I. ĐẠI CƯƠNG
Thở oxy gọng: là tăng thêm nồng độ oxy khí thở vào (FiO2) bằng gọng mũi nhằm cung cấp đủ oxy cho nhu cầu chuyển hóa của cơ thể.
II. CHỈ ĐỊNH
Ở trẻ có nhu cầu thở oxy, chỉ định thở oxy gọng mũi khi:
- Trẻ tự thở được bằng mũi.
- Nhu cầu oxy khí thở vào thấp (FiO2) < 40%.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Niêm mạc mũi xung huyết phù nề nặng, dễ chảy máu.
- Trẻ không thở được bằng mũi: hẹp nặng lỗ mũi sau, cầm máu cả 2 mũi bằng nhét gạc…
- Nhu cầu oxy khí thở vào (FiO2) cao > 40%.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Điều dưỡng chăm sóc ngư i bệnh hoặc kỹ thuật viên đã được đào tạo
2. Phương tiện
- Cột đo lưu lượng oxy: 1 bộ/ 1 người bệnh.
Gọng mũi phù hợp cho trẻ (1 chiếc/ 1 người bệnh): Dựa vào kích cỡ chia gọng mũi thành nhiều loại : sơ sinh, trẻ nhỏ, trẻ lớn và người lớn mục đích để đầu gọng không che lấp hoàn toàn lỗ mũi trẻ.
- Nước sạch: 1 cốc
- Máy đo SpO2
3. Người bệnh
- Trẻ được nằm trên giư ng cấp cứu cạnh nguồn
- Làm thông thoáng đường thở trên.
- Kiểm tra các dấu hiệu, chỉ số lâm sàng: nhịp thở, dấu hiệu gắng sức, tình trạng da niêm mạc, đo SpO2, mạch, tinh thần và các dấu hiệu nặng khác.
4. Hồ sơ bệnh án
Ghi đầy đủ thông tin cá nhân và tình trạng trẻ trước thở oxy.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
Thông tin cá nhân, tình trạng lâm sáng, chỉ định thở oxy.
2. Kiểm tra người bệnh
3. Thực hiện kỹ thuật
- Lắp cột đo lưu lượng vào nguồn
- Lắp gọng mũi vào cột đo lưu lượng
- Điều chỉnh lưu lượng oxy cần thiết.
- Kiểm tra oxy đầu ra: nhúng đầu gọng vào cốc nước sạch thấy sủi bọt.
- Cho đầu gọng vào mũi trẻ.
- Cố định gọng: vòng dây gọng ra sau tai và cố định dưới cằm bằng cách điều chỉnh vòng cố định. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể cố định sau gáy.
- Điều chỉnh lưu lượng oxy đảm bảo SpO2 trong giới hạn cho phép, từ 0,1lít/phút (l/p) – 4 l/p > 4 l/p gây chướng bụng và tổn thương niêm mạc mũi . Tùy vào lứa tuổi mà lưu lượng oxy tối đa cho phép có thay đổi: sơ sinh 1,5 – 2 l/p; trẻ nhỏ 2 – 3 l/p; trẻ lớn và người lớn 3-4 l/p. Thông thường, thở oxy gọng mũi, lưu lượng oxy tăng 1 l/p thì FiO2 tăng khoảng 4%.
- Thở oxy gọng lưu lượng thấp không cần làm ẩm oxy, trừ một số trường hợp đặc biệt.
- Thay gọng mũi hàng ngày.
VI. THEO DÕI
- Tiện lợi của thở oxy gọng: dễ sử dụng và chăm sóc, người bệnh dễ chấp nhận do có thể vừa thở oxy vừa ăn uống, nói chuyện được.
- Bất lợi: dễ tắc đầu ra của gọng do chất tiết, cần phải kiểm tra thường xuyên; có thể gây xung huyết mũi làm người bệnh khó chịu; cung cấp nồng độ oxy khí thở vào thấp.
- Trong 30 phút đầu thở oxy, phải theo dõi trẻ liên tục bằng máy đo SpO2 và nhịp tim. Đánh giá nhịp thở, mức độ gắng sức, da niêm mạc và tinh thần để điều chỉnh lưu lượng oxy phù hợp.
- Khi trẻ thở oxy ổn định, theo dõi mỗi 3 giờ : các mỗi nối dẫn oxy, đầu ra của gọng mũi, tình trạng đáp ứng của trẻ.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
- Tắc đầu ra gọng mũi do chất tiết: thay gọng mới.
- Bít tắc mũi do chất tiết: vệ sinh rửa mũi hàng ngày.
- Phù nề, chảy máu mũi gây bít tắc mũi: chuyển thở oxy
- Trẻ vẫn suy hô hấp khi đã làm đúng các bước trên: chuyển thở mask.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp