Những bệnh răng miệng phổ biến trong thai kỳ

Lượng progesterone tăng cao trong thai kỳ có thể khiến vi khuẩn gây viêm lợi phát triển, đồng thời khiến các mô nướu nhạy cảm và dễ mắc bệnh hơn. Thực tế, mang thai có thể làm bệnh viêm nướu nặng hơn.

Triệu chứng của viêm nướu trong thai kỳ

Thường thì viêm nướu xuất hiện trong khoảng tháng thứ 2 và thứ 8 của thai kỳ. Dấu hiệu của viêm nướu thai kỳ là lợi/nướu đỏ, chảy máu một chút khi đánh răng, thậm chí sưng to và chảy máu nhiều.

 

Phương pháp phòng tránh viêm nướu thai kỳ

Để tránh viêm nướu, đầu tiên phải giữ thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chải răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa 1 lần/ngày và dùng nước súc miệng kháng khuẩn. Trong thời gian mang thai, vệ sinh răng miệng đúng cách là đặc biệt quan trọng.

 

Bệnh nướu và sinh non

Đã có vài nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh nướu và tình trạng sinh non. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cho biết, phụ nữ bị viêm nướu mãn tính có khả năng đẻ non (trước tuần thai thứ 37) cao hơn 4 tới 7 lần và sinh trẻ nhẹ cân hơn so với các mẹ có nướu khỏe mạnh.

Các bà mẹ mắc bệnh nha chu nặng thường sinh non nhiều nhất, có thể sinh ở tuần 32. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ việc điều trị bệnh viêm nướu có làm giảm nguy cơ sinh non không.

 

Các khối u thai kỳ

Đôi khi, ở phần lợi phía trên xuất hiện khối u màu đỏ tươi, có thể chảy máu và đóng vảy, khiến thai phụ khó ăn uống và nói chuyện. Đó được gọi là những khối u thai kỳ và có thể xảy ra bất cứ khi nào trong khi mang thai nhưng thường xuất hiện trong 3 tháng giữa của thai kỳ.

Đừng quá bận tâm nếu có ‘khối u’. Những khối u này không gây ung thư và cũng không lây lan cho người khác. Khối u thai kỳ là dạng phản ứng của cơ thể thai phụ với những kích ứng tại chỗ (ví dụ như  thức ăn còn sót lại hoặc mảng bám răng). Có đến 10% phụ nữ mang thai và phụ nữ không mang thai mắc bệnh viêm nướu.

Các khối u thai kỳ cũng được gọi bằng nhiều cái tên khác như u hạt sinh mủ, u hạt thai kỳ...

 

Điều trị các bênh răng miệng trong thai kỳ

Các vết sưng, viêm nướu, khối u thai kỳ thường tự biến mất sau khi bé chào đời. Tuy nhiên, nếu sưng viêm ảnh hưởng tới việc ăn uống, các nha sĩ  có thể sẽ cắt bỏ nó sau khi tiêm thuốc gây tê. Sưng, viêm hay khối u thai kỳ sau khi bị cắt bỏ vẫn có thể tái xuất hiện. Nha sĩ của bạn có thể tìm ra nguyên nhân gây sưng viêm, chẳng hạn như do mảng bám răng và sẽ điều trị khỏi cho bạn thay vì cắt bỏ khối u.

Các mẹ bầu có thể tự ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ sưng, viêm hay khối u thai kỳ bằng cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ tại nhà (đánh răng ít nhất hai lần một ngày với kem đánh răng có fluoride, dùng chỉ nha khoa 1 lần/ngày, dùng nước súc miệng kháng khuẩn) trong thai kỳ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top