Vì sao mẹ bầu bị đau mỏi vai gáy?
Mẹ bầu bị đau mỏi vai gáy có thể là do:
Thay đổi nội tiết trong cơ thể
Thông thường khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ trải qua sự mất cân bằng nội tiết, thay đổi nồng độ estrogen và progesteron. Khi nồng độ estrogen quá cao hoặc quá thấp sẽ gây đau đầu, cổ, vai gáy hoặc tâm trạng bị xấu đi. Nồng độ progesteron xuống quá thấp sẽ gây ra tình trạng căng thẳng, mất ngủ, trầm cảm…
Nằm bất động 1 bên quá lâu
Chị em mang thai thường bị cứng ở phần vai gáy do mẹ bầu cần ngủ nghiêng người về phía bên trái để đảm bảo quá trình đưa dinh dưỡng đến nhau thai vẫn diễn ra tốt. Ngoài ra, tư thế này còn có tác dụng giữ tử cung của mẹ tránh tiếp xúc hoặc đè lên gan. Tuy nhiên, do ngủ nghiêng về phía trái quá lâu khiến phần vai gáy của mẹ bầu bị cứng và thường xuyên đau nhức, đặc biệt là khi ngủ dậy.
Ít vận động
Trong những tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu thường bị ốm nghén, mệt mỏi. Vào những tháng tiếp theo, cân nặng thai nhi phát triển dần, khiến cơ thể mẹ nặng nề. Những yếu tố này khiến mẹ ngại vận động hoặc không muốn vận động.
Chính điều này đã làm các cơ bị co cứng, đau nhức mỏi cơ thể, đau vai gáy nhiều hơn, đặc biệt là ở những mẹ bầu ngồi làm việc văn phòng, bên máy vi tính.
Đau vai gáy khi mang thai không phải là hiếm gặp nhưng cũng không nguy hiểm tới tính mạng của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên chủ quan khi bị đau mỏi vai gáy. Chị em cần áp dụng các biện pháp phù hợp để giảm đau nhanh chóng, hiệu quả.
Giảm đau mỏi vai gáy khi mang thai như thế nào?
Tư thế nằm thoải mái
Mẹ bầu vẫn cần nằm nghiêng sang trái nhiều hơn để dinh dưỡng và oxy được cung cấp đủ cho thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể sử dụng thêm gối kê bụng bầu để giúp cơ thể không bị đau mỏi. Cần chú ý nằm giường êm, thoải mái, tránh đệm cứng, gây khó chịu và khiến tình trạng đau mỏi vai gáy nặng nề hơn.
Tư thế ngồi đúng
Dành quá nhiều thời gian để ngồi làm việc hoặc đọc sách sẽ khiến mẹ bầu bị đau mỏi lưng, vai gáy. Vì thế nếu cần phải ngồi làm việc thì mẹ bầu cần chon tư thế ngồi đúng và thoải mái nhất.
Bí quyết là thai phụ có thể dùng 2 chiếc gối nhỏ hoặc 1 chiếc gối lớn để lót phần lưng và vai gáy. Khi ngồi, phụ nữ mang thai cần tránh ngửa cổ ra phía sau hoặc cúi gầm cổ quá lâu. Tốt nhất, mẹ bầu nên giữ lưng và cổ thẳng khi ngồi.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai không nên làm việc liên tục mà nên dành một khoảng thời gian ngắn để nghỉ giữa giờ.
Thư giãn và tập thể dục nhẹ nhàng
Mẹ bầu cần tích cực nghỉ ngơi, tránh để tâm lý bị căng thẳng, mệt mỏi, buồn phiền trong giai đoạn mang thai. Điều này không chỉ làm dịu cơn đau mỏi vai gáy mà còn giúp các mẹ dễ ngủ hơn đặc biệt là vào ban đêm.
Mẹ bầu có thể áp dụng những động tác massage nhẹ nhàng vào vùng vai gáy. Đồng thời thực hiện một số bài tập thể thao đơn giản như yoga, bơi lội, đi bộ… cũng giúp cải thiện tình trạng đau nhức vai gáy hiệu quả.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong thời kỳ mang thai rất quan trọng. Nếu thường xuyên đau ở vai gáy hoặc ở những vị trí khác như gối, thắt lưng, bàn chân… mẹ nên bổ sung những thực phẩm chứa nhiều vitamin E, K, C… Những thực phẩm này có thể giúp thai nhi khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng và giảm đau mỏi tự nhiên.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh