Viêm tai giữa là một trong những bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, theo thống kê của y tế thì bệnh viêm tai giữa chỉ đứng sau bệnh viêm đường hô hấp; đây cũng là chứng bệnh khiến bố mẹ lo lắng khi con mình gặp phải. Bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng không đáng có.
1. Cấu tạo tai giữa
Tai giữa có cấu tạo chỉ to bằng hạt đậu ở phía sau màng nhĩ, gồm 3 xương rất nhỏ truyền rung động từ màng nhĩ vào tai trong, chuyển đổi thành xung động thần kinh giúp ta nghe được. Tai giữa được nối với mũi và họng bởi vòi nhĩ. Viêm tai giữa chỉ tình trạng viêm nhiễm ở bộ phận tai giữa, bệnh có thể bị do sự thay đổi của thời tiết, thay đổi môi trường, yếu tố dị ứng, khói thuốc lá… hoặc có thể là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nhiễm…
2. Dấu hiệu trẻ bị viêm tai giữa
Dấu hiệu nào cho thấy trẻ có khả năng bị viêm tai giữa, những triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp như ho, chảy mũi, nghẹt mũi… cũng là những dấu hiệu báo trước về viêm tai giữa. Đối với những trẻ nhỏ chưa biết nói, thì cần lưu ý một số biểu hiện sau để đưa trẻ đi khám kịp thời: trẻ quấy khóc dữ dội khi ở tư thế nằm xuống, hoặc nghiêng về phía lỗ tai bị bệnh, tay hay đưa lên phía tai bị đau…
Tùy từng trường hợp cụ thể nặng hay nhẹ bác sĩ sẽ có cách chữa viêm tai giữa cho trẻ phù hợp nhất. Đây là bệnh dễ điều trị nhưng khả năng tái phát là rất cao. Theo con số thống kê được thì có khoảng 1/3 số trẻ mắc bệnh sau chữa trị sẽ có ít nhất 6 lần tái bệnh trong vòng 7 năm (tương đương với gần 1 lần/năm). Do vậy, các nhà chuyên môn khuyên rằng, khi trẻ đã một lần mắc bệnh, thì sau khi điều trị đã ổn định, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tái khám định kỳ thường xuyên (4 – 6 tháng/lần), nhất là trẻ có giảm thính lực, chậm nói. Ở trẻ viêm tai giữa mạn tính, cần kiểm tra thính lực; cần chữa trị sớm những khi trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh