Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm trong cổ họng bị kích thích và sưng lên. Nó tồn tại trong thời gian ngắn được gọi là viêm thanh quản cấp tính. Nguyên nhân chủ yếu là do virus, thường là sau khi bị cảm lạnh, cảm cúm.
Bên cạnh đó, viêm thanh quản cũng xảy ra ở đối tượng thuộc ngành nghề có tính chất phải nói nhiều. Việc sử dụng thanh quản quá mức, nói nhiều, thậm chí là la hét có thể gây tổn thương dây thanh. Điển hình là: giáo viên, MC, nhân viên bán hàng, phát thanh viên,…
Yếu tố môi trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến viêm thanh quản. Nồng độ bụi dày đặc hay vô tình hít phải hóa chất tại nơi làm việc là cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và gây tổn thương cho vùng họng
Khi bị viêm thanh quản cấp, rất dễ nhận biết thông qua một số biểu hiện lâm sàng sau:
– Cổ họng ngứa rát, có cảm giác đau
– Ho khan
– Cổ họng luôn trong tình trạng khô, nuốt khó
– Giọng nói bắt đầu trở nên khàn, yếu ớt và có thể mất tiếng nếu để lâu dài
– Kèm theo sốt, kén ăn và cơ thể mệt mỏi rõ rệt
Ở trẻ em, biểu hiện viêm thanh quản cấp có phần nguy hiểm hơn do kích thước đường thở chỉ bằng ⅓ của người lớn. Do đó hiện tượng phù nề có thể gây ra tình trạng khó thở nặng.
Tuy viêm thanh quản cấp là tình trạng không quá nghiêm trọng nhưng vẫn cần được lưu ý khi chăm sóc tại nhà. Nếu cẩn trọng và chăm sóc đúng cách thì có thể cải thiện được triệu chứng nhanh chóng. Đây được đánh giá là cách điều trị đơn giản, dễ thực hiện.
– Hạn chế nói trong thời gian dài, giữ cho cổ họng được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
– Giữ ấm vùng cổ họng vào mùa lạnh. Nên quàng thêm khăn khi đi đường.
– Vào mùa hè, hạn chế ở trong phòng điều hòa quá lâu. Nên duy trì nhiệt độ ở mức mát, không để nhiệt độ quá thấp.
– Uống nhiều nước trong ngày để đảm bảo cổ họng không bị khô. Có thể pha mật ong với chanh nhằm giúp giảm sưng tấy thanh quản và tăng đề kháng cho cơ thể.
– Vệ sinh cổ họng 2 lần/ngày bằng nước muối loãng. Cách này giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi khu vực cổ họng và khoang miệng.
Trong quá trình theo dõi, nếu thấy tình trạng viêm thanh quản cấp trở nên nặng hơn thì cần kiểm tra với bác sĩ chuyên khoa. Bằng việc lắng nghe giọng nói và quan sát cổ họng, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ viêm của dây thanh quản. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi thanh quản và sinh thiết. Từ đó chỉ định thuốc phù hợp với người bệnh để giảm bớt tình trạng viêm.
– Thuốc kháng sinh: nhằm ức chế sự phát triển vi khuẩn gây nên viêm thanh quản mạn tính
– Thuốc chống viêm: có khả năng giảm bớt mức độ viêm dây thanh quản. Tuy nhiên liều lượng sẽ chỉ được chỉ định khi thực sự cần thiết.
– Thuốc ngậm giúp làm dịu cơn đau, đem lại cảm giác thoải mái cho người bệnh
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu chủ động phòng ngừa ngay từ đầu thì bệnh sẽ không có cơ hội tìm đến và hoành hành. Từ đó sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng và chất lượng cuộc sống cũng được đảm bảo hơn. Do đó, dù là người già hay trẻ nhỏ, nam hay nữ thì cũng cần nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống viêm thanh quản cấp ngay trong đời sống thường ngày. Một số cách phòng ngừa viêm thanh quản cấp hiệu quả đó là:
– Không sử dụng các chất kích thích và đồ có cồn như thuốc lá, bia, rượu,..
– Tập thói quen uống nhiều nước trong ngày
– Hạn chế ăn thức ăn cay, nóng bởi dễ gây kích ứng cổ họng
– Rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với người bị cảm cúm
Trên đây là thông tin về cách điều trị viêm thanh quản cấp an toàn và hiệu quả bạn có thể tham khảo. Tuy là vấn đề sức khỏe thông thường nhưng không thể chủ quan ngay từ ban đầu. Nếu bệnh có những dấu hiệu nặng hơn thì cần đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ để biết được nguyên nhân và nhận phác đồ điều trị phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh