Viêm họng cấp tính nếu không được điều trị rất dễ gây các biến chứng như viêm amidan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, VA quá phát ở trẻ nhỏ… và nhiễm khuẩn huyết. Vậy, cách điều trị viêm họng cấp tính như thế nào?
Bệnh viêm họng cấp tính thường xuất hiện với các bệnh viêm VA, viêm amiđan, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản… Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn hoặc virus. Bệnh thường khởi phát rất đột ngột ví như sau khi tắm nước lạnh, tắm nới không kín gió, tắm không lau khô người mà mặc quần áo ngay, thời tiết chuyển mùa đột ngột, ăn nhiều đồ lạnh…
Biểu hiện của bệnh viêm họng cấp tính: Người bệnh sốt cao 39-40 độ C, nuốt nước bọt, đồ ăn, ho có cảm giác đau, rát họng. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh thấy đau lên tai và đau nhói khi nuốt. Các triệu chứng kèm theo là: Sụt sịt, tắc mũi, chảy nước mũi nhày, tiếng nói khàn nhẹ, ho khan, hai amiđan viêm to, trên bề mặt amiđan có chất nhày trong hoặc có bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt, hạch cổ bị sưng.
Viêm họng cấp nếu không được điều trị có thể kéo dài từ 7 – 10 ngày và rất dễ gây biến chứng viêm amidan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, VA quá phát ở trẻ nhỏ và nhiễm khuẩn huyết… Viêm họng cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị ngay từ đầu thì cũng rất dễ chuyển thành viêm họng mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần.
Để điều trị viêm họng cấp cần phải uống thuốc hạ sốt khi bị sốt cao. Súc miệng và họng bằng nước muối pha loãng hàng ngày, nên đi cắt amidan khi thường xuyên bị viêm họng và viêm họng lâu không khỏi.
Đối với trẻ em, việc điều trị viêm họng cấp bằng cách bôi họng bằng một số loại thuốc đặc trị và nhỏ mũi bằng thuốc.
Tiến hành vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên và hàng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn và trước, sau khi ngủ dậy. Nên tắm bằng nước ấm, khi tắm xong cần lau người khô trước khi mặc quần áo, không nên ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hoà lạnh sau khi tắm xong.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh