✴️ Thuốc kháng viêm Corticoid điều trị tại nhà với bệnh COVID

TS.DS. Võ Thị Hà, Tổ Dược lâm sàng, Khoa Dược, BV. Nguyễn Tri Phương;

ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

 

Giới thiệu: Corticoid (hay còn gọi là corticoisteroid) là tên gọi chung của nhóm hormon steroid do cơ thể sản xuất hoặc được con người tổng hợp. Thuốc này hay dùng để có tác dụng kháng viêm là chủ yếu, nên hay được gọi là thuốc kháng viêm corticoid.

Tác dụng: Thuốc có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch

Chỉ định trên BN COVID-19:

+ Các khuyến cáo sử dụng nhóm kháng viêm corticosteroid này chỉ cho bệnh nhân cần cung cấp Oxygen. Theo khuyến cáo từ Sở Y tế HCM1 thì chỉ dùng cho BN có biểu hiện suy hô hấp (triệu chứng khó thở và/hoặc nhịp thở >20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95% nếu có điều kiện đo).

+ Một số nghiên cứu cho thấy Corticoid không có lợi ích ở BN không có nhu cầu oxy, mà thậm chí có thể có hại vì thuốc gây ức chế miễn dịch, có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể khiến dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, virus và nấm hơn2.

 

Liều và cách dùng ở người lớn

Bảng 1. Liều và cách dùng theo “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” của Sở Y tế TP HCM1 

Vì sao liều mỗi lần uống của dexamethasone lại lên đến 12 viên một lần hoặc prednisolon lại lên đến 08 viên một lần ?

Khoảng liều của các thuốc corticoid khá rộng để có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng, và ức chế miễn dịch, cụ thể xem cột thứ 2 bảng dưới. Do đó, tùy theo từng bệnh cảnh, đặc điểm bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn liều thích hợp cho bệnh nhân.

 

Bảng 2. Khoảng liều và các dạng bào chế của corticoid theo Dược thư quốc gia Việt Nam3

Nhà sản xuất cũng bào chế nhiều dạng bào chế khác nhau, có dạng viên để uống và dạng ống để pha tiêm. Mỗi đường dùng lại có các chế phẩm có hàm lượng khác nhau để phù hợp cho bác sĩ điều chỉnh liều cho bệnh nhân. (Xem cột cuối cùng bên phải của bảng trên). Và dạng hàm lượng thấp có ưu điểm là có thể dễ dàng phối hợp số viên để chọn liều phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.

 

Nhiều nghiên cứu điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện nay trên thế giới sử dụng liều khá cao corticoid và dùng đường tiêm tĩnh mạch. Ví dụ ở bệnh viện có dạng dexamethasone 4mg lọ để tiêm tĩnh mạch, nên chỉ cần dùng 1,5 ống là đủ liều cho bệnh nhân. Đường uống được ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân có chỉ định nhưng không nhập viện vì sự tiện dụng. Với nhóm thuốc corticoid này thì liều đường uống bằng với liều của đường tĩnh mạch.   

Lưu ý: Thời gian sử dụng không quá 10 ngày.

 

Theo dõi

+ Theo dõi chặt chẽ những bệnh nhân bị COVID-19 đang dùng corticoid để phát hiện các tác dụng phụ của thuốc như: tăng đường huyết (nhờ máy đo đường huyết tại nhà), dấu hiệu nhiễm trùng vì thuốc này gây ức chế miễn dịch, ảnh hưởng tâm thần (mất ngủ, dễ kích động)...

+ Sử dụng corticoid uống kéo dài tăng nguy cơ kích hoạt lại các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn (ví dụ: virus viêm gan B, bệnh zona do nhiễm herpes virus, giun lươn, bệnh lao).

+ Thuốc này có thể gây tương tác với các thuốc khác dùng kèm. Cần báo nhân viên y tế để đánh giá các tương tác tiềm ẩn.

 

Các đối tượng đặc biệt khác cần có sự tham vấn chuyên sâu của nhân viên y tế gồm:

+ BN bị đái tháo đường

+ BN có bệnh lý đã được kê corticoid trước đó

+ BN bị bệnh ung thư, ghép cơ quan, bị bệnh suy giảm miễn dịch như HIV

+ BN bị nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus khác như viêm gan, bệnh zona, lao…

+ Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em

+ Người suy gan, suy thận, bệnh tuyến giáp

+ BN bị bệnh loãng xương, người mới nối thông mạch máu, rối loạn tâm thần, loét dạ dày, loét tá tràng, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim và trẻ đang lớn.

+ BN bị bệnh về mắt như glôcôm, đục thủy tinh thể

+ Khi dùng liều cao, có thể ảnh hưởng đến tác dụng của tiêm chủng vắc xin

+ Có bệnh mắc kèm hoặc hiện đang dùng thêm các thuốc khác

 

Kết luận

  • Corticoid là một nhóm thuốc khó sử dụng trên lâm sàng vì bên cạnh hiệu quả điều trị thì có nguy cơ gây nhiều tác dụng phụ, tương tác thuốc và cần phải cá thể hóa trên từng đối tượng cụ thể. Do đó, bệnh nhân không nên tự ý dùng mà chưa có sự tham vấn của nhân viên y tế.
  • Về điều trị tại nhà đối với bệnh Covid - việc sử dụng Corticoid luôn phải đi kèm với việc theo dõi kỹ các biến chứng

 

Tài liệu tham khảo:

1. Sở Y tế TP HCM. Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0. Ban hành ngày 15/8/2021.  

2. Các tổng hợp khuyến cáo về Corticoid trong điều trị Covid - Tổ Dược lâm sàng

3. Bộ Y tế. Dược thư Việt Nam 2018. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top