Sự thay đổi của nồng độ các hormone tại các thời điểm khác nhau – chẳng hạn như trước hoặc trong suốt thời gian mang thai hay thời kỳ mãn kinh – là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên ảnh hưởng của một số loại thuốc và các vấn đề sức khỏe có thể khiến nồng độ các hormone thay đổi thất thường, tăng cao hoặc giảm xuống mức quá thấp.
Kinh nguyệt không đều
Hầu hết chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ là từ 21 – 35 ngày. Nếu thời gian giữa các chu kỳ thay đổi (nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường) hoặc không có kinh nguyệt trong nhiều tháng liền, đồng nghĩa với lượng hormone (estrogen và progesterone) trong cơ thể quá nhiều hoặc quá ít. Trong độ tuổi từ 40 trở lên, kinh nguyệt không đều có thể là do người phụ nữ đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Tuy nhiên đây cũng có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe như hội chứng buồng trứng đa nang.
Rối loạn giấc ngủ
Nếu cảm thấy khó ngủ, ngủ không sâu, mất cân bằng hormone có thể là nguyên nhân. Progesterone, một hormone do buồng trứng tiết ra, có tác động đáng kể tới giấc ngủ. Nồng độ progesterone thấp hơn bình thường có thể gây mất ngủ. Trong khi đó nồng độ estrogen thấp có thể kích hoạt cơn nóng bừng và đổ mồ hôi ban đêm, cả hai tình trạng này đều khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Suy giảm trí nhớ
Các chuyên gia chưa có đủ cơ sở để khẳng định chính xác hormone ảnh hưởng như thế nào tới não bộ. Tuy nhiên sự thay đổi của nồng độ estrogen và progesterone có thể khiến nhiều người gặp khó khăn để ghi nhớ. Một số người cho rằng estrogen có thể ảnh hưởng tới các hóa chất trong não gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung đặc biệt phổ biến trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Nhưng đó cũng có thể là triệu chứng của các bệnh khác lien quan tới hormone như bệnh tuyến giáp.
Mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của sự mất cân bằng hormone. Nồng độ progesterone quá cao có thể gây buồn ngủ. Và nếu tuyến giáp, một tuyến hình bướm ở cổ, tiết ra quá ít hormone tuyến giáp, người bệnh có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất hết sức lực.
Thay đổi tâm trạng và trầm cảm
Các nhà nghiên cứu cho biết sự sụt giảm hoặc thay đổi nhanh chóng của nồng độ hormone có thể khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng, cáu gắt, lo âu thất thường hoặc trầm cảm. Tình trạng này xảy ra bởi vì estrogen có thể ảnh hưởng tới các hóa chất quan trọng trong não bộ như serotonin, dopamin và norepinephrin.
Thay đổi trọng lượng
Bất kì sự thay đổi nào liên quan đến các hormone như tăng giảm hàm lượng cortisol, hormone tuyến giáp, insulin và estrogen có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể. Tình trạng có thể gây thèm ăn vô độ hoặc chán ăn vô cùng. Thậm chí, sự thay đổi về hormone cortisol trong cơ thể còn gây ra rối loạn trong chuyển hóa thức ăn và trao đổi chất. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người không thể kiểm soát được cân nặng của mình.
Đau đầu
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau đầu. Tuy nhiên ở một số phụ nữ, nồng độ hormone giảm có thể là “thủ phạm” dẫn tới những cơn đau đầu. Đó là lý do tại sao, trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, khi estrogen suy giảm, nhiều chị em gặp phải tình trạng đau đầu.
Khô âm đạo
Khô âm đạo, nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra, là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nếu thường xuyên bị khô âm đạo và cảm thấy khó chịu ở khu vực này, nồng độ estrogen thấp có thể là lý do.Khi nồng độ estrogen giảm, thành âm đạo bị teo và mất khả năng tiết dịch nhầy. Khi đó, cơ chế tiết dịch nhầy bị gián đoạn, âm đạo khô rát, gây đau đớn khi giao hợp, lâu dần gây ra tâm lý lãnh cảm ở phụ nữ. Đa phần chị em bị khô âm đạo khi cơ thể bị suy giảm mức độ estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh, sau khi sinh con hoặc trong thời gian cho con bú.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh