✴️ Kỹ thuật chăm sóc vết thương và ống dẫn lưu

GIỚI THIỆU

Chăm sóc vết thương là kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc người bệnh. Chăm sóc vết thương tốt giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng, kiểm soát nhiễm khuẩn, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị, tăng cường niềm tin của người bệnh với nhân viên y tế. 

Chăm sóc vết thương bao gồm chăm sóc các loại vết thương từ đơn giản đến phức tạp: vết thương sạch, vết thương nhiễm khuẩn, hoại tử, loét ép (loét tỳ), vết thương có chỉ khâu, vết thương có ống dẫn lưu, vết thương ghép da... Khi chăm sóc vết thương, điều dưỡng cần phải có kỹ năng sử dụng các loại băng vết thương phù hợp, để che chở và bảo vệ vết thương giúp cho sự lành vết thương diễn ra một cách tốt nhất. 

Điều dưỡng cần phối hợp với các đồng nghiệp, các chuyên gia giúp người bệnh phục hồi chức năng các cơ quan bị ảnh hưởng sau phẫu thuật, sau chấn thương; phối hợp với gia đình người bệnh, hỗ trợ họ có kiến thức và kỹ năng chăm sóc người bệnh sau khi ra viện, giúp người bệnh phục hồi và ổn định sức khỏe.

Nhóm kỹ năng chăm sóc vết thương bao gồm:

Chăm sóc vết thương sạch.   

Chăm sóc vết thương nhiễm khuẩn. 

Cắt chỉ các loại vết khâu.

Chăm sóc vết thương dẫn lưu. 

 

PHÂN LOẠI VẾT THƯƠNG

Vết thương sạch: là vết thương ngoại khoa được thực hiện dưới các điều kiện vô khuẩn, không bị nhiễm khuẩn, không nằm trong vùng của hô hấp, bài tiết, sinh dục, tiết niệu và không có ống dẫn lưu.

Vết thương sạch có nguy cơ nhiễm khuẩn: là vết thương không có dấu hiệu nhiễm khuẩn nhưng nằm trong vùng hô hấp, bài tiết, sinh dục, tiết niệu, vết thương hở, vết thương có ống dẫn lưu.

Vết thương nhiễm khuẩn: là những vết thương nhiễm khuẩn, vết thương do tai nạn, giập nát, vết thương trên vùng có nhiễm khuẩn trước mổ (ví dụ: viêm phúc mạc, chấn thương ruột...).

Vết thương bẩn: vết thương có mủ, hoại tử và có nguồn gốc bẩn từ trước.

 

NGUYÊN TẮC CƠ BẢN KHI THỰC HIỆN KỸ NĂNG CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG

Nhận định tình trạng vết thương

Mép vết thương phẳng gọn hay vết thương bờ nham nhở.

Vết thương mới tiến triển hay vết thương cũ, vết thương có kèm tổn thương khác không. 

Xác định vị trí vết thương trên cơ thể. 

Tình trạng toàn thân, bệnh lý khác kèm theo: tiểu đường, lao, ung thư…

Nguyên tắc chăm sóc vết thương

Loại bỏ dị vật, mô giập 

Mở rộng vết thương, dẫn lưu tốt

Giúp vết thương mau lành. 

Vết thương luôn tiết dịch nên việc giữ ẩm vết thương là cần thiết nhưng không phải là làm ướt vết thương, do đó điều dưỡng cần thay băng khi thấm ướt. 

Khi có vết thương, người bệnh rất đau, điều dưỡng chú ý tránh làm đau người bệnh khi thay băng, nên thực hiện thuốc giảm đau trước khi thay băng nếu nhận định vết thương có thể làm người bệnh đau.

Nguyên tắc thay băng

Áp dụng kỹ thuật vô khuẩn tuyệt đối khi thay băng vết thương. Mỗi người bệnh sử dụng một bộ dụng cụ vô khuẩn.

Rửa vết thương đúng nguyên tắc: Rửa vết thương theo đường thẳng từ đỉnh đến đáy và thao tác từ trong ra ngoài, từ vết cắt theo đường thẳng chạy song song với vết thương. 

Trên người bệnh có nhiều vết thương cần rửa vết thương theo thứ tự: vô trùng, sạch, nhiễm khuẩn.

Trước khi áp băng gạc vào vết thương phải theo các bước sau:

Kiểm soát lại thứ tự việc chăm sóc vết thương.

Giải thích thủ tục cho người bệnh.

Băng kín vết thương.

Một số vết thương đặc biệt (có ghép da) khi thay băng phải có chỉ định của bác sĩ.

 

MỘT SỐ LOẠI DUNG DỊCH VÀ TÁC DỤNG CỦA DUNG DỊCH THƯỜNG DÙNG RỬA VẾT THƯƠNG

 

ĐẶC ĐIỂM VÀ CHỈ ĐỊNH CỦA CÁC LOẠI BĂNG VẾT THƯƠNG

 

KỸ THUẬT CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG SẠCH

Nhận định

Tình trạng người bệnh: toàn trạng, tri giác, dấu hiệu sinh tồn...

Tiền sử bệnh và các yếu tố ảnh hưởng: tuổi, bệnh mạn tính, thuốc đang điều trị, chế độ ăn uống, nghiện rượu, nghiện thuốc lá …

Hiểu biết của người bệnh và gia đình về cách sơ cứu và chăm sóc vết thương. 

Tình trạng vết thương: vị trí, kích thước, độ sâu, bề mặt vết thương, tình trạng tiết dịch, màu sắc vết thương, vùng da xung quanh vết thương, loại vết thương tiến triển lành vết thương…

Dụng cụ

Gói vô khuẩn: 2 kẹp Kocher không mấu, 2 cốc nhỏ, gòn bao, gạc củ ấu, băng che chở vết thương. 

Băng cuộn hoặc băng dính, kéo cắt băng, dung dịch rửa, sát khuẩn, găng tay sạch.

Nilon, khay quả đậu, chai dung dịch rửa tay nhanh 

Thau đựng dung dịch khử khuẩn

Túi đựng bông gạc bẩn.

Các bước thực hiện 

Bảng kiểm kỹ thuật chăm sóc vết thương sạch

 

TRƯỜNG HỢP VẾT THƯƠNG BỊ NHIỄM KHUẨN

Trong bài này không đề cập đến nội dung chăm sóc vết thương bị nhiễm khuẩn, mà chỉ nêu một số nội dung quan trọng liên quan đến nhận định vết thương nhằm giúp điều dưỡng viên mới nắm rõ được bước này trong quy trình điều dưỡng. 

Dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn vết thương

Đau tăng dần

Phù nề, sưng phồng

Đỏ vùng da quanh vết thương

Có dịch xuất tiết từ vết thương

Mùi khó chịu, 

Vết đỏ từ ngoại vi vào trung tâm vết thương

Người bệnh sốt

Vết thương lâu lành hoặc không lành.

Những vết thương đặc thù và có nguy cơ nhiễm khuẩn

Vị trí chảy máu: Nguy cơ nhiễm khuẩn đối với vết thương nặng giảm khi máu chảy ồ ạt ra ngoài kéo theo những mảnh vụn và mầm bệnh tiềm ẩn. Những vết thương nhỏ, vết trầy xước do dị vật bẩn gây ra có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn. Vết thương do đâm chọc sẽ nguy hiểm hơn nữa, vì vết thương làm nhiễm khuẩn vào sâu bên trong mô, chảy máu không nhiều và khó sát trùng.

Vết bỏng: Nhiễm khuẩn là biến chứng hay gặp nhất của bỏng. Bỏng gây huỷ hoại vùng da rộng lớn, nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

Gãy xương hở: Nhiễm khuẩn vào xương rất lâu lành, trong một số trường hợp phải được hỗ trợ y tế tăng cường, một số trường hợp phải cắt cụt vùng chi bị nhiễm khuẩn. Khi gãy xương hở, nơi xương gãy đâm chọc qua da có thể mang đến nguy cơ nhiễm khuẩn cao nên cần được chăm sóc điều trị đúng mức.

Vết cắn hoặc vết đốt: Vết cắn do súc vật hay vết chích do côn trùng có thể gây nhiễm khuẩn cho vết thương. Một vài loại súc vật, côn trùng có mang nguy cơ nhiễm khuẩn riêng, ví dụ như virus dại truyền bệnh qua người nếu người bị chó dại cắn; hay vết thương do rắn độc cắn hoặc bị ong độc đốt…

Nhận định

Tình trạng người bệnh: toàn trạng, tri giác, dấu hiệu sinh tồn... thời gian diễn biến của vết thương

Tiền sử bệnh và các yếu tố ảnh hưởng: tuổi, bệnh mạn tính, thuốc đang điều trị, chế độ ăn uống, nghiện rượu, nghiện thuốc lá …

Hiểu biết của người bệnh và gia đình về chăm sóc vết thương

Tình trạng vết thương :

Vị trí, kích thước, độ sâu, bề mặt vết thương 

Bản chất vết thương: bầm dập, bẩn

Đặc thù của vết thương: vết phỏng, gãy xương hở, vết cắn, vết đốt…

Tình trạng tiết dịch, mùi

Tiến triển lành vết thương

Vùng da xung quanh vết thương

Loại vết thương: phẫu thuật, chấn thương, vết thương mạch máu

Lưu ý: Khi nhận định thấy vết thương có nhiễm khuẩn, điều dưỡng mới sẽ phải báo cáo điều dưỡng phụ trách hoặc bác sĩ.

 

KỸ THUẬT CẮT CHỈ VẾT THƯƠNG

Điều dưỡng cắt chỉ vết khâu khi có y lệnh của bác sĩ. Thời gian cắt chỉ tùy vào giai đoạn lành vết thương, mục đích phẫu thuật và vị trí vết thương.

Chỉ khâu hay móc kim loại thường được cắt trong vòng 7 - 10 ngày sau mổ, khi vết thương đã lành hoàn toàn, hoặc có thể lâu hơn từ 14 - 21 ngày. Lưu chỉ quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng chân chỉ. Chỉ quá 14 ngày sẽ tăng nguy cơ sẹo xấu. Chỉ hay kẹp/móc kim loại có thể được cắt hết một lần hay chia làm nhiều lần. 

Có nhiều loại chỉ như chỉ thép, chỉ soa, chỉ tan…, có nhiều cỡ chỉ khác nhau. Chỉ khâu nội tạng hay các cơ là chỉ tan sẽ tự tiêu sau vài ngày. Chỉ khâu da thường dùng chỉ không tan.

Móc làm bằng dây kim loại không gỉ. Móc dùng ở vị trí có lớp mô dưới da dầy, không dùng móc ở vùng da gần xương hay mạch máu. Kỹ thuật tháo móc yêu cầu đảm bảo vô trùng.

Khi cắt chỉ vết thương, điều dưỡng cần đánh giá tình trạng liền mép vết thương. Nếu vết thương chưa liền tốt có thể thực hiện cắt chỉ bỏ mối/cách quãng. Những phần chỉ còn lại sẽ được cắt một tuần sau đó.

Nhận định

Tình trạng người bệnh: toàn trạng, tri giác, dấu hiệu sinh tồn... hiểu biết của người bệnh về cắt chỉ và tự chăm sóc sau khi cắt chỉ.

Tình trạng vết khâu: vị trí, kích thước, độ sâu, bề mặt vết khâu, tình trạng tiết dịch, tiến triển lành của vết khâu, vùng da xung quanh vết khâu, loại vết khâu. 

Dụng cụ

Gói vô khuẩn: 2 kềm, 1 kéo, 1 kẹp phẫu tích, 1 cốc nhỏ, gòn bao, gạc củ ấu, gạc miếng.

Băng cuộn hoặc băng dính, kéo cắt băng, dung dịch rửa, găng tay

Tấm lót, khay quả đậu, chai dung dịch rửa tay nhanh

Thau đựng dung dịch khử khuẩn

Túi đựng bông gạc bẩn.

Các bước thực hiện

Bảng kiểm kỹ thuật cắt chỉ vết thương

 

KỸ THUẬT CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG CÓ DẪN LƯU

Khi vết thương có nhiều dịch tiết, quá trình lành của vết thương sẽ bị chậm lại. Dịch tiết có thể được dẫn lưu bằng hệ thống dẫn lưu kín hay hở. Đầu trong của ống dẫn lưu được đặt trong tổ chức/cơ quan tổn thương; đầu ngoài ống dẫn lưu có thể được đặt trực tiếp qua vết thương hay qua lỗ nhỏ cạnh vết thương. 

Các loại ống dẫn lưu thường gặp là:

Dẫn lưu lồng ngực (màng phổi, màng tim, trung thất).

Dẫn lưu khoang bụng (Kehr, túi mật, ổ tụy, ổ bụng, hỗng tràng, hồi tràng, dưới cơ hoành).

Dẫn lưu tại các vị trí mổ (hố thận, bể thận, bàng quang qua da, khoang retzius, sọ não, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đùi, các ổ áp xe).

Nhận định

Tình trạng người bệnh: toàn trạng, tri giác, dấu hiệu sinh tồn...

Tình trạng vết thương dẫn lưu: vị trí, kích thước, bề mặt vết thương, tình trạng rỉ dịch chân ống dẫn lưu.

Cơ quan được dẫn lưu, mục đích dẫn lưu

Hệ thống cầu nối dẫn lưu, số lượng, màu sắc, tính chất dịch dẫn lưu.

Xem hồ sơ về chỉ định đối với yêu cầu dẫn lưu kín như dùng bình hay túi chân không, nối hệ thống với máy hút.

Nhận định các yếu tố nguy cơ

Người bệnh lo lắng 

Đau và khó chịu 

Xoay trở, vận động khó khăn 

Vệ sinh cá nhân bị hạn chế

Nguy cơ bị nhiễm khuẩn. 

Nguy cơ mất cân bằng dịch.

Dụng cụ

Gói vô khuẩn: 2 kẹp Kocher không mấu, 1 kéo, 2 cốc nhỏ, bông, gạc củ ấu, gạc miếng.

Băng cuộn hoặc băng dính, kéo cắt băng, dung dịch rửa, 3 đôi găng tay.

Tấm lót, khay quả đậu hoặc túi bóng, chai dung dịch rửa tay nhanh.

Chậu đựng dung dịch khử khuẩn.

Túi đựng bông gạc bẩn.

Dụng cụ chứa dịch hay túi dẫn lưu (nếu cần).

Các bước thực hiện

Bảng kiểm kỹ thuật chăm sóc vết thương có dẫn lưu

Bảng kiểm đánh giá năng lực thực hành kỹ thuật chăm sóc vết thương và ống dẫn lưu

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Y tế (2012). Kỹ năng thực hành điều dưỡng. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

Bộ Y tế (2010). Hướng dẫn thực hành 55 kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, tập 2.Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top