✴️ Viêm họng mạn tính

1.ĐỊNH NGHĨA

Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm họng kéo dài, thể hiện dưới ba hình thức chính là: xuất tiết, quá phát và teo. Các bệnh tích có thể lan toả hoặc khu trú. Thể điển hình của viêm họng mạn tính và viêm họng mạn tính toả lan, viêm họng mạn tính khu trú gồm có viêm VA mạn tính và viêm amiđan mạn tính .

 

2. NGUYÊN NHÂN

− Do viêm mũi xoang mạn tính, đặc biệt là viêm xoang sau.

− Viêm amiđan mạn tính.

− Hội chứng trào ngược.

− Tắc mũi mạn tính do vẹo vách ngăn, quá phát cuốn, polyp mũi.

− Do tiếp xúc với khói bụi, các chất kích thích như: hơi hoá học, bụi vôi, bụi xi măng, thuốc lá, rượu...

− Cơ địa: dị ứng, tạng tân, tạng khớp...

 

3. CHẨN ĐOÁN:

3.1. Lâm sàng:

3.1.1. Triệu chứng toàn thân

Có thể rất nghèo nàn. Thường hay có những đợt tái phát viêm họng cấp khi bị lạnh, cảm mạo, cúm... thì lại xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau rát họng.

3.1.2. Triệu chứng cơ năng:

Điển hình nhất là viêm họng mạn tính toả lan. Cảm giác thường gặp nhất là khô họng, mắt đau, ngứa và vướng họng. Những cảm giác này rõ nhất là buổi sáng lúc mới thức dậy. Bệnh nhân cố ho khạc dai dẳng để làm long đờm.

Nuốt có cảm giác vướng và đau. Tiếng có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Nhữngbệnh nhân uống rượu, thuốc lá, hoặc nói nhiều thì triệu chứng trên tăng thêm.Nóng rát vùng ngực ở bệnh nhân có bệnh dạ dày, trào ngược dạ dày, thực quản.

3.1.3. Triệu chứng thực thể

Tùy theo bệnh mà khám họng thấy có tổn thương khác nhau:

− Viêm họng xuất tiết: niêm mạc họng đỏ, có những hạt ở thành sau họng, tiết nhày dọc theo vách họng.

− Viêm họng mạn tính quá phát: niêm mạc họng đỏ bầm và dày lên. Thành sau họng có tổ chức bạch huyết phát triển mạnh làm cho niêm mạc họng gồ lên thành từng đám xơ hóa to nhỏ không đều, màu hồng hoặc đỏ. Tổ chức bạch huyết quá phát, có khi tập trung thành một dải gồ lên ở phía sau và dọc theo trụ sau của amiđan trông như một trụ sau thứ hai, gọi là “trụ giả”. Loại này còn gọi là viêm họng hạt.

− Viêm họng teo: Sau giai đoạn quá phát sẽ chuyển sang thể teo. Các tuyến nhày và nang tổ chức tân xơ hoá. Hai trụ giả phía sau amiđan mất đi. Các hạt ở thành sau cũng biến mất. Màn hầu và lưỡi gà cũng mỏng đi. Niêm mạc trở nên nhẵn, mỏng, trắng và có mạch máu nhỏ. Eo họng giãn rộng, ít tiết nhầy và họng trở nên khô.

3.2. Cận lâm sàng

− Huyết học: xét nghiệm công thức máu, máu lắng.

− Xquang: phổi thẳng, Blondeau, Hirtz…

− Xác định hội chứng trào ngược: nội soi thực quản dạ dày…

3.3. Chẩn đoán xác định

− Rối loạn cảm giác: ngứa, rát, họng.

− Khám họng niêm mạc dày, xuất tiết, có hạt, hoặc niêm mạc teo.

3.4. Phân loại

− Viêm họng quá phát

− Viêm họng xơ teo

− Viêm họng do các bệnh khác: mũi xoang, hội chứng trào ngược, bệnh phổi…

3.5. Chẩn đoán phân biệt

− Loạn cảm họng: bệnh nhân cảm giác nuốt vướng, lập lờ, nghèn nghẹn mơ hồ không rõ vị trí, hoặc lúc thì ở vùng này, lúc thì vùng khác. Cảm giác đó xuất hiện khi nuốt nước bọt, nhưng khi nuốt thức ăn thì không vướng. Khám miệng và họng không thấy dấu hiệu bệnh lý.

 

4. ĐIỀU TRỊ:

4.1. Nguyên tắc điều trị

Chủ yếu là điều trị tại chỗ và điều trị triệu chứng, kết hợp điều trị các nguyên nhân bệnh lý toàn thân khi nghĩ tới.

4.2. Điều trị cụ thể

4.2.1. Điều trị nguyên nhân

− Điều trị viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA.

− Điều trị hội chứng trào ngược: thuốc kháng H+: opmeprazol, lanzoprazol…, thuốc kháng H2: cimetidin, ranitidin…, kháng dopamin: domperidon…

− Giảm bớt các kích thích như: hút thuốc lá, uống rượu.

− Tổ chức phòng hộ lao động tốt, đeo khẩu trang đảm bảo khi lao động.

4.2.2. Điều trị tại chỗ

− Thể viêm họng xuất tiết: bôi, súc họng các thuốc làm se niêm mạc, kiềm tính, giảm viêm giảm đau: glycerine iod, SMC…

− Thể viêm họng teo: bôi họng, súc họng bằng các thuốc (loại có iod loãng, thuốc dầu), hoặc bằng nước khoáng.

− Khí dung họng: các dung dịch giảm viêm.

− Nhỏ mũi, rửa mũi: bằng nước muối sinh lý, nước biển sâu…

4.2.3. Điều trị triệu chứng

− Thuốc làm lỏng chất nhầy như: bromhexin, acetylcystein…

− Thuốc kháng viêm: alphachymotrypsin, lysozym…

− Thuốc chống dị ứng: các thuốc kháng histamin như cetirizin, chlorapheniramin…

− Thuốc giảm ho: thảo dược

4.2.4. Điều trị toàn thân

− Thay đổi thể trạng: Điều trị thay đổi lối sống, môi trường sinh hoạt, làm việc nếu có thể.

− Uống vitamin C, A, D.

 

5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

Tiên lượng viêm họng mạn tính điều trị dai dẳng, dễ tái phát nếu không loại bỏ đựơc nguyên nhân.

 

6. PHÒNG BỆNH

− Nâng cao mức sống, tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ môi trường trong sạch.

− Phòng hộ lao động tốt.

− Bỏ thuốc lá và rượu.

− Vệ sinh răng miệng tốt.

− Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em.

− Điều trị triệt để các bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm amiđan,...

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top