Viêm xoang trán có thể nói là một trong những dạng xoang khá phổ biến. Bệnh thường có xu hướng kéo dài dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Vậy nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách điều trị viêm xoang trán như thế nào, cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có thể hình dung chi tiết về bệnh nhé!
Xoang trán bao gồm hai khoang nhỏ nằm ngay trên ổ mắt, tương đương với vị trí ở vùng mày, thông thường, xoang trán sẽ tiết ra một ít chất nhầy chảy qua đường mũi để làm ẩm đường mũi. Hiện tượng dịch nhầy không thoát được ra ngoài và bị tắc ở trong xoang gây áp lực quanh vùng mắt và trán thì gọi là viêm xoang trán.
Nhìn chung, viêm xoang trán dễ phát sinh khi thời tiết lạnh hoặc khô hanh, đặc biệt là vào mùa thu đông. Bên cạnh đó, những người dễ bị dị ứng cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Dựa theo mức độ tiến triển của bệnh, viêm xoang trán được chia làm 2 dạng đó là viêm xoang trán cấp tính và viêm xoang trán mạn tính, cụ thể:
– Viêm xoang trán cấp tính: Các triệu chứng kéo dài trong khoảng dưới 6 tuần. Ở giai đoạn này, dịch tiết hô hấp thường có màu sắc lạ, kèm theo đó là các triệu chứng nghẹt mũi, đau nhức tại vùng trán.
– Viêm xoang trán mạn tính: Các triệu chứng kéo dài trong khoảng hơn 6 tuần, đồng thời bệnh cũng có xu hướng tái phát nhiều lần trong năm. Một số triệu chứng phổ biến là nghẹt mũi, ngoài ra ở người bệnh cũng có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng khác như đau nhức hốc mắt hoặc sưng phồng ở vùng trán và thái dương.
Dấu hiệu phổ biến nhất của viêm xoang trán đó là đau nhức ở quanh vùng mắt hoặc trán. Cơn đau thường xuất hiện ở các vị trí trên vùng ổ mắt hoặc đau nhức lan dọc 2 bên cung lông mày. Người bệnh có thể bị đau cả 2 bên hoặc chỉ bị đau 1 bên, ngoài ra, cơn đau cũng có xu hướng tăng dần từ sáng đến giữa trưa.
Bên cạnh đó, ở người bệnh cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho liên tục, khứu giác suy giảm, khi thở ra có mùi hôi khó chịu, sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 38,5 độ C, mệt mỏi, khó chịu, đau nhức khắp cơ thể.
Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh mà có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Nếu tác nhân chính gây bệnh là virus thì thông thường người bệnh sẽ có các triệu chứng mệt mỏi, sốt đau nhức khắp cơ thể. Ở trường hợp viêm xoang do nhiễm vi khuẩn, các triệu chứng là tương đương nhưng có xu hướng nặng hơn.
Nếu các triệu chứng kéo dài liên tục mà không được cải thiện trong vòng hơn vài tháng thì viêm xoang trán có thể là hậu quả của các bất thường giải phẫu như lệch vách ngăn hoặc polyp mũi.
Trên thực tế, bản chất của viêm xoang trán vốn là tình trạng nhiễm trùng do nhiễm vi sinh vật từ đường thở xâm nhập vào. Viêm nhiễm có thể gây tổn thương đến niêm mạc, đồng thời gây tích tụ dịch mủ nên cần phải được điều trị sớm. Do đó, mục tiêu chủ chốt trong điều trị viêm xoang trán đó là làm sạch dịch mủ ở trong hốc xoang, giảm phù nề, giảm viêm để xoang được thông thoáng.
Bên cạnh đó cũng cần áp dụng các phương pháp điều trị nhiễm trùng để phục hồi niêm mạc xoang, tránh tình trạng xoang lan rộng gây ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận. Tùy vào từng trường hợp cũng như tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể, các cách điều trị viêm xoang trán phổ biến hiện nay bao gồm:
Điều trị nội khoa chủ yếu là sử dụng thuốc để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, tùy thuộc vào các tác nhân như virus, vi khuẩn hay dị ứng mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định sử dụng thuốc khác nhau.
Phương hướng điều trị cụ thể bao gồm:
– Viêm xoang trán cấp tính do tác nhân là virus gây ra có thể sẽ tự khỏi trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Bên cạnh đó, để cải thiện các triệu chứng thì bệnh nhân cần uống nhiều nước và sử dụng thuốc xịt mũi để thông mũi.
– Viêm xoang trán do tác nhân vi khuẩn gây ra, ngoài biện pháp làm giảm triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc kháng sinh.
– Viêm xoang trán do tác nhân dị ứng thì việc đầu tiên người bệnh cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, bên cạnh đó, bác sĩ có thể kết hợp sử dụng thuốc kháng histamin hoặc liệu pháp giải mẫn cảm để điều trị.
Một số loại thuốc thông mũi thường được sử dụng trong điều trị viêm xoang trán có thể kể đến: Thuốc kháng histamin, thuốc kháng sinh, thuốc corticosteroid hoặc một số loại thuốc thông mũi dạng hít hoặc xịt… Thuốc điều trị thường có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng, tuy nhiên người bệnh nên lưu ý đây chỉ là biện pháp tạm thời, ngoài ra khi dùng quá liều cũng có thể gây ra tác dụng phụ làm hoa mắt, đau đầu, lo lắng bồn chồn, tăng nhịp tim hoặc mất ngủ nghiêm trọng. Chính vì vậy, khi sử dụng thì người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Điều trị ngoại khoa được áp dụng trong trường hợp khi đã thử phương pháp điều trị nội khoa mà không đem lại hiệu quả. Lúc này, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định phẫu thuật nhằm ngăn ngừa các biến chứng gây nguy hiểm tới tính mạng.
Bên cạnh đó, một số trường hợp viêm xoang trán có liên quan đến các bất thường giải phẫu như: Lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, hoặc viêm xoang cấp tính tái đi tái lại khoảng 3,4 lần trong 1 năm cũng có thể cân nhắc phẫu thuật để điều trị.
Nhằm nâng cao kết quả điều trị bệnh viêm trán, người bệnh có thể kết hợp áp dụng thêm một số phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà như:
– Bổ sung thêm các loại thực phẩm: Mật ong, gừng, tỏi, chanh… có tác dụng tốt cho giảm viêm, hỗ trợ kháng khuẩn hiệu quả và nhanh chóng.
– Tăng cường uống nhiều nước bởi nước giúp loãng dịch tích tụ ở trong xoang, từ đó giảm tình trạng dịch bị ứ đọng, người bệnh cũng sẽ dễ thở hơn.
– Không sử dụng các chất có cồn hoặc chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
– Xúc miệng, thông rửa mũi xoang thường xuyên để làm sạch dịch viêm, các chất nhầy hoặc các tác nhân gây dị ứng ở trong xoang.
Trên đây là những thông tin cần thiết về cách điều trị viêm xoang trán. Trên thực tế, viêm xoang trán là loại viêm xoang dễ dẫn tới biến chứng nội sọ nhất. Chính vì vậy, mỗi chúng ta nên trang bị những kiến thức về bệnh để có thể chủ động phòng ngừa từ sớm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh