Bệnh nhiệt miệng không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe thể chất nhưng lại khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, gây phiền nhiễu tới quá trình sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ xuất hiện tại vùng môi, lưỡi, nhiệt miệng còn có thể xuất hiện tại niêm mạc má trong. Vậy nhiệt miệng ở má trong có đặc điểm gì, những vấn đề cần lưu ý trong điều trị bệnh thế nào… Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Hiểu biết cơ bản về bệnh nhiệt miệng
Nhiệt miệng (loét miệng, lở miệng, loét áp tơ) là những vết loét nông, thường có kích thước nhỏ ở niêm mạc khoang miệng như môi, má trong, lưỡi, nướu. Các vết loét miệng ban đầu có màu trắng đục, sau đó chuyển sang vàng, xung quanh vết loét thường sưng đỏ.
Đây là một triệu chứng khá phổ biến, gần như ai cũng trải qua ít nhất một lần trong đời. Bệnh có thể tự khỏi trong khoảng 2 tuần ngay cả khi chúng ta không sử dụng các biện pháp điều trị. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vết loét diễn tiến nặng, bệnh có thể sẽ kèm theo nhiều biểu hiện khác như:
– Vết loét mở rộng kích thước, có lan sang các khu vực xung quanh
– Sốt cao.
– Sưng hạch bạch huyết.
Trong trường hợp nhiệt miệng chuyển biến nặng hơn, gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày hoặc tình trạng loét miệng liên tục lặp lại ở cùng 1 vị trí, bạn nên tìm tới các cơ sở y tế để khám và điều trị dứt điểm. Lưu ý, có một số ít trường hợp nhiệt miệng là biểu hiện của ung thư lưỡi hoặc ung thư vòm họng. Vì vậy chúng ta không nên chủ quan khi gặp những biểu hiện bất thường nói trên, thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn chẩn đoán bệnh chính xác và kịp thời.
2. Các vấn đề xung quanh chứng nhiệt miệng ở má trong
Vết loét ở vị trí má trong không thường gặp như các vị trí môi, lưỡi. Doi đó, khi gặp phải tình trạng này, nhiều người thường đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân, cách điều trị, lo ngại bệnh lý nghiêm trọng hơn so với nhiệt miệng ở các vị trí khác…
2.1. Nguyên nhân gây ra nhiệt miệng ở má trong
Các chuyên gia y tế vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra nhiệt miệng. Tuy vậy, vẫn có một số phỏng đoán về các tác nhân gây ra nhiệt miệng:
– Chế độ ăn thiếu vitamin B12, kẽm, axit folic…
– Sử dụng kem đánh răng, nước vệ sinh miệng có chứa natri lauryl sulfate gây dị ứng
– Nhạy cảm với một số thực phẩm.
– Dị ứng với một số loại vi khuẩn trong miệng.
– Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai hay có kinh nguyệt.
– Căng thẳng kéo dài.
– Thực hiện thủ thuật nha khoa, đánh răng quá mạnh, tai nạn thể thao, răng cắn phải các mô niêm mạc khu vực khoang miệng… Đặc biệt, nguyên nhân này thường gây ra loét miệng ở má trong nhiều hơn so với các vị trí khác.
2.2. Nhiệt miệng ở má trong có khó điều trị không?
Cũng như nhiệt miệng tại nhiều vị trí khác, vết loét tại má trong cũng thường chỉ kéo dài không quá 2 tuần và thường thì tự khỏi. Khi phải can thiệp điều trị y tế, nguyên tắc cơ bản là hạn chế tác nhân gây bệnh. Ngoài ra bạn có thể làm giảm đau và hạn chế tình trạng viêm loét miệng bằng cách sau đây:
– Tránh ăn uống khi đồ còn quá nóng và hạn chế các thực phẩm cay, mặn.
– Sử dụng thuốc giảm đau (việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể gây nhiều tác dụng phụ, bạn chỉ nên sử dụng khi cảm thấy thực sự khó chịu và bệnh ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt).
– Sử dụng nước súc miệng chứa thành phần steroid dexamethasone để giảm đau, kháng viêm.
– Dùng thuốc bôi nhiệt miệng để giảm cảm giác đau, đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét.
– Bổ sung các chất dinh dưỡng như axit folic, vitamin B6, B12 hoặc kẽm…
Trường hợp bạn bị nhiệt miệng do thực hiện các thủ thuật nha khoa như niềng răng, bạn nên trao đổi với bác sĩ nha khoa để có biện pháp hạn chế sự cọ xát của mắc cài với niêm mạc miệng. Thông thường, bạn sẽ được chỉ định sử dụng sáp nha khoa để bọc kín các mắc cài, giảm sự tiếp xúc có thể gây viêm loét miệng.
3. Cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm dễ bị nhầm lẫn với nhiệt miệng
Vì là một bệnh lý lành tính, dễ khỏi nên nhiều người thường chủ quan với những triệu chứng tương tự như nhiệt miệng, ngay cả khi bệnh liên tục lặp đi lặp lại không rõ nguyên nhân. Những vết loét miệng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Vì thế, nếu vết loét kéo dài hơn 2 tuần, thậm chí đau âm ỉ hơn 1 tháng thì bạn nên đi kiểm tra ngay.
Dưới đây là 3 kiểu tổn thương loét miệng đáng báo động mà bạn không nên chủ quan khi gặp phải.
– Vết loét miệng lâu lành, ngày càng mở rộng, có thể lan sang các khu vực khác.
– Có triệu chứng loét miệng nhưng lại cảm thấy đau không rõ nguyên nhân ở những vùng xung quanh.
– Cơn đau giảm dần, phần loét bị cứng lại.
Để tránh rơi vào tình trạng nhầm lẫn giữa ung thư và nhiệt miệng thông thường, bạn hãy chú ý kỹ đến những biểu hiện bất thường nêu trên để có thể xử trí kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh để hạn chế tình trạng nhiệt miệng xuất hiện.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh