✴️ Bí quyết phòng bệnh tai mũi họng mùa lạnh

Bệnh tai mũi họng gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác

Không chỉ gây ảnh hưởng tại vùng viêm nhiễm, các bệnh lý tai mũi họng không được điều trị đúng cách còn có thể dẫn đến biến chứng ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như:

  • Viêm mũi họng xuất tiết nhầy mủ, bệnh nhân thường xuyên nuốt dịch tiết nhiễm trùng xuống bao tử gây rối loạn tiêu hóa.
  • Hội chứng trào ngược thực quản – dạ dày có thể gây ra viêm họng, mũi do trào ngược.
  • Nhiễm trùng nặng ở tai, mũi có thể gây biến chứng viêm màng não, áp−xe não, nhiễm trùng huyết…

Bệnh tai mũi họng nếu không được điều trị đúng cách bệnh sẽ tiến triển gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể

Bệnh tai mũi họng nếu không được điều trị đúng cách bệnh sẽ tiến triển gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể

  • Bệnh viêm mũi xoang mạn, nhất là viêm mũi dị ứng, có thể làm nặng thêm bệnh suyễn và ngược lại.
  • Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra ở bệnh nhân viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng…
  • Viêm amidan mạn do vi khuẩn streptococcus có thể gây viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp.

 

5 bí quyết phòng bệnh tai mũi họng mùa lạnh

1. Giữ ấm cơ thể cho trẻ

Một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc các bệnh lý về Tai Mũi Họng là bị nhiễm lạnh, vì vậy để trẻ không bị cảm lạnh khi thời tiết thay đổi đột ngột bạn nên giữ ấm cho con, trang bị đầy đủ quần áo, khăn choàng ấm, bịt khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ cha mẹ cần chú ý theo dõi thân nhiệt của trẻ, không mặc quá phong phanh nhưng cũng không mặc quá ấm sẽ khiến trẻ toát mồ hôi và nhiễm lạnh trở lại. Các mẹ cũng có thể xoa thêm dầu để giữ ấm cơ thể cho trẻ tốt hơn và đề phòng các bệnh Tai Mũi Họng thường gặp.

 

2. Dinh dưỡng đầy đủ

Lựa chọn chế độ dinh dưỡng đầy đủ để phòng ngừa bệnh tai mũi họng

Lựa chọn chế độ dinh dưỡng đầy đủ để phòng ngừa bệnh tai mũi họng

Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bên cạnh chất đạm cần bổ sung thêm nhiều loại rau củ quả, các loại cam, quýt để bổ sung vitamin C cho bé. Việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Cha mẹ cũng nên chú ý, tuyệt đối không cho con uống nước lạnh, nước đá để tránh viêm họng.

 

3. Giữ vệ sinh tốt

Một trong những cách phòng bệnh Tai Mũi Họng là cần giữ vệ sinh môi trường xung quanh thật tốt đặc biệt là trẻ nhỏ. Hệ hô hấp của trẻ còn non yếu nên các tác nhân bên ngoài như khói bụi, khói thuốc, môi trường ô nhiễm tại đường phố, công trường xây dựng… sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về Tai Mũi Họng. Vì vậy để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tai mũi họng, bạn cần chủ động bảo vệ cơ thể tránh xa những tác nhân gây bệnh, đeo khẩu trang sạch, đúng cách khi ra ngoài.

Đặc biệt ngay cả môi trường sống cũng cần phải giữ sạch sẽ. Bạn đừng quên vệ sinh nơi ở, nhà cửa, phòng ngủ để hạn chế tối đa bụi bẩn, ô nhiễm xung quanh bạn và con.

 

 4. Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng

Vệ sinh Tai Mũi Họng cho trẻ sẽ giúp ngăn ngừa và hạn chế các tác nhân gây bệnh. Vì vậy hãy rèn luyện cho trẻ thói quen tự giác đánh răng, rửa mặt, súc miệng sạch sẽ ít nhất 2 lần/ngày. Bạn cũng có thể dùng nước muối sinh lí hàng ngày để vệ sinh mũi cho trẻ… vì các bệnh lý về mũi chính là khởi nguồn của bệnh viêm họng hay viêm tai.

 

 5. Điều trị dứt điểm bệnh Tai Mũi Họng

Khi trẻ mắc bệnh bạn nên điều trị dứt điểm cho bé để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực tế không ít mẹ thường chủ quan và xót con khi thấy con sử dụng thuốc kháng sinh nên khi con đỡ thì ngưng ngay thuốc mà không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, trong khi tác nhân gây bệnh vẫn còn khu trú bên trong khiến trẻ rất dễ phát bệnh trở lại. Và lời khuyên chân thành dành cho các mẹ là tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc cho con, khi trẻ chớm có dấu hiệu cần đưa con đến bệnh viện thăm khám, vì đôi khi cùng một triệu chứng nhưng nó lại là nhiều bệnh khác nhau.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top