✴️ Ung thư tuyến nước bọt mang tai

I. ĐỊNH NGHĨA

Ung thư tuyến nước bọt mang tai là một ung thư biểu mô của tuyến, nang tuyến hoặc u hỗn hợp tuyến mang tai thoái hóa ác tính.

II. NGUYÊN NHÂN

1. Nguyên nhân bên trong

- Di truyền.

- Nội tiết

2. Nguyên nhân bên ngoài

- Tác nhân vật lý

  • Bức xạ ion hoá.
  • Bức xạ cực tím.

- Tác nhân hoá học

  • Thuốc lá.
  • Người có thói quen ăn trầu thuốc.

- Chế độ ăn uống và ô nhiễm thực phẩm

  • Các chất bảo quản thực phẩm.
  • Các thực phẩm hun khói, dưa khú…
  • Các nấm mốc từ gạo, lạc...

- Ung thư nghề nghiệp. Những người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, chất phóng xạ, Dioxin, thuốc trừ sâu diệt cỏ….

- Tác nhân sinh học: Virus gây ung thư.

III. CHẨN ĐOÁN

1. Chẩn đoán xác định

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, X quang và giải phẫu bệnh lý.

1.1. Lâm sàng

- Các dấu hiệu chỉ điểm đặc hiệu

  • Đau liên tục vùng mặt bên bệnh.
  • Liệt mặt.
  • Loét sùi vùng tuyến mang tai.

- Biểu hiện lâm sàng điển hình

  • U vùng tuyến mang tai.
  • U to gây biến dạng mặt.
  • U dính với mô xung quanh.
  • Da bề mặt sùi loét.

- Hạch vùng dưới hàm, cạnh cổ.

- Ở giai đoạn muộn, khối ung thư to gây chèn ép và rối loạn các chức năng.

1.2. Cận lâm sàng

- X quang

  • X quang thường quy: có thể thấy hình ảnh u xâm lấn phá hủy tuyến mang tai.
  • CT Scaner và MRI: thấy hình ảnh u xâm lấn các mô mềm và xương lân cận theo 3 chiều.
  • PET-CT: có thể phát hiện các tổn thương ung thư di căn.

- Siêu âm: có thể phát hiện các tổn thương di căn xa.

- Giải phẫu bệnh lý: thấy hình ảnh tế bào ung thư biểu mô tuyến.

2. Chẩn đoán giai đoạn:

Sử dụng hệ thống TNM.

- Các mức độ:

T N M

T0: Khối u không xác định được trên lâm sàng

N0: Không có hạch

M0: Chưa có di căn xa

T1: Khối u ĐK < 2cm

N1 : Xác định được hạch đơn cùng bên < 3cm

M1 : Có biểu hiện di căn xa

T2 : 2cm < Khối u < 4cm

N2 :

  • N2a: 3cm < Hạch đơn cùng bên < 6cm.
  • N2b: Nhiều hạch cùng bên nhưng không có hạch nào > 6cm.
  • N2c: Hạch hai bên đơn hoặc nhiều hạch nhưng không có hạch nào > 6cm.

T3: Khối u > 4cm

N3: Bất kỳ hạch đơn hoặc đa KT > 6cm

- Giai đoạn:

Giai đoạn

Giai đoạn T N M

I

T1 N0 M0

II

T2 N0 M0

III

T1 N1 M0

T2 N1 M0

T3 N0,N1 M0

IV

T4 N0,N1 M0

Bất kỳ

T N2,N3 M0

Bất kỳ

T Bất kỳ N M1

3. Chẩn đoán phân biệt

U hỗn hợp tuyến mang tai: không đau, không liệt mặt, u di động.

IV. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc

- Phẫu thuật cắt bỏ rộng tổn thương ung thư phối hợp với nạo vét hạch vùng cổ.

- Có thể phối hợp với xạ trị và hóa trị liệu.

2. Điều trị cụ thể

- Phẫu thuật

  • Phẫu thuật cắt rộng lấy bỏ toàn bộ tổn thương ung thư bao gồm cả tuyến mang tai tới mô lành.
  • Phẫu thuật nạo vét lấy bỏ hạch vùng cạnh cổ, dưới hàm cùng bên.
  • Tái tạo vùng khuyết hổng bằng vạt phần mềm tại chỗ hoặc vạt từ xa với nối mạch vi phẫu.

- Xạ trị: thường áp dụng xạ trị để hỗ trợ điều trị ung thư tuyến mang tai sau phẫu thuật.

- Hóa trị liệu: có thể sử dụng trước phẫu thuật và phối hợp điều trị sau phẫu thuật.

V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

1. Tiên lượng

Nếu phẫu thuật rộng cắt bỏ toàn bộ khối ung thư sớm thì tiên lượng sẽ tốt hơn.

Tùy theo phẫu thuật ở giai đoạn nào của tổn thương ung thư mà thời gian sống của bệnh nhân kéo dài sau 5 năm khác nhau. Theo một số tác giả nước ngoài:

Giai đoạn Thời gian sống sau 5 năm
I 57 – 84 %
II 49 – 70 %
III 25 – 59 %
IV 7 – 47 %

2. Biến chứng

- Bội nhiễm.

- Chảy máu.

- Di căn: tùy loại ung thư mà có thể di căn vào phổi, não, trung thất.

VI. PHÒNG BỆNH

- Tuyên truyền tránh các yếu tố nguy cơ ung thư: hút thuốc, ăn trầu, tiếp xúc phóng xạ, hóa chất…

- Khám chuyên khoa răng hàm mặt để phát hiện các tổn thương sớm và điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top