✴️ Chiến lược tầm soát ung thư đại trực tràng (P2)

Nội dung

Xem lại: Tầm soát ung thư đại trực tràng (P1)

Tầm soát với nội soi đại tràng sigma (sigmoidoscopy)

Nội soi đại tràng sigma là gì?

Đại tràng sigma là phần cuối cùng của khung đại tràng được nối vào trực tràng.

Ống nội soi đại tràng sigma là một ống nhỏ mềm, kích thước cỡ một cây bút, với một nguồn ánh sáng kèm theo. Bác sĩ sẽ đưa ống soi vào hậu môn và đẩy nó từ từ qua trực tràng đến đại tràng sigma và phần dưới của đại tràng xuống. Điều này cho phép các bác sĩ quan sát niêm mạc trực tràng, đại tràng sigma và phần dưới của đại tràng xuống. Thủ thuật này tương tự như nội soi khung đại tràng, thường không gây đau nhưng nó có thể gây khó chịu một chút. Tuy nhiên, nội soi khung đại tràng là một thủ thuật phức tạp hơn sử dụng một ống mềm và dài để kiểm tra toàn bộ khung đại tràng và thường đòi hỏi sử dụng thuốc an thần. Không giống như nội soi khung đại tràng, nội soi đại tràng sigma có thể được thực hiện dễ dàng mà không cần thuốc an thần.

Tầm soát với nội soi đại tràng sigma là gì?

Nội soi đại tràng sigma đã được đề nghị như một thủ thuật thực hiện thường quy cho tất cả những người lớn tuổi. Điều này là do hầu hết các polyp đại tràng và ung thư đại trực tràng đều phát triển trong trực tràng, đại tràng sigma hoặc phần dưới của đại tràng xuống. Polyp đại tràng thường là những u nhỏ lành tính (không phải ung thư) trên lớp niêm mạc bên trong của đại tràng hoặc trực tràng. Chúng thường gặp ở người lớn tuổi. Chúng thường không gây bất cứ triệu chứng hoặc vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu phát hiện ra polyp nên cắt bỏ chúng. Bởi vì có một nguy cơ nhỏ cho một polyp đại trực tràng phát triển thành ung thư sau nhiều năm.

Xét nghiệm tầm soát cho những người trẻ tuổi có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao

Một số người có nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng cao hơn người bình thường. Điều này có thể do họ có một số bệnh làm tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cũng có tính chất gia đình. Vì vậy, một số người có nguy cơ cao được làm xét nghiệm tầm soát thường xuyên ngay từ khi còn trẻ. Những người trẻ cần được tầm soát bao gồm:

  • Những người có bệnh di truyền nhất định, trong đó bao gồm đa polyp tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis – FAP), ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (hereditary non-polyposis colorectal cancer – HNPCC) và một số hội chứng khác như hội chứng Peutz – Jeghers và hội chứng đa polyp vị thành niên (juvenile polyposis syndrome). Những bệnh này thường rất hiếm.
  • Người thân của những người có đa polyp tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis – FAP) hoặc ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (hereditary non-polyposis colorectal cancer – HNPCC).
  • Người có mối quan hệ huyết thống (cha, mẹ, anh chị em, con cái) của những người đã bị ung thư đại trực tràng, đặc biệt, nếu ung thư phát triển ở người bệnh vào độ tuổi dưới 45 năm.
  • Những người có viêm loét đại trực tràng hoặc bệnh Crohn.
  • Những người có bệnh to đầu chi (acromegaly).
  • Những người có tiền sử cắt polyp đại trực tràng.
  • Những người có tiền sử ung thư đại trực tràng.

Tuổi bắt đầu tầm soát, loại xét nghiệm và số lần thực hiện tùy thuộc vào mức độ tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Các bệnh khác nhau và các yếu tố gia đình đã được đề cập ở trên có mức độ nguy cơ khác nhau. Các xét nghiệm có thể bao gồm nội soi đại tràng thường quy hoặc một vài khảo sát chụp hình đặc biệt. Nếu bạn có bệnh hoặc tiền sử gia đình gây tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng, bác sĩ của bạn sẽ đề nghị về loại xét nghiệm và số lần lặp lại của chúng.

Xem thêm: Nội soi đại tràng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top