1. Áp-xe quanh amidan có nguy hiểm không?
Amidan nằm ngay cửa ngõ đường hô hấp và đường tiêu hóa, có chức năng miễn dịch quan trọng. Khi amidan vị viêm tái phát nhiều lần trở thành ổ nhiễm khuẩn amidan. Và áp-xe quanh amidan là một biến chứng tại chỗ do viêm amidan nếu không được điều trị kịp thời.
Áp-xe amidan thường do biến chứng của amidan cấp, amidan mạn hồi viêm, một vài trường hợp là do biến chứng của răng khôn hàm dưới.
Thông thường khi bị áp-xe quanh amidan, người bệnh sẽ có những triệu chứng sốt cao 38-39 độ C, mạch nhanh, người mệt mỏi, nước tiểu ít, sẫm màu. Đau họng một bên dữ dội, đau nhói lên tai, khi nuốt đau nhiều hơn nên bệnh nhân không dám nuốt, nước dãi chảy nhiều, có thể thấy đau nhức vùng góc hàm. Há miệng khó khăn, tiếng nói lúng búng, hơi thở hôi…Nếu không được phát hiện sớm, khối áp-xe sẽ lan ra vùng cơ cắn gây hiện tượng khít hàm, kèm theo là khó thở do khối áp-xe lấp kín họng miệng…
Áp-xe amidan rất nguy hiểm bởi nếu không điều trị kịp thời áp-xe sẽ tự vỡ ở chỗ phồng nhất, đôi khi vết tự vỡ không đủ rộng, cho nên mủ dẫn ra không triệt để, bệnh kéo dài. Áp-xe quanh amidan tái phát và gây những biến chứng phù nề thanh quản, gây hạch góc hàm, áp-xe thành bên họng, tổn thương thành động mạch cảnh trong, nhiễm khuẩn huyết.
2. Cách điều trị áp-xe quanh amidan
Để điều trị áp-xe quanh amidan hiệu quả, người bệnh cần tới các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng. Tùy vào từng giai đoạn và triệu chứng bệnh áp-xe quanh amidan mà có phương pháp điều trị phù hợp.
Giai đoạn viêm tấy quanh amidan chỉ cần sử dụng kháng sinh, chống viêm, hạ sốt, giảm đau theo đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ.
Khi bị áp-xe quanh amidan có mủ thì có thể áp dụng các phương pháp điều trị như:
Chích rạch khối áp-xe dẫn lưu mủ, giữ cho vết rạch luôn mở khoảng 3 ngày.
Điều trị nội khoa bằng kháng sinh tiêm hay truyền tĩnh mạch, chống cả vi khuẩn hiếu khí và kị khí kết hợp dùng thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt.
Phẫu thuật cắt amidan
Áp-xe quanh amidan là biến chứng thường gặp khi bị viêm amidan không điều trị triệt để, kịp thời. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để loại bỏ sớm bệnh, ngăn ngừa viêm amidan tái phát.
Cách phòng tránh áp-xe quanh amidan chủ yếu là ngừa viêm họng, amidan và phòng biến chứng răng khôn. Khi phát hiện bị viêm cần điều trị sớm và triệt để.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh