Triệu chứng hậu COVID-19 nào thường gặp nhất?

Mở đầu

Đại dịch COVID-19 đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng về số ca nhiễm trên thế giới, khả năng nhập viện cũng như số người tử vong. Tuy nhiên, hậu COVID-19 lại không nhận được nhiều sự quan tâm. Vào năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) đã công bố một báo cáo ca hậu COVID-19, cho thấy bệnh nhân biểu hiện triệu chứng của COVID-19 kéo dài tới tận 3 tháng sau nhiễm SARS-CoV-2.

Hội chứng hậu nhiễm đã được mô tả trước đó với nhiều virus và vi khuẩn khác chẳng hạn như virus Ebola, virus Epstein-Barr và cytomegalovirus. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu, tuy nhiên cơ chế bệnh sinh của hội chứng hậu nhiễm vẫn chưa được biết rõ ràng. Các biện pháp điều trị cũng chủ yếu dựa vào điều trị giảm nhẹ triệu chứng.

Một tổng quan hệ thống trên 45 nghiên cứu về những bệnh nhân COVID-19, trong đó chỉ có 3 nghiên cứu tiến hành theo dõi bệnh nhân nhiều hơn 3 tháng. Kết quả cho thấy có 84 triệu chứng hậu COVID-19, trong số các triệu chứng này, hụt hơi, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ là những triệu chứng thường gặp nhất của hậu COVID-19. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ đếm các triệu chứng thường gặp nhưng lại không đề cập đến mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, triệu chứng chồng lấp và thời gian kéo dài của triệu chứng.

Một nghiên cứu mới đã được tiến hành để tổng hợp thông tin của 3 cơ sở dữ liệu có quy mô nhất báo cáo các triệu chứng hậu COVID-19 từ các nghiên cứu tiến hành trên nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association vào tháng 10 năm 2022.

 

Tóm tắt nghiên cứu

Nghiên cứu bao gồm dữ liệu từ 54 nghiên cứu và 2 dữ liệu hồ sơ y tế điện tử của các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện triệu chứng. Định nghĩa hậu COVID-19 tham chiếu định nghĩa của WHO. Bệnh nhân được xem là mắc hậu COVID-19 nếu có biểu hiện của ≥ 1 nhóm triệu chứng trong thời gian 3 tháng sau khi nhiễm COVID-19 có biểu hiện triệu chứng và 12 tháng sau khi mắc COVID-19. Nghiên cứu bao gồm tổng cộng 1.2 triệu bệnh nhân đến từ 22 quốc gia khác nhau trên thế giới.

Các phân nhóm triệu chứng hậu COVID-19 được lựa chọn dựa trên tần suất được báo cáo từ các nghiên cứu. Ba phân nhóm triệu chứng hậu COVID-19 được phân tích bao gồm:

  1. Mệt mỏi kéo dài, kèm đau nhức cơ thể (đau cơ) hoặc thay đổi tâm trạng
  2. Vấn đề nhận thức (đãng trí hoặc khó tập trung hay não sương mù)
  3. Vấn đề hô hấp tiếp diễn (hụt hơi và ho dai dẳng)

Mức độ nghiêm trọng của vấn đề nhận thức được chia thành 2 mức độ và mức độ nghiêm trọng cho các vấn đề hô hấp được chia thành 3 mức độ.

 

Kết quả nghiên cứu

Ước tính có khoảng 6.2% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có biểu hiện triệu chứng mắc tối thiểu 1 trong 3 cụm triệu chứng hậu COVID-19. Tỷ lệ bệnh nhân mắc tối thiểu 1 trong 3 cụm triệu chứng hậu COVID-19 cao hơn ở những bệnh nhân được nhập khoa chăm sóc tích cực và được nhập viện để điều trị COVID-19 so với bệnh nhân không cần nhập viện. Tỷ lệ bệnh nhân mắc tối thiểu 1 trong 3 cụm triệu chứng hậu COVID-19 cũng cao hơn ở nữ giới so với nam giới (tỷ lệ hậu COVID-19 ở nữ giới là 63.2%).

Trong số những bệnh nhân đã phải nhập viện vì COVID-19, thời gian kéo dài trung vị của triệu chứng hậu COVID-19 là 9 tháng. Đối với bệnh nhân không cần nhập viện vì COVID-19, thời gian kéo dài trung vị của các triệu chứng hậu COVID-19 chỉ là 4 tháng.

Trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 có biểu hiện triệu chứng, các biểu hiện cấp như mệt mỏi kèm đau nhức cơ thể hoặc thay đổi tâm trạng chiếm 3.7%, biểu hiện hô hấp chiếm 3.7% và các vấn đề nhận thức chiếm 2.2%. Trong số những bệnh nhân đã biểu hiện triệu chứng khi nhiễm COVID-19 cấp này, tỷ lệ của các triệu chứng hậu COVID-19 lần lượt là 51.0%, 60.4% và 38.4% đối các cụm triệu chứng mệt mỏi kéo dài kèm đau nhức cơ thể, các vấn đề hô hấp và các vấn đề nhận thức. Có khoảng 38.4% bệnh nhân mắc hậu COVID-19 có 2-3 nhóm triệu chứng chồng lấp.

Ở nhóm bệnh nhân không cần nhập viện vì COVID-19, tỷ lệ mắc hậu COVID-19 thấp hơn ở nhóm bệnh nhân dưới 20 tuổi đối với cả 2 giới tính nam và nữ.

Có 15.1% bệnh nhân có biểu hiện hậu COVID-19 ở thời điểm 3 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 kéo dài triệu chứng đến tận 12 tháng.

 

Cơ chế đề xuất – Bàn luận

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy có khoảng 6.2% bệnh nhân mắc COVID-19 (có triệu chứng) bị mắc hậu COVID-19. Nguy cơ hậu COVID-19 cao hơn ở nữ giới so với nam giới, cao hơn ở bệnh nhân phải nhập viện vì COVID-19 (đặc biệt là bệnh nhân cần được điều trị ở đơn vị chăm sóc tích cực) so với bệnh nhân không cần nhập viện. Kết quả này cho thấy có thể con đường liên quan đến giới tích giải thích cho hậu COVID-19 khác biệt so với nhiễm COVID-19 nặng (trái ngược với hậu COVID-19, tỷ lệ nhiễm COVID-19 nặng cao hơn ở nam giới). Sự khác biệt này gợi ý rằng cơ chế của hậu COVID-19 có thể khác so với cơ chế mắc COVID-19 nặng.

Nhìn chung, nữ giới đáp ứng với việc nhiễm virus ít nghiêm trọng hơn và sản xuất nhiều kháng thể hơn. Tuy nhiên, nữ giới cũng lại có tỷ lệ mắc các biến cố có hại liên quan đến vaccine và thuốc kháng virus cao hơn nam giới. Nhiễm sắc thể X có liên kết với một số gene, mà các gene này được cho rằng có ảnh hưởng đến sự nhạy cảm với tình trạng nhiễm virus, các bệnh tự miễn, góp phần ủng hộ vào giả thuyết cho rằng quá trình tự miễn có vai trò nào đó trong cơ chế hình thành hậu COVID-19.

 


Nguồn

  1. Global Burden of Disease Long COVID Collaborators. Estimated Global Proportions of Individuals With Persistent Fatigue, Cognitive, and Respiratory Symptom Clusters Following Symptomatic COVID-19 in 2020 and 2021. JAMA. 2022;328(16):1604–1615. doi:10.1001/jama.2022.18931

 

return to top