc điều trị rối loạn lipid máu

1. Nguyên tắc điều trị

Việc điều trị tuỳ thuộc vào từng cá thể bệnh nhân trên cơ sở đánh giá tình trạng rối loạn Lipid máu và các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.

2. Điều trị cấp một và điều trị cấp hai:

- Điều trị cấp một khi bệnh nhân có rối loạn Lipid máu nhưng chưa có tiền sử bị bệnh mạch vành.

- Điều trị cấp hai khi bệnh nhân đã có tiền sử bệnh mạch vành.

 

III. Điều trị cụ thể

1. Chế độ ăn và sinh hoạt:

Dùng chế độ ăn giảm Cholesterol và Calo (nếu bệnh nhân béo phì).

2. Điều trị bằng thuốc:

a. Các nhóm thuốc:

- Các loại Resins gắn acid mật: Cholestyramine (Questran), Colestipol (Colestid).

Liều thường dùng: Questran 8 – 16 g/ngày chia 2 lần dùng trong bữa ăn, Colestid: 10 – 30 g/ngày chia làm 2 lần. Nên khởi đầu bằng liều thấp sau đó tăng dần.

- Nicotinic acid (Niacin): là một loại Vitamin tan trong nước, ức chế gan sản xuất ra các Lipoprotein.

Liều khởi đầu nên thấp khoảng 100 mg x 3 lần/ ngày, sau đó có thể tăng liều tới 2-4 g/ngày.

- Thuốc ức chế men HMG-CoA Reductase (nhóm Statin): Gồm Simvastatin (Zocor); Lovastatin; Pravastatin; Fluvastatin; Atorvastatin (Lipitor)...

Liều dùng: Simvastatin (Zocor) 5-40 mg/ngày; Atorvastatin (Lipitor) 10-80 mg/ ngày; Lovastatin 10-20 mg/ngày; Pravastatin 10-40 mg/ngày. Các thuốc nhóm này không nên dùng gần bữa ăn ,có thể dùng 1 lần trong ngày trước khi đi ngủ. Các statin khác nhau có hiệu lực đối với LDL-C khác nhau .

- Các dẫn xuất fibrat (acid fibric) bao gồm: Gemfibrozil (Lopid); Fenofibrat (Lipanthyl, Tricor); Bezafibrat (Benzalip).

Liều thường dùng là: Gemfibrozil 600 mg x 2 lần/ngày trước khi ăn; Fenofibrat 300 mg/ngày..

- Điều trị thay thế bằng hormon sinh dục nữ (Estrogen): có thể có ích ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh có rối loạn lipid máu. Estrogen uống làm giảm LDL-C khoảng 15% và làm tăng HDL-C cũng khoảng 15%.

- Vấn đề kết hợp thuốc:

  • Có thể dùng 2 loại thuốc ở 2 nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu khác nhau nếu thấy cần thiết.
  • Việc kết hợp 2 loại thuốc với liều thấp sẽ thay thế cho việc dùng 1 loại với liều cao vì khó dung nạp.
  • Trong một số trường hợp khi tăng quá cao Cholesterol máu nên kết hợp 2 loại thuốc.
  • Sự kết hợp tốt nhất là giữa Statin và Niacin.

- Theo dõi khi dùng thuốc: Cần kiểm tra Cholesterol và TG máu mỗi 3-4 tuần điều trị. Nếu không đáp ứng sau 2 tháng điều trị, mặc dù đã dùng liều tối ưu, thì nên thay bằng thuốc khác hoặc kết hợp thuốc thứ 2.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top