✴️ Những vấn đề có thể xảy ra sau implant nha khoa

Những biến chứng có thể xảy ra

Có nhiều biến chứng có thể xảy ra sau khi cắm implant nha khoa. Dưới đây là một vài biến chứng trong  số đó.

Các vấn đề thường gặp

Dưới đây là một vài vấn đề thường gặp sau khi cắm implant:

Nhiễm trùng

Nên chăm sóc cho các implant nha khoa kỹ càng để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Việc tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ sau khi thực hiện implant nha khoa là cực kỳ quan trọng.

Việc điều trị nhiễm trùng phụ thuộc vào độ nặng và vị trí nhiễm trùng. Ví dụ như, nhiễm trùng nướu có thể sẽ cần điều trị bằng kháng sinh hoặc ghép nướu, trong khi nhiễm trùng ở trong xương có thể sẽ cần phải thực hiện loại bỏ phần xương bị tổn thường hoặc có thể là bỏ cả phần implant và sau đó thực hiện ghép xương hoặc mô mềm.

Tuột nướu

Trong một vài trường hợp, nướu tại vị trí implant có thể bị tuột, và có thể dẫn đến bị viêm và đau. Việc thăm khám và đánh giá kỹ càng từ nha sĩ là cực kỳ cần thiết để có thể tránh việc phải gỡ bỏ implant.

Implant bị lỏng

Trong vài tuần đầu sau khi làm thủ thuật, implant sẽ từ từ cắm chặt và dính vào xương hàm. Quá trình này được gọi là “Sự tương hợp – tích hợp xương”, và quá trình này rất quan trọng trong việc thành công của implant. Quá trình này có thể mất đến nhiều tháng.

Nếu như implant thất bại trong việc dính vào xương, nha sĩ có thể sẽ phải gỡ bỏ nó. Có thể thử thực hiện implant lại sau khi vùng đó đã lành vết thương.

Tổn thương thần kinh và mô

Đôi khi, nha sĩ có thể vô tình cắm implant quá gần với dây thần kinh, việc này có thể dẫn đến cảm giác tê, châm kim hay đau kéo dài. Một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra rằng, tổn thương thần kinh do cắm implant có thể làm giảm chất lượng cuộc sống.

Tổn thương thần kinh hay mô cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức. Tổn thương thần kinh răng dưới ở trong xương hàm dưới có thể rất nghiêm trọng. Một vài triệu chứng của tổn thương thần kinh răng dưới gồm:

  • Tê buốt dai dẳng ở vị trí cắm implant, bao gồm cả môi dưới và cằm;
  • Đau hoặc cảm giác khó chịu kéo dài;
  • Cảm giác châm chích, nóng rát ở vùng nướu và da.

Các triệu chứng ít gặp hơn

Implant nha khoa có thể gây ra một vài triệu chứng ít gặp hơn, ví dụ như các vấn đề về xoang và tổn thương của chính implant.

Các vấn đề về xoang

Implant ở hàm trên có thể xuyên thủng vào trong các xoang, gây phù nề các xoang, gây ra viêm xoang. Một số triệu chứng có thể xảy ra ở viêm xoang bao gồm:

  • Đau, nhạy cảm, hay sưng phù xung quanh má, mắt, hay trán;
  • Dịch nhầy ở mũi màu xanh hoặc vàng;
  • Nghẹt mũi;
  • Giảm khướu giác;
  • Đau đầu kiểu xoang;
  • Đau răng;
  • Hơi thở có mùi hôi;
  • Tăng thân nhiệt.

Tổn thương do lực tác động mạnh

Cũng như những răng khác, tác động lực mạnh có thể làm cho implant nha khoa bị nứt hoặc trở nên lung lay.

Một vài người có thể tác động lực mạnh lên implant của mình mà không hề tự nhận biết thấy. Ví dụ như, một số người nghiến răng trong lúc ngủ. Những người có xu hướng đó có thể phải cần mang một dụng cụ trong miệng khi ngủ để đề phòng tổn thương implant cũng như các răng bình thường khác.

Các vấn đề lâu dài khác

Viêm vùng quanh implant là một dạng bệnh tại nướu làm mất đi phần xương hỗ trợ xung quanh implant.

Theo một bài nghiên cứu năm 2017, viêm quanh implant có thể mất khoảng 5 năm để tiến triển và gây ra triệu chứng. Những triệu chứng này thường bao gồm chảy máu hay sưng xung quanh vùng cắm implant.

Cũng có một khả năng hiếm gặp là cơ thể tự đào thải implant nha khoa. Theo một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu đang xem xét các nguy cơ khi sử dụng implant làm từ titanium hay các kim loại khác. Một vài người có một dạng dị ứng kim loại hiếm gặp khiến cho cơ thể họ tự đào thải các implant bằng kim loại. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng nên xét nghiệm dị ứng kim loại trước khi thực hiện cắm implant.

Những ai nên làm implant nha khoa

Implant là một giải pháp tốt dành cho những người cần thay thế răng do răng bị sâu nặng hoặc bị chấn thương.

Tuy nhiên, 2 vấn đề có thể xảy ra liên quan đến implant nha khoa là tính phù hợp và tỷ lệ thành công. Phần dưới đây sẽ nói rõ hơn về các vấn đề đó:

Tính phù hợp

Một vấn đề lớn của implant là không phải ai cũng phù hợp để thực hiện.

Để có thể được cắm implant, người được cắm phải có thể chất khỏe mạnh. Họ cũng cần phải có nướu và xương hàm chắc, khỏe, bởi vì những cấu trúc đó sẽ hỗ trợ giữ chặt cố định implant trong suốt cuộc đời của người được cắm.

Implant nha khoa không phù hợp để thực hiện trên trẻ em, vì các xương mặt của trẻ vẫn còn đang phát triển.

Tỷ lệ thành công

Đôi khi, implant nha khoa có thể bị thất bại. Các chuyên gia sức khỏe phân loại implant thất bại vào 2 nhóm: Thất bại sớm (xảy ra trước khi đưa implant vào) hoặc thất bại muộn (xảy ra sau khi implant đã cắm được một khoảng thời gian).

Các implant nha khoa có tỷ lệ thành công vào khoảng 95%. Tuy nhiên, chúng tỷ lệ này có thể thấp hơn ở những đối tượng như:

  • Hút thuốc lá;
  • Đái tháo đường;
  • Bệnh ở nướu;
  • Đã từng xạ trị vùng hàm;
  • Dùng một số thuốc nhất định.

Cách chăm sóc implant

Cách tốt nhất để đảm bảo tính thành công của một implant nha khoa là tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ sau khi đã cắm implant.

Sau khi đã cắm implant, nên tránh dùng các thức ăn và thức uống nóng trong lúc đang còn cảm giác tê, và ăn theo chế độ ăn gồm các thực phẩm mềm trong vòng ít nhất một vài ngày. Cũng nên tránh vận động nặng hay tập thể dục nặng trong vòng 2-3 ngày để tránh tình trạng tăng tưới máu và sưng vùng cắm implant.

Vệ sinh implant, vùng mô xung quanh cũng như các răng bình thường còn lại sạch sẽ kỹ càng. Nên dùng thuốc súc miệng và chỉ nha khoa ít nhất 1 lần mỗi ngày sau khi vùng nướu đã lành và sử dụng bàn chải kẽ răng để có thể làm sạch được những vùng khó chạm tới.

Nên đến nha sĩ thường xuyên theo lịch để có thể làm sạch các vùng ở dưới đường nướu.

Đối với những người hút thuốc, nên cân nhắc việc bỏ thuốc lá vì bỏ thuốc sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng của implant nha khoa.

Khi nào nên đi khám bác sĩ

Sau khi cắm implant, bác sĩ có thể sẽ cho dùng kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng. Các thuốc giảm đau cũng có thể được cho dùng để làm dịu cơn đau.

Bất kỳ vùng sưng hay tụ máu nào cũng sẽ tự thoái lui trong vòng vài ngày sau thủ thuật. Tuy nhiên, nếu như đau và sưng kéo dài hơn 1 tuần, nên đi khám với nha sĩ ngay.

Quá trình hồi phục giai đoạn đầu kéo dài khoảng vài tuần, và “Sự tương hợp – tích hợp xương” hoàn toàn có thể sẽ kéo dài khoảng nhiều tháng. Nên đi gặp nha sĩ ngay nếu như implant bị lung lay hoặc cơn đau tiếp tục xuất hiện sau vài tuần. Giải quyết vấn đề nhanh chóng là rất quan trọng trong việc phòng ngừa các biến chứng.

chăm sóc răng miệng sau khi implant

Tiên lượng

Đối với các thủ thuật implant đơn giản thì thường chỉ cần gây tê tại chỗ, do đó hầu hết các trường hợp thường có thời gian hồi phục rất ngắn. Tuy nhiên, một số người có thể có các triệu chứng dưới đây sau khi cắm implant:

  • Đau tại vùng cắm implant;
  • Chảy máu ít;
  • Bầm máu tại nướu hoặc da;
  • Sưng nướu hoặc mặt.

Nha sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên nghỉ ngơi thật nhiều sau khi thực hiện thủ thuật. Bác sĩ cũng sẽ khuyến cáo bệnh nhân nên theo một chế độ ăn gồm các thực phẩm mềm và chườm túi đá lên vùng bị tổn thương để giúp làm dịu viêm và sưng.

Mức độ khó chịu thì khác nhau giữa mỗi người và phù thuộc vào số lượng implant được cắm. Tuy nhiên, dùng acetaminophen hoặc ibuprofen cũng đã đủ để làm dịu cơn đau. Các thuốc giảm đau thường cần thiết trong 2-3 ngày sau thủ thuật.

Thời gian hồi phục trung bình sau khi cắm implant thì rất dao động, khoảng từ 2 – 6 tháng. Sau khi đã hoàn toàn hồi phục, nha sĩ sẽ đặt răng giả ở phía trên implant.

Tóm tắt

Implant nha khoa không phù hợp cho tất cả mọi người. Nha sĩ sẽ phải thăm khám kỹ càng trước khi quyết định xem ai là người phù hợp để thực hiện thủ thuật.

Implant nha khoa có tỷ lệ thành công khoảng 95%, và chúng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều người.

Tuy nhiên, implant nha khoa có thể gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, tuột nướu, và tổn thương mô, thần kinh. Nên đi gặp nha sĩ ngay nếu như xuất hiện các triệu chứng đáng lo ngại sau khi cắm implant.

Xem thêm: Những điều cần biết về veneers nha khoa

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top