Khản tiếng và mất tiếng là biểu hiện các vấn đề của dây thanh âm ở thanh quản. Để phục hồi nhanh chóng tình trạng này cần nắm bắt được nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử trí khịp thời.
Viêm thanh quản
Viêm thanh quản thường bị gây ra bởi một số loại virus, ít khi do vi khuẩn. Vì vậy, viêm thanh quản thường không đáp ứng được với thuốc kháng sinh. Bệnh có thể tự hồi phục trong vòng 2 tuần, tuy nhiên, bạn cần khắc phục nhanh các triệu chứng này bằng những cách như: cho dây thanh nghỉ ngơi; hạn chế nói nhiều, tránh nói to và nên uống nhiều nước ấm.
Viêm thanh quản mạn tính
Viêm thanh quản mạn tính gây mất tiếng hoặc khản tiếng kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Bệnh thường do một số nguyên nhân như:
– Viêm xoang mạn tính.
– Nhiễm trùng nấm men, đặc biệt là với những người sử dụng thuốc xịt hen suyễn, người được hóa trị, hoặc những người suy yếu hệ thống miễn dịch.
– Hút thuốc.
– Uống nhiều rượu.
– Thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất.
Axit trào ngược có thể gây tổn thương thanh quản, dẫn đến tình trạng khản tiếng và mất giọng. Khi ngủ vào ban đêm, các axit từ dạ dày tràn vào thực quản, có thể ảnh hưởng đến các dây thanh âm. Biện pháp khắc phục tốt nhất tình trạng mất tiếng/khản tiếng là điều trị triệt để trào ngược axit dạ dày-thực quản. Bên cạnh đó, bạn không nên ăn trước khi đi ngủ và cần tới gặp bác sĩ để được tư vấn về các loại thuốc chống trào ngược axit.
Lạm dụng giọng nói
Mất giọng và khản tiếng liên quan đến việc lạm dụng giọng nói, phổ biến nhất là những người làm nghề nói nhiều chẳng hạn như ca sĩ, giáo viên, dẫn chương trình, phát thanh viên…. Lạm dụng giọng nói có thể dẫn đến u nang dây thanh hoặc xuất huyết dây thanh âm. Đây cũng có thể là 2 nguyên nhân dẫn đến mất tiếng hoặc khản tiếng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh