✴️ Lời khuyên cho mẹ trước khi vào phòng sinh

Nội dung

Không nên quá để tâm đến ngày dự sinh 

Ngày dự sinh không phải lúc nào cũng chính xác. Nhiều mẹ lo lắng vì sao đến ngày dự sinh nhưng vẫn không có dấu hiệu sinh. Hoặc 1 – 2 tuần nữa mới đến ngày dự kiến sinh nhưng mẹ lại có dấu hiệu sinh sớm trước 1 – 2 tuần. 

Thực tế ngày dự kiến sinh không phải lúc nào cũng đúng 100% và mẹ không cần lo lắng. Lời khuyên của bác sĩ cho mẹ trước khi sinh là cần khám thai định kỳ để đảm bảo không phát hiện dấu hiệu bất thường gì, thai nhi phát triển tốt. Tránh để tâm lý lo toan ảnh hưởng đến mẹ và bé.

Trước khi sinh: Có quyết định đúng đắn giữa sinh thường và sinh mổ

Khi mang thai rất nhiều chị em phân vân, không biết nên sinh thường hay sinh mổ để tốt nhất cho mẹ và con. Sau đây là một số kiến thức xoay quanh vấn đề này để mẹ bầu có quyết định đúng đắn trước khi sinh.

Khi nào nên sinh thường

Sinh thường hay còn gọi là sinh đường dưới, là cách sinh tự nhiên của con người. Các chuyên gia nhận định rằng nếu phụ nữ sinh thường được sẽ rất tốt cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, để sản phụ có thể sinh thường được cần phải có những điều kiện nhất định.

  • Thứ nhất, người sản phụ đó phải theo dõi quản lý thai tốt, sức khỏe của cả mẹ và con đều đảm bảo, mẹ không mắc bệnh lý mãn tính.

  • Thứ hai, trọng lượng thai phù hợp trung bình từ 2,8 – 3,2kg. Trẻ quá nhẹ cân không chỉ định sinh thường vì có thể tử vong do suy hô hấp khi chui đường dưới.

  • Thứ ba, ngôi thai thuận, khung xương chậu của người mẹ tốt.

Ưu điểm của việc sinh thường

Sản phụ trải qua quá trình sinh thường sẽ ít mất máu hơn so với những trường hợp mổ lấy thai. Cũng chính vì vậy mà thời gian hồi phục sẽ diễn ra nhanh hơn, mẹ có thể đi lại, ăn uống và chăm sóc bé sau khi sinh.

Sau khoảng 2 giờ đầu sau sinh là mẹ có thể cho con bú, vì việc tiết sữa vẫn diễn ra nhanh và nhiều như bình thường, từ đó bảo vệ được nguồn sữa mẹ. Việc không phải chịu ảnh hưởng của thuốc gây mê hay gây tê cũng giúp sản phụ tránh được các biến chứng do gây mê – tê và phẫu thuật.

Ngoài ra, khi được sinh thường, tử cung của sản phụ sẽ co hồi tốt hơn, giảm lượng máu mất sau sinh và hạn chế ứ sản dịch. Và hơn hết việc sinh thường theo tự nhiên đem lại cho mẹ những cảm nhận chân thật suốt quá trình sinh nở về diễn biến trong cơ thể lẫn tâm lý.

Đau dây chằng tròn là hiện tượng sinh lý bình thường ở bà bầu

Theo các chuyên gia, một đứa trẻ được sinh thường bằng đường dưới sẽ có hệ miễn dịch được kích hoạt tốt hơn so với trẻ sinh mổ. Quá trình trẻ sinh bằng đường dưới được coi như là thử thách đầu đời với trẻ. Lúc bấy giờ, để bé có thể chui được ra ngoài, khi đi qua đường sinh sản thì lồng ngực của bé sẽ phải chịu sức ép nhất định cho nên các dịch trong phổi của trẻ có thể thoát được ra nhiều hơn. Từ đó sau khi ra đời những đứa trẻ sinh thường sẽ linh hoạt hơn một chút so với những đứa trẻ sinh mổ. 

Quá trình sinh thường giúp nang phổi thai nhi đàn hồi, sự co bóp của tử cung cung cấp oxy và các kích tố cho trung tâm hô hấp não thai, giúp hoạt động phổi bé sau khi khóc chào đời tốt hơn, chính vì vậy trẻ sinh thường ít phát sinh hội chứng suy hô hấp . 

Sinh thường do áp lực co bóp của tử cung làm nước ối và chất nhầy ở phổi, khoang miệng, khoang mũi thai nhi tiết ra trong khi mổ đẻ không có tác dụng này. Ngoài ra, bé được tiếp xúc với hệ vi sinh vật đường âm đạo mẹ nên thường tạo được hệ vi sinh đường ruột tốt hơn.

Bé sinh thường được bú mẹ sớm hơn, đủ hơn và sữa mẹ không có tác động của các loại thuốc như trong mổ sinh. Chính vì sản phụ sinh thường có khả năng phục hồi sớm nên trẻ được gần gũi với mẹ sớm hơn, tốt cho sự phát triển về cảm xúc và thể chất cho bé. Vì thế trước khi sinh mẹ nên biết được những lợi ích mà sinh thường mang lại.

Nhược điểm của sinh thường

Lựa chọn sinh thường, thuận theo tự nhiên nên sản phụ sẽ không thể chủ động được ngày sinh của mình và ngày dự sinh thì không phải lúc nào cũng chính xác, chính vì vậy không thể tránh khỏi áp lực về tâm lý tác động đến mẹ trong quá trình chờ đợi.

Người mẹ phải chịu đau khi chuyển dạ sinh mà không phải sản phụ nào cũng chịu đựng được cơn đau này, nếu chuyển dạ kéo dài thì sản phụ bị mất sức là điều không thể tránh khỏi, dẫn đến việc phục hồi sức khỏe chậm.

Sinh thường cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng đến vùng sàn chậu khiến mẹ mắc chứng đi tiểu không tự chủ sau sinh. Nếu cuộc sinh diễn ra khó khăn có thể dẫn đến những thương tổn ở đường sinh dục mẹ như sang chấn ở âm đạo, tầng sinh môn, cổ tử cung hay thậm chí gặp trường hợp vỡ tử cung. 

Trong quá trình sinh nở, nếu không may xảy ra sự cố hay mẹ không đủ sức rặn lúc đó thai nhi đã tụt xuống cổ tử cung, không sử dụng những phương pháp sinh nở khác thay thế được sẽ rất khó xử lý. Lúc bấy giờ sẽ rất nguy hiểm với thai nhi, bác sĩ buộc  phải sử dụng một số biện pháp hỗ trợ sinh sản và có thể gây ra những chấn thương chưa thể lường trước được ảnh hưởng đến thai nhi.

Khi nào nên sinh mổ

Chuyên gia cho biết: “Sản phụ sẽ sinh mổ khi không đủ những điều kiện sinh thường, để đảm bảo an toàn nhất cho mẹ và bé. Mổ lấy thai thường có chỉ định rất nghiêm ngặt, tuy nhiên vẫn sẽ có những chỉ định tương đối với những trường hợp rất khó khăn khi có con, phụ nữ nhiều tuổi, lâu ngày không sinh”. Một số trường hợp bắt buộc phải mổ đẻ như: ngôi vai, rau tiền đạo, thai quá to, đầu thai quá to… 

Ưu điểm của sinh mổ

Đây là phương pháp rất cần thiết đối với các ca sinh khó bắt buộc chỉ định mổ. Lợi ích hàng đầu của sinh mổ là đảm bảo an toàn cho mẹ và con trong những trường hợp không thể sinh được đường dưới được.

Nhược điểm của sinh mổ

  • Có thể xảy ra các tai biến do gây mê, gây tê như sốc phản vê, tụt huyết áp, hay do phẫu thuật như tụ máu vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, dính ruột, viêm dính bàng quang…

  • Mẹ sinh mổ có nguy cơ mất máu nhiều hơn so với sinh thường, từ đó làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh.

  • Sẹo mổ trên tử cung sẽ ảnh hưởng lên lần mang thai sau của người phụ nữ, có nguy cơ gặp một số tai biến khi mang thai và chuyển dạ ở lần sau cao hơn.

  • Thời gian hồi phục sau sinh mổ kéo dài hơn so với sinh thường, việc chăm sóc vết mổ cũng phức tạp.

  • Để lại sẹo xấu vùng bụng và có thể bị ngứa mỗi khi thời tiết thay đổ.

  • Ở sản phụ sinh mổ, sự tiết sữa sẽ chậm và ít hơn so với sản phụ sinh thường .

Những lưu ý cho sản phụ khi sinh mổ

Sau phẫu thuật mổ lấy thai, nếu sức khỏe tốt, sản phụ nên vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cho cơ thể sớm trở lại bình thường. Vận động giúp cho quá trình co tử cung đào thải sản dịch ra ngoài.

Sau mổ đẻ, sản phụ nên cho con bú càng sớm càng tốt để trẻ được hưởng sữa non giàu dinh dưỡng của mẹ. Cơ chế tiết sữa là sinh lý vì vậy sản phụ sinh mổ vẫn có sữa như những sản phụ sinh thường. 

Chăm sóc vết thương sinh mổ: Băng kín vết mổ trong 24 giờ sau sinh, sau đó bỏ băng để vết mổ được khô ráo. Chăm sóc, sát khuẩn hàng ngày bằng dung dịch Betadine. Rút chỉ sau 1 tuần hoặc 10 ngày (nếu khâu bằng chỉ không tiêu). Hai tuần sau sinh có thể bôi kem Dematiz để chống sẹo lồi.

Chuẩn bị bữa ăn dinh dưỡng phù hợp trước khi sinh

Theo Hiệp hội sản phụ khoa Canada (SOGC) nhận định: “Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ, ăn uống một lượng nhỏ sẽ giúp thai phụ không bị mất nước và giúp bạn duy trì sức mạnh của mình”. Việc này giúp tử cung của bạn hoạt động tốt và mạnh mẽ nhất khi được cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng.

Do vậy, trước khi sinh bạn hãy cố gắng tăng cường dự trữ năng lượng trước khi bước vào ca sinh bằng cách, cứ khoảng một tiếng đồng hồ lại ăn chút đồ ăn nhẹ. Việc chuẩn bị cho mẹ một món ăn nhẹ trước khi sinh con là hoàn toàn cần thiết, việc làm này cung cấp một phần năng lượng cho các bà mẹ cho cuộc lâm bồn.

Tuy nhiên, các mẹ nên tránh các thức ăn có chất béo và khó tiêu. Vì dạ dày quá đầy có thể làm cho bạn nôn mửa khi các cơn co thắt bắt đầu gia tăng. Việc các cơn co thắt liên tục và thở nhanh trong khi sinh có thể khiến cơ thể bạn mất nhiều chất lỏng.

Trước khi sinh: Vệ sinh cho sản phụ đúng cách

Một trong số những việc quan trọng và vô cùng cần thiết mẹ cần chuẩn bị trước khi sinh đó chính là vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Những việc mẹ phải làm là tắm gội sạch sẽ, vệ sinh móng tay – móng chân, làm sạch nhũ hoa, vệ sinh vùng kín và thụt rửa hậu môn đúng cách. Nếu không vệ sinh đúng cách trước khi sinh, không chỉ mẹ cảm thấy không thoải mái mà sức khỏe của bé cũng có thể bị ảnh hưởng theo.

Sản phụ nên được tắm rửa sạch sẽ

Trao đổi cách sinh với bác sĩ đỡ đẻ 

Quá trình vượt cạn ở mỗi bà bầu diễn ra khác nhau nên tùy vào mỗi trường hợp mà bác sĩ sẽ hướng dẫn cách rặn, thở phù hợp. Trước khi sinh các mẹ có thể tham gia lớp học tiền sản trước để học về cách thở và rặn. Sau đó có thể hỏi ý kiến bác sĩ đỡ đẻ về cách mình thực hiện.

Khi bước vào quá trình lâm bồn, mẹ hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ và dựa trên kinh nghiệm mình đã từng tham khảo trước đó. Nếu có thể, nên trao đổi với bác sĩ đỡ đẻ về cách sinh nở trước khi chuyển dạ. 

Trước khi vào phòng sinh: Chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần mang đi

Đa số chúng ta đều chuẩn bị sẵn sàng cho việc vượt cạn, chính vì vậy, các vật dụng cần thiết khi nhập viện trước khi sinh là điều được nhiều thai phụ chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó.

Mẹ phải mang đầy đủ giấy tờ và hồ sơ cần thiết để phục vụ cho việc làm thủ tục nhập viện được diễn ra thuận lợi. Đồng thời việc chuẩn bị những vật dụng, tư trang cho cả bố mẹ và con phải được chuẩn bị thật chu đáo. 

Với tiêu chí không đầy nhưng phải đủ, các mẹ cần phải cân nhắc thật kỹ xem mang món nào, bỏ món nào để thật nhẹ nhàng khi vào viện. Để không phải bị động khi chuyển dạ, trước khi sinh mẹ nên chuẩn bị những nhóm đồ dùng cũng như tài chính và phương tiện đi lại từ trước ngày dự sinh. 

Những vật dụng cần thiết dành cho mẹ

Chuẩn bị kiến thức đầy đủ về việc sinh nở

Việc sinh đẻ có thể không giống như những gì trong sách mô tả hoặc những gì bạn được học trong lớp học tiền sản. Không phải bà bầu nào cũng có quá trình lâm bồn giống nhau. Trước khi sinh bé, bạn nên dành thời gian tìm hiểu các biến cố xảy ra trong quá trình sinh. Từ đó, linh hoạt ứng phó với các tình huống. Mẹ bầu nên trau dồi kiến thức nền tảng cho mình, những thông tin cơ bản giúp xoay sở và vượt cạn dễ dàng hơn.

Chuẩn bị tốt tâm lý trước khi sinh

Tâm lý lo lắng và sợ hãi là tâm lý chung của hầu hết mẹ bầu trước khi sinh, nhất là đối với những mẹ lần đầu sinh con. Toàn bộ quá trình sinh nở có thể diễn ra từ 12-18 giờ đồng hồ. Vì vậy, khi cơn co thắt bắt đầu, hãy cố gắng giữ bình tĩnh.

Nếu như mẹ lo lắng, hãy thử đếm những cơn co thắt và hít thở sâu mỗi khi cảm thấy đau. Lời khuyên của bác sĩ cho mẹ bầu sắp sinh là tập trung sự chú ý của bạn vào các việc khác như nghĩ đến việc đi du lịch, nấu nướng hay vui chơi… bất cứ những gì có thể làm bạn thư giãn và sinh con nhanh hơn.

Sản phụ hãy luôn can đảm để thực hiện thiên chức của mình, đón chào đứa con thân yêu

Hãy luôn bình tĩnh và nghĩ rằng bạn không phải là người duy nhất sinh con trên thế giới này, mọi người làm được thì mẹ cũng sẽ làm được, hãy luôn tin tưởng vào bản năng làm mẹ của mình. Hãy hít thở sâu và làm theo những lời khuyên của đội ngũ bác sĩ. Việc đặt lòng tin vào đội ngũ bác sĩ và người thân sẽ giúp mẹ có một tâm lý ổn định, thoải mái ngay trước khi sinh.

Hy vọng với những lời khuyên trước khi sinh nêu trên, các sản phụ hãy luôn can đảm để thực hiện thiên chức của mình, trở thành một bà mẹ đúng nghĩa đón chào đứa con thân yêu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top