✴️ Tâm phế mạn

Nội dung

Tâm phế mạn (chronic cor pulmonale) là một thuật ngữ mô tả các ảnh hưởng của rối loạn chức năng phổi lên tim phải. Tăng áp động mạch phổi (TAĐMP) là cầu nối giữa rối loạn chức năng phổi và tim phải trong tâm phế mạn (TPM). Do các rối loạn chức năng phổi dẫn đến TAĐMP nên TPM là một dạng bệnh tim thứ phát, như là một biểu hiện muộn của nhiều bệnh phổi và trong từng trường hợp bệnh cụ thể thì tăng hậu gánh thất phải là biểu hiện chung nhất. Tuỳ theo mức độ và thời gian bị mà TAĐMP sẽ dẫn đến giãn thất phải và có hoặc không có phì đại thất phải. Suy tim phải không phải là yếu tố cần thiết để chẩn đoán TPM, nhưng suy tim phải là biểu hiện phổ biến của bệnh.

 

I. Chẩn đoán:

1.  Chẩn đoán xác định TPM dựa vào:

- Tiền sử mắc bệnh phổi mạn tính hoặc bệnh của hệ thống cơ xương ở lồng ngực

.Hội chứng suy tim phải.

- Điện tâm đồ: P phế, dày thất phải, tăng gánh thất phải.

- Phim Xquang lồng ngực: bóng tim to, cung động mạch phổi nổi, các động mạch phổi phải, trái giãn.

- Thăm dò huyết động (siêu âm tim hoặc thông tim phải): áp lực động mạch phổi tăng.

2. Chẩn đoán phân biệt:

- Suy tim toàn bộ do bệnh van tim mắc phải (hẹp van hai lá), bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim.

- Suy tim do suy vành, nhồi máu cơ tim : cơn đau thắt ngực điển hình, biến đổi đoạn ST -T và các men tim tăng.

- Hội chứng Pick: Viêm màng ngoài tim co thắt.

- Tim người già: người lớn tuổi, không có tiền sử bị bệnh phổi mạn tính.

3. Chẩn đoán giai đoạn:

a. Giai đoạn sớm: Chỉ có bệnh phổi mạn tính với những đợt suy hô hấp kịch phát, chưa có tăng áp động mạch phổi, cần phát hiện sớm để đề phòng.

b. Giai đoạn tăng áp động mạch phổi: Thường lâm sàng không thể phát hiện được, thăm dò bằng thông tim phải hoặc siêu âm Doppler tim thì có tăng áp động mạch phổi, có thể điều trị tốt và trở về ổn định.

c. Giai đoạn suy tim phải còn hồi phục: có biểu hiện tăng áp động mạch phổi và suy tim phải, điều trị có kết quả.

d. Giai đoạn suy tim phải không hồi phục: điều trị không có kết quả.

 

II. Điều trị:

1. Ôxy liệu pháp:

-Rất quan trọng, có thể cho thở ôxy bằng ống thông qua mũi, bóng ôxy, thở ôxy trong vòng kín.

-Ôxy liệu pháp cũng làm cải thiện chức năng tâm thần kinh của bệnh nhân TPM và sự cải thiện này thường có được sau một tháng dùng ôxy.

-Ôxy liệu pháp kéo dài ban đêm có vai trò quan trọng ở các bệnh nhân có rối loạn bão hoà ôxy máu khi ngủ..

2. Thuốc lợi tiểu và trợ tim:

-Thuốc lợi tiểu loại ức chế men Anhydrase carbonic như Diamox, hoặc lợi tiểu như Aldacton tỏ ra có ích ở bệnh nhân TPM,liều 10 mg/kg cân nặng cho từng đợt 3-4 ngày. Không nên dùng thuốc lợi tiểu khi pH máu < 7,30.

-Thuốc trợ tim nhóm Digitalis:

+ Chỉ nên dùng trợ tim nhóm Digitalis ở bệnh nhân TPM khi có suy tim trái đồng thời., Digitalis có thể gây rối loạn nhịp tim, chỉ nên sử dụng khi suy tim còn bù trừ và liều nhẹ.

+ Không dùng khi suy tim mất bù. Thuốc lợi tiểu và Digitalis trong trường hợp này không quan trọng bằng các biện pháp cải thiện thông khí phế nang như ôxy liệu pháp.

3. Các thuốc giãn phế quản:

- Theophylline: đây là thuốc có tác dụng làm giãn phế quản được sử dụng nhiều nhất. Uống Theophylline kéo dài ở bệnh nhân TPM cũng có tác dụng tốt lên chức năng thất phải.

- Các thuốc kích thích thụ thể b-adrenergic: như Salbutamol, Terbutaline làm giãn mạch máu phổi (tuần hoàn phổi của người có các thụ thể b-adrenergic) hoặc trực tiếp làm tăng sự co bóp của cơ tim..

- Các thuốc giãn mạch:

+ Mục đích của việc dùng các thuốc giãn mạch là làm giảm áp lực động mạch phổi đang tăng cao ở bệnh nhân TPM.

+ Dùng các thuốc giãn mạch có thể có tác dụng phụ như hạ huyết áp và giảm độ bão hoà ôxy máu động mạch. Các Nitrate có vẻ có tác dụng tốt nhưng thực chất đều không có vai trò rõ ràng vì làm giảm nồng độ ôxy máu động mạch và làm giảm cả chỉ số tim.

- Kháng sinh: Vai trò kháng sinh trong điều trị đợt bội nhiễm rất quan trọng. Thuốc kháng sinh nên dùng loại có phổ kháng khuẩn rộng, dùng kéo dài và liều lượng cao trong 2-3 tuần (tiêm, uống, khí dung).

- Corticoid: Có hiệu quả trong điều trị đợt cấp: dùng Prednisolon uống, Hydrocortison khí dung, Depersolon hay Solu-Medron tiêm tĩnh mạch. Corticoid vừa có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và làm giảm tiết dịch.

- Không dùng các thuốc sau: Morphin, Gardenal và các thuốc an thần khác không được dùng cho các bệnh nhân TPM vì sẽ gây suy trung tâm hô hấp.

4. Tập thở: Rất quan trọng, làm tăng độ giãn nở của phồi và lồng ngực, tăng thông khí phế nang, nhất là tập thở bằng cơ hoành.

5. Loại bỏ các yếu tố kích thích: Thuốc lào, thuốc lá...

6. Điều trị tâm phế mạn ở một số thể đặc biệt:

- Tâm phế mạn ở bệnh nhân hen phế quản: cho Hemisucinat Hydrocortison, Depersolon tiêm tĩnh mạch.

- Bệnh nhân xơ phổi:thường không có ứ trệ CO2, nên chỉ cần cho thở ôxy rộng răi và cho Corticoid.

- Người béo bệu: cho ăn chế độ làm giảm cân.

- Người gù vẹo cột sống dị dạng lồng ngưc: tập thở, chống bội nhiễm phổi là rất quan trọng, có thể cho điều trị chỉnh hình từ sớm.

- Do tắc mạch phổi: nghỉ ngơi tuyệt đối, ăn chế độ không muối, dùng thuốc chống đông, trợ tim Digitalis, thở ôxy. Phẫu thuật để lấy cục máu đông tắc ở động mạch phổi lớn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top