✴️ Điều trị F0 tại nhà cần có những tìm hiểu về thuốc thật cụ thể

Nội dung

Kháng sinh không có tác dụng diệt virus

Tất cả các kháng sinh như amoxicillin/acid clavulanic, azithromycin… đều không có tác dụng trên virus SARS-CoV-2. Kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn chứ hoàn toàn vô tác dụng với virus. Trước đây, một số ý kiến cho rằng azithromycin có thể có lợi vì có thêm tính kháng viêm, tuy nhiên nghiên cứu RECOVERY chỉ ra thuốc này không mang lại lợi ích gì với bệnh nhân COVID-19, đặc biệt trong tình trạng nặng.

Tất cả các nghiên cứu và khuyến cáo khác đều cho biết việc dùng kháng sinh cho bệnh COVID-19 là không hợp lý, và chỉ nên dùng khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, tức là phải có đánh giá của nhân viên y tế. Sử dụng kháng sinh không đúng, không mang lại lợi ích, mà còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ, và hơn hết khi lạm dụng, nếu sau này nhiễm trùng thì kháng sinh đó có thể mất tác dụng.

 

Sử dụng kháng viêm corticoid cần nhân viên y tế đánh giá và theo dõi

Cần phải hiểu là corticoid (dexamethason, methylprednisolon) có lợi khi bệnh trở nặng vì thuốc ức chế tác hại của hệ miễn dịch lên cơ thể; trong khi bệnh nhẹ trong giai đoạn sớm là thời điểm virus sinh sôi, ức chế miễn dịch lúc này lại khiến quá trình sinh sôi mạnh hơn, khiến bệnh nhân lâu khỏi bệnh, đồng thời có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch có hại mạnh hơn. 

Đó là chưa kể những tác dụng phụ rất nhiều của các thuốc này như tăng đường huyết, giữ muối nước, tăng huyết áp… và có thể gây hại trên nhóm bệnh nhân có bệnh nền nếu không sử dụng đúng cách. Vì vậy, việc quyết định khi nào và có nên sử dụng corticoid rất cần nhân viên y tế đánh giá và theo dõi.

Tìm hiểu kỹ hơn: Thuốc kháng viêm Corticoid điều trị tại nhà với bệnh COVID

 

Cẩn trọng khi uống thuốc chống đông đường uống 

Nhìn chung, các thuốc này chống đông đường uống (rivaroxaban, apixaban...) có lợi cho bệnh nhân COVID-19 nặng nhưng bằng chứng không rõ ràng. Dĩ nhiên với trường hợp nhẹ thì không nên dùng vì nguy cơ gây chảy máu, đặc biệt trên những bệnh nhân có đang dùng thuốc kháng đông (loãng máu) khác. 

  • Tại sao cần sử dụng thuốc chống đông máu cho bệnh nhân COVID-19?

Từ lâu, người ta đã biết đến cơ chế hình thành huyết khối là do sự phối hợp của 3 yếu tố (gọi là tam giác Virchow): Tổn thương nội mô, rối loạn quá trình đông máu, ứ trệ tuần hoàn. Không may mắn, dù chưa hiểu biết thật đầy đủ, bệnh COVID-19 lại đồng thời tác động đến cả 3 cơ chế gây huyết khối này.

  • Hiệu quả và an toàn của các thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu có nhiều loại khác nhau, có thể tác động đến các khâu khác nhau của quá trình hình thành huyết khối, giúp dự phòng và điều trị bệnh lý do huyết khối gây ra như thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Tuy nhiên, do tác động chống đông máu, tác dụng phụ điển hình của thuốc chống đông máu là gây chảy máu. Một số trường hợp nếu không được giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm có thể gây chảy máu nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Vì lý do này, trong thực hành lâm sàng, từ trước đến nay các thuốc chống đông máu đều cần được chỉ định sau khi đã đánh giá cả nguy cơ huyết khối và nguy cơ chảy máu của bệnh nhân thật cẩn thận, và chỉ dùng cho các trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ, kèm theo giám sát chặt chẽ bệnh nhân.

Tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới, bệnh nhân không có giảm oxy máu thì không nhập viện. Các hướng dẫn của Mỹ, Châu Âu, WHO, Ấn Độ... đều khuyến cáo không dùng thuốc chống đông cho các F0 ở nhà, trừ khi bệnh nhân có bệnh khác đi kèm và có chỉ định dùng nhóm thuốc này.

  • Thực tiễn điều trị tại Tp.HCM

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, lượng bệnh nhân F0 tăng quá cao, tiềm ẩn nguy cơ bệnh nhân diễn biến nặng tại nhà không kịp đến bệnh viện.

Để thích ứng với thực tế này, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã phải cập nhật "Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 cách ly tại nhà". 

Theo đó, người mắc COVID-19 điều trị tại nhà được chỉ định sử dụng 1 trong 3 thuốc kháng đông dạng uống (rivaroxaban, apixaban và dabigatran) trong trường hợp có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Đồng thời, trong Hướng dẫn này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh các lưu ý nhằm giảm thiểu nguy cơ gặp các tác dụng phụ của thuốc như:

  • Thời gian sử dụng các thuốc chống đông máu tối đa là 7 ngày, chỉ sử dụng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi sử dụng cho người trên 80 tuổi; và nêu rất rõ các chống chỉ định của thuốc chống đông máu đường uống: 
  • Phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu. 
  • Hướng dẫn cũng nhấn mạnh khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa…).

Như vậy, cần nhấn mạnh lại, hiện nay việc dùng thuốc chống đông máu cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà chưa phải là khuyến cáo của Bộ Y tế áp dụng trên toàn quốc.

Thuốc trị ho, tiêu đờm dùng quá liều có thể gây ức chế hô hấp

Hai thuốc terpin-codein, bromhexin… chỉ có tác dụng trị triệu chứng ho mà thôi. Không phải bệnh nhân bị COVID-19 nào cũng ho, và không phải mức độ ho nào cũng đều dùng thuốc. Ngoài ra, còn có những biện pháp khác giảm ho lành tính và hiệu quả khác như bổ sung nhiều nước (làm loãng đờm), dùng một số thực phẩm, dược liệu như gừng, húng chanh…

Các thuốc trị ho, đặc biệt thuốc codein, cũng gây tác dụng phụ như buồn ngủ, táo bón. Và codein nếu dùng quá liều cũng dẫn đến ức chế hô hấp (bệnh nhân sẽ không thở được). Vì vậy, không phải ai cũng dùng các thuốc này.

 

Nếu không sốt, không đau nhức cơ không nhất thiết dùng thuốc hạ sốt 

Tương tự thuốc trị ho, thuốc paracetamol (hay acetaminophen) là thuốc điều trị triệu chứng sốt, đau nhức cơ trong COVID-19. Nếu không có sốt hay đau nhức cơ thì không nhất thiết sử dụng. Lưu ý liều không nên quá 3g/ngày và khoảng cách giữa mỗi lần uống tối thiểu 4 tiếng. Đã có trường hợp ngộ độc thuốc này vì tự ý dùng trị COVID theo hướng dẫn trên mạng xã hội.

 

Chưa có bằng chứng nào về hiệu quả của vitamin C trong điều trị COVID-19

Việc dùng vitamin C chủ yếu để bồi bổ cơ thể và phục hồi thể trạng. Vitamin C thường được nghĩ hữu ích vì giúp tăng cường miễn dịch, nhưng đừng quên còn nhiều chất khác cũng rất cần cho miễn dịch như vitamin D, vitamin A… và các khoáng chất như kẽm, sắt, selen… 

Liều vitamin C bình thường mỗi người tầm 70-100mg/ngày nên dùng nhiều hơn lượng này khi cơ thể khỏe mạnh thì cơ thể cũng không hấp thu gì thêm. Dùng quá nhiều vitamin C (> 1000mg/ngày) và kéo dài có thể gây kích ứng dạ dày, tiêu chảy, sỏi thận… Vì vậy, chỉ cần chế độ dinh dưỡng hợp lý hoặc nếu không thể thì bổ sung multivitamin sẽ phù hợp hơn là chỉ dùng mỗi vitamin C.

Hy vọng trong thời gian tới, khi Bộ Y tế thay đổi cách tiếp cận, thí điểm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà: Mỗi gia đình trở thành "home care", các hướng dẫn chi tiết và đầy đủ hơn nữa sẽ được ban hành, cũng như có sự phối hợp đồng bộ với hệ thống nhân viên y tế, để đảm bảo tiêu chí "Cố gắng điều trị, không để bệnh nhân COVID-19 nhẹ chuyển biến sang trung bình rồi thành nặng". 

Khi đó các thuốc điều trị tại nhà của bệnh nhân, bao gồm thuốc chống đông máu, sẽ được chỉ định chặt chẽ, đúng người đúng bệnh, phát huy tối đa hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ gặp các tác dụng phụ trên bệnh nhân.

 

Các nguồn tham khảo

1. https://ncov.moh.gov.vn/

2. https://suckhoedoisong.vn/

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top