Tắc ruột là tình trạng thức ăn bị tắc nghẽn không thể đi xuống dưới để tiếp tục quá trình tiêu hóa.
Nguyên nhân tắc ruột cơ học được xác định là do ruột bị bít nghẽn, hoặc do ruột bị thắt lại
Các đối tượng có nguy cơ cao bị tắc ruột
Ở thể nhẹ, tắc ruột gây ra tình trạng đau bụng, buồn nôn, chướng bụng,… khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược. Tuy nhiên một số trường hợp nặng hơn, tắc ruột có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng như: hoại tử ruột, viêm phúc mạc. Vì vậy tắc ruột là bệnh nguy hiểm và là mối lo ngại của nhiều người, đặc biệt những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như:
Người vừa trải qua phẫu thuật ổ bụng
Người phải phẫu thuật khớp hoặc cột sống
Người bị lồng ruột
Người bị ung thư đại tràng
Bệnh nhân viêm túi thừa
Người bị nhiễm trùng toàn thân nặng (nhiễm trùng huyết)
Người mắc bệnh Crohn
Người sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp
Có nhiều cách phân loại tắc ruột nhưng thường chia ra 2 loại lớn là tắc ruột cơ năng và tắc ruột cơ học, trong đó theo ước tính, tắc ruột cơ học chiếm khoảng 95 – 97% tổng số ca cấp cứu do bị tắc ruột, còn tắc ruột cơ năng chỉ chiếm 3-5%.
Nguyên nhân tắc ruột cơ học được xác định là do ruột bị bít nghẽn, hoặc do ruột bị thắt lại.
– Tắc ruột do bít nghẽn
Lòng ruột có thể bị bít, tắc nghẽn lại do những vật lạ trong ruột như: búi giun đũa, u bã thức ăn, sỏi mật
Lòng ruột bị bít tắc lại do những tổn thương từ thành ruột như: sẹo xơ, teo ruột, ruột đôi, u lành tính hoặc ác tính của ruột non/ ruột già, tổn thương do viêm lao hoặc viêm trong bệnh Crohn
Lòng ruột bị bít tắc do từ ngoài đè vào: thường gặp ở các trường hợp u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u sau phúc mạc, u mạc treo …
Hậu quả của tắc ruột do bít là ruột trên chỗ tắc chướng lên, niêm mạc ruột bị tổn thương, phù nề, xung huyết, người bệnh bị mất nước và rối loạn điện giải dễ dẫn đến suy thận cơ năng, nứt/ vỡ đại tràng, …
– Tắc ruột do thắt
Xoắn ruột: có thể là xoắn ruột non, xoắn manh tràng, xoắn đại tràng Sigma
Thoát vị nghẹt: thoát vị bẹn nghẹt, thoát vị bịt nghẹt, thoát vị trong ổ bụng nghẹt
Lồng ruột: các trường hợp thường gặp là lồng xuôi chiều, lồng ngược chiều, lồng đơn, lồng hỗn hợp, lồng ở nhũ nhi, lồng ruột ở người lớn
Lồng ruột là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tắc ruột
Dây chằng: xảy ra sau mổ, gây chẹt ruột và mạch máu mạc treo
Hậu quả của tắc ruột do thắt là gây xoắn ruột, hoại tử, quai ruột và mạch máu mạc treo bị hoại tử, thủng, viêm phúc mạc, quai ruột bị xoắn.
Sau khi khám bệnh và làm các xét nghiệm cần thiết, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tắc ruột, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và đưa ra cách xử trí phù hợp. Các cách xử trí bao gồm:
Dị vật trong lòng ruột: đẩy dị vật qua van Bauhin hoặc mổ lấy dị vật
Thoát vị bẹn, đùi nghẹt: xử trí ruột nghẹt, mở túi thoát vị, cắt cổ túi giải phóng tạng nghẹt
Lồng ruột: trẻ em bị lồng ruột thì các bác sĩ sẽ tiến hành tháo lồng và cố định, trường hợp không tháo lồng được hoặc ruột bị hoại tử thì cần cắt đoạn ruột. Còn ở người lớn bị lồng ruột sẽ áp dụng tháo lồng, cố định hồi tràng với đại tràng, manh tràng với thành bụng, sau đó cắt ruột thừa. Nếu có u, bác sĩ sẽ cắt đoạn ruột có khối u.
Xoắn ruột : tháo xoắn và cắt bỏ nguyên nhân gây xoắn
Tắc ruột tái phát phải mổ đi mổ lại nhiều lần: giải quyết nguyên nhân tắc ruột trước sau đó cố định lại ruột
Để phát hiện kịp thời bệnh tắc ruột, bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần và chú ý theo dõi những biểu hiện khác thường của cơ thể để đi kiểm tra, kịp thời phát hiện và điều trị bệnh ngay khi xuất hiện những triệu chứng ban đầu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh