✴️ Bệnh cơ tim chu sinh (hoặc là bệnh cơ tim chu sản)

Yếu tố nguy cơ

  • Người mang thai nhiều lần.
  • Sản phụ lớn tuổi.
  • Thai đôi.
  • Mổ đẻ. 
  • Suy dinh dưỡng, thiếu selenium.
  • Lạm dụng cocain.
  • Nhiễm trùng: Chlamydia, enterovirus.
  • Nhiễm độc thai nghén nặng, tiền sản giật.

Cơ chế bệnh sinh

Người ta vẫn chưa hiểu một cách đầy đủ. 

Có nhiều bằng chứng cho rằng bệnh cơ tim chu sản là hậu quả của viêm cơ tim do virus:

  • Khi tình trạng ức chế miễn dịch trong thời kỳ mang thai xuất hiện thì tính nhậy cảm với các virus gây viêm cơ tim tăng cao.
  • Khi hiệu xuất cơ tim tăng thì tổn thương cơ tim do virus trầm trọng hơn.
  • Đã có nhiều bằng chứng mô học của viêm cơ tim trên các tiêu bản sinh thiết cơ tim - màng trong tim của bệnh nhân.

Có những nghiên cứu khác đưa ra nguyên nhân bệnh do tự miễn:

  • Đáp ứng miễn dịch trên thai nhi và niêm mạc tử cung đã gây ra phản ứng qua lại với tế bào cơ tim của bệnh nhân.
  • Có nghiên cứu đã thấy trong huyết thanh của bệnh nhân có kháng thể với cơ trơn và actin kết quả là có sự giải phóng actin và myosin trong suốt thời kỳ tử cung thoái triển sau khi sinh con. Các kháng thể này tạo phản ứng qua lại muộn với cơ tim và gây bệnh cơ tim.

Triệu chứng

Nhìn chung, bệnh cơ tim chu sinh có một số triệu chứng tương tự như hội chứng suy tim, cụ thể là:

  • Nhịp tim nhanh bất thường
  • Tức ngực hoặc đánh trống ngực
  • Khó thở, đặc biệt là khi nghỉ ngơi hoặc nằm xuống
  • Mệt mỏi quá mức, nhất là khi hoạt động thể chất (do thiếu máu đến các cơ quan)
  • Cảm thấy hụt hơi
  • Sưng bàn chân và mắt cá chân (phù do giữ nước)
  • Bị ho khi nằm thấp đầu

Điều trị và tiên lượng

Điều trị bệnh cơ tim chu sản cũng tương tự như điều trị bệnh cơ tim giãn không có thiếu máu cục bộ khác, tuy nhiên những chỉ định trong thời kỳ này vô cùng thận trọng vì liên quan đến thai nhi. Nếu bệnh ở thể nhẹ, có thể chỉ dùng các biện pháp không dùng thuốc như chế độ ăn ít muối (dưới 4mg/ngày), hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể (dưới 2lít/ngày) và uống từng ít một, không nên uống quá nhiều một lúc vì khi cơ tim bị giãn mà nước đưa vào cơ thể nhiều sẽ làm tăng cung lượng tim dẫn đến tình trạng suy tim trầm trọng hơn. Đồng thời nên có những bài tập luyện nhẹ nhàng hằng ngày như đi bộ.

Các thuốc điều trị bao gồm digoxin, thuốc lợi tiểu và hydralazine. Thuốc chẹn bêta giao cảm có thể cải thiện chức năng thất trái và được coi là an toàn trong thời kỳ mang thai, tuy nhiên có những trường hợp nhịp tim thai bị chậm và chậm phát triển thai nhi. Chống chỉ định dùng thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensinII  hoặc ức chế thụ thể angiotensin.Thuốc chống đông có đáp ứng tốt cho bệnh nhân cơ tim giãn, nhất là khi thất trái giãn và chức năng tâm thu thất trái giảm nhiều, nhưng ở sản phụ thì hết sức thận trọng vì có thể sẽ gây ra hiện tượng băng huyết trong khi chuyển dạ.

Tiên lượng của những bệnh nhân mắc bệnh cơ tim chu sản thay đổi khác nhau. 50 – 60% sản phụ có kích thước và chức năng tim bình thường hoàn toàn sau khi đẻ khoảng 6 tháng.

 

Lời khuyên

Mặc dù bệnh cơ tim chu sinh là một tình trạng nghiêm trọng, nhưng điều may mắn là nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp thì khả năng hồi phục rất lớn. Các biến chứng nặng thường xuất hiện khi bệnh được phát hiện muộn, vì thế việc thường xuyên theo dõi các biểu hiện của cơ thể và thăm khám định kỳ là việc làm rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top