Một bộ răng sữa đầy đủ có 20 răng, mỗi cung hàm trên và dưới sẽ có 10 răng gồm: 2 răng cửa, 1 răng nanh, 2 răng hàm sữa ở mỗi bên.
Thứ tự mọc răng sữa có thể không hoàn toàn giống nhau ở các bé, tuy nhiên thường tuân theo trình tự như sau:
0-6 tháng (sơ sinh): Chưa mọc chiếc răng nào;
6-10 tháng tuổi: Mọc 2 răng cửa giữa sữa hàm dưới;
8-12 tháng: Mọc 2 răng cửa giữa sữa hàm trên;
9-13 tháng: Mọc 2 răng cửa bên sữa hàm trên hai bên;
10 - 16 tháng: Mọc 2 răng cửa bên sữa hàm dưới hai bên;
13 – 19 tháng: Mọc 2 răng hàm sữa thứ nhất hàm trên hai bên;
14 -18 tháng: Mọc 2 răng hàm sữa thứ nhất hàm dưới hai bên;
16–22 tháng: Mọc 2 răng nanh sữa hàm trên hai bên;
17-23 tháng: Mọc 2 răng nanh sữa hàm dưới hai bên;
23–31 tháng: Mọc 2 răng hàm sữa thứ 2 hàm dưới hai bên;
25-33 tháng: Mọc 2 răng hàm sữa thứ 2 hàm trên hai bên;
36 tháng: Mọc đầy đủ răng sữa.
Sự xáo trộn trong quá trình thay răng sữa có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này của trẻ.
Ngoài ra, răng sữa cũng có những cấu trúc cơ bản tương tự răng vĩnh viễn. Thực chất lớp men răng của răng sữa mỏng hơn đồng thời buồng tủy răng sữa rộng hơn so với răng vĩnh viễn nên các tổn thương sâu ở răng sữa rất nhanh chóng tiến triển vào tủy răng, thậm chí cuống răng (chóp chân răng), có thể dẫn đến hậu quả phải nhổ răng sữa sớm, do đó việc dự phòng sâu răng ở răng sữa đặc biệt quan trọng.
Chức năng của hàm răng sữa ngoài việc ăn nhai, còn tham gia vào quá trình hoàn thiện phát triển cung hàm và hướng dẫn việc mọc răng vĩnh viễn, một chức năng khác không thể không kể đến là chức năng thẩm mỹ và hướng dẫn sự phát triển của xương hàm.
Các răng cửa và răng nanh có chức năng cắn xé thức ăn, răng hàm sữa có vai trò nghiền nát thức ăn. Răng nanh còn thêm chức năng đưa hàm sang bên.
Các răng hàm sữa có chức năng hướng dẫn cho răng vĩnh viễn mọc. Khi mầm răng vĩnh viễn bắt đầu hình thành và di chuyển về phía khoang miệng, kích thích làm tiêu chân răng sữa và hoàn thiện quá trình hình thành chân răng. Đồng thời răng sữa sẽ lung lay và dần được thay thế bằng các răng vĩnh viễn tương ứng.
Việc thay răng sữa quá sớm sẽ làm chậm quá trình mọc răng vĩnh viễn, thiếu chỗ để mọc răng vĩnh viễn.
Thay răng sữa quá muộn làm răng vĩnh viễn thiếu chỗ và mọc lệch lạc trên cung hàm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng với những trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng Anodontia (hội chứng không răng), xương hàm không phát triển và làm cho khoang miệng của bệnh nhân kém phát triển về kích thước.
Cha mẹ đôi khi không nhận thức được tầm quan trọng của răng sữa, do đó chưa có những phương pháp chăm sóc phù hợp cho bộ răng sữa của bé. Điều này thường bắt nguồn từ suy nghĩ rằng hàm răng sữa sẽ được thay thế bằng hàm răng vĩnh viễn.
Cha mẹ thường đưa bé đến phòng khám khi bé có các vấn đề cụ thể như đau răng hoặc phát hiện lỗ sâu, trẻ phàn nàn về các vấn đề răng miệng. Tuy nhiên đây không phải là thời điểm thích hợp nhất cho lần khám răng đầu tiên của bé, thời điểm thích hợp nhất theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ đó là thời điểm mọc chiếc răng sữa đầu tiên và không quá 1 tuổi.
Lần gặp đầu tiên này sẽ giúp cha mẹ định hướng những vấn đề cần chú ý cho việc chăm sóc hàm răng sữa và giúp trẻ làm quen với môi trường nha khoa một cách dễ dàng hơn, một thuật ngữ được sử dụng cho việc thăm khám vào thời điểm này đó là “dạo chơi nha khoa cho trẻ”.
Mặt khác, vào thời điểm khi bé gặp những vấn đề thực sự về răng miệng, việc can thiệp điều trị ngay tức thì đôi khi khó thực hiện và có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Những vấn đề này có thể được dự phòng sớm hơn nếu cha mẹ đã có những kiến thức cơ bản được trang bị từ trước đó.
Một số thói quen xấu như bú bình ban đêm gây sâu răng sớm, sâu răng hàng loạt, hoặc thói quen mút môi, đẩy lưỡi cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển cung hàm của trẻ sau này.
Ngay trước khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên, cha mẹ đã cần chú ý đến việc vệ sinh khoang miệng cho bé sau khi ăn bằng gạc ẩm để làm sạch toàn bộ sống hàm, lưỡi và mặt trong của má.
Khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên:
Khi bắt đầu mọc những chiếc răng liền kề, cha mẹ có thể dùng phối hợp với chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng cho bé.
Thực tế việc vệ sinh răng miệng cho bé đôi khi mất khá nhiều thời gian, cha mẹ có thể làm mẫu hoặc thay đổi các loại bàn chải, màu sắc khác nhau và kiên trì cùng chơi trò chải răng với trẻ. Nên tán thưởng khi trẻ tự chải răng và để bé có hứng thú với việc vệ sinh răng miệng hàng ngày.
Sử dụng kỹ thuật chải răng ngang, chải đầy đủ tất cả các mặt hàm trên và hàm dưới. Tốt nhất nên chải mặt ngoài cả hai hàm sau đó chải mặt trong và cuối cùng là mặt nhai để tránh bỏ sót.
Việc chải răng của bé cần phải được ba mẹ giám sát thường xuyên, khi trẻ đã tự nhận thức được việc chải răng, ba mẹ có thể cho bé chải răng trước, sau đó kiểm tra lại đến khi việc chải răng của bé đã thật sự hiệu quả.
Lần khám răng đầu tiên nên ngay khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên ngay cả khi trẻ không có bất cứ vấn đề gì về răng miệng.
Khám răng định kỳ 3-4 tháng/lần để kiểm soát và dự phòng các bệnh lý sâu răng, kiểm soát việc mọc răng của trẻ. Việc khám định kỳ sẽ giúp làm hạn chế những vấn đề răng miệng của trẻ, xây dựng thói quen nha khoa lành mạnh cho trẻ.
Cha mẹ nên tập thói quen ghi lại thời điểm mọc răng và những can thiệp nha khoa của trẻ. Đây chính là hồ sơ theo dõi vô cùng có ý nghĩa đối với những vấn đề răng miệng của trẻ sau này, giúp nha sĩ có tư liệu để đưa ra định hướng điều trị sau này.
Phát hiện và loại bỏ các thói quen xấu như bú bình, mút môi, đẩy lưỡi, thở miệng bằng cách trao đổi với nha sĩ trong những buổi khám răng định kỳ.
Bôi verni fluor dự phòng tại cơ sở y tế 6 tháng/lần đối với những trẻ có nguy cơ sâu răng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh