1. Không nên đánh răng quá mạnh: Nếu chúng ta đánh răng quá mạnh, lông bàn chải sẽ bị uốn cong, do đó không thể loại bỏ thức ăn dư thừa trong các kẽ răng. Ngoài ra, đánh răng quá mạnh còn có thể gây tổn thương nướu răng.
2. Chú ý đến thức ăn chúng ta ăn: Những đồ ăn ngọt có thể gây sâu răng. Vì thế, chúng ta nên hạn chế ăn bánh, kẹo… Để giữ cho răng chắc khỏe, chúng ta cần ăn các thực phẩm có chứa calci, phốt pho và flo như các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau, cá, ngũ cốc ...
3. Nên sử dụng thêm thiết bị làm sạch răng: Bàn chải đánh răng không thể loại bỏ hoàn toàn các thức ăn bám ở kẽ các chân răng. Vì thế, ngoài việc đánh răng thường xuyên, bạn cần dùng thêm chỉ nha khoa để loại bỏ các thức ăn bám sâu vào kẽ chân răng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng thêm nước súc miệng để làm sạch khoang miệng.
4. Cần lưu ý chăm sóc lợi: Nếu không chăm sóc lợi tốt sẽ dẫn đến nướu lợi của bạn yếu, lâu dần sẽ dẫn tới bệnh viêm nha chu. Nha chu là tổ chức xung quanh răng, giúp ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng. Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng bắt đầu từ nướu răng dần lan xuống các nha chu bên dưới, khiến răng bị yếu và nhai kém….
Dấu hiệu của viêm nha chu: Răng dễ bị chảy máu khi đánh răng, hay ăn các thức ăn cứng. Răng lung lay, sưng, tấy… Nếu không kịp thời chữa trị, có thể bạn sẽ phải nhổ răng.
5. Nên lấy cao răng định kỳ: Dù bạn thường xuyên đánh răng hàng ngày, nhưng các mảng bám trên răng vẫn tích tụ trên răng theo thời gian. Vì thế, chúng ta phải đi lấy cao răng theo định kỳ. Bởi, nếu bạn để cao răng bám nhiều cũng có thể dẫn đến viêm nha chu.
6. Lưu ý bảo vệ răng khi bạn niềng răng: Bạn có thể niềng răng ngay khi bạn đã trưởng thành. Đối với những người đang mang niềng răng, việc đánh răng phức tạp hơn một chút, việc đánh răng cũng cần tỉ mỉ hơn. Đó là bởi vì, khi bạn niềng răng, thì móc cài, dây niềng, lò xo, các sợi chun cao su có thể giữ thức ăn và mảng bám lại trên răng, dần làm hại men răng và gây viêm lợi nếu thức ăn không được chải sạch. Chính vì vậy, những người niềng răng phải đánh răng hết sức cẩn thận, đảm bảo loại sạch thực phẩm mắc kẹt trong niềng răng. Bạn dùng bàn chải mềm với một lực vừa phải và kem đánh răng có chứa fluor. Bạn nên đánh răng từ dưới lên và từ trên xuống ở mỗi răng với bàn chải lông mềm. Đặt bàn chải ở góc độ mà bạn cảm giác lông bàn chải ở ngay đường viền nướu, tốt nhất là nghiêng 45 độ và xoay tròn nhẹ.Để làm sạch thức ăn giữa các kẽ răng, bạn sử dụng chỉ nha khoa, đưa chỉ qua dây niềng, sau đó chuyển động nhẹ nhàng sợi chỉ theo chiều từ trên xuống dưới nhưng cần cẩn thận và nhẹ nhàng để không làm tổn thương lợi.
7. Không nên nhai một bên hàm: Do thói quen nên nhiều người chỉ nhai một bên miệng. Nếu bạn chỉ nhai ở một bên miệng, nó có thể dẫn đến sâu răng và sâu răng ở phía bên kia miệng. Bởi, quá trình nhai cũng sẽ giúp bạn làm sạch răng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh