Polyp mũi là tình trạng xảy ra ở lớp niêm mạc mũi và các xoang, là 4 khoang trống trên và sau mũi. Tuy nhiên polyp mũi thường không được xem là bệnh lý. Chính xác hơn, đây là hậu quả của phản ứng viêm gây ra do viêm nhiễm vi khuẩn hoặc virus, do dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể khi chống lại các vi nấm. Tình trạng viêm mãn tính làm tăng tính thấm của các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang, gây tích tụ nước bên trong các tế bào. Theo thời gian, dưới tác động của trọng lực, các mô ứ nước này bị kéo xuống dưới, hình thành nên các polyp.
Vì thế, Polyp mũi thường liên quan đến các bệnh lý về mũi kéo dài như: dị ứng, hen suyễn, bệnh xơ nang, viêm mũi xoang,… Những khối Polyp mũi mềm, thường không gây đau và ít gây triệu chứng. Tuy nhiên nếu nằm ở 1 số vị trí nguy hiểm, số lượng nhiều hoặc kích thước lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Những người bị Polyp mũi có triệu chứng thường khá giống với viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang mãn như: thay đổi khứu giác, chảy nước mũi liên tục, khó thở,… Đôi khi, Polyp mũi gây ra những cơn đau nhức âm ỉ, ngáy ở 1 số bệnh nhân. Polyp mũi lớn thậm chí có thể gây biến đổi hình dạng khuôn mặt song tình trạng này khá hiếm gặp.
Polyp mũi có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào, song thường gặp nhất là những người trên 40 tuổi mắc bệnh lý hô hấp mãn tính hoặc trẻ nhỏ có sức đề kháng kém. Quyết định có điều trị hay không cũng như điều trị Polyp mũi bằng phương pháp nào còn dựa vào nhiều yếu tố như: số lượng, vị trí polyp, kích thước, tình hình sức khỏe của người bệnh.
Kể cả khi đã điều trị Polyp mũi bằng phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn, tình trạng này vẫn có thể tái phát và cần tiếp tục điều trị.
Polyp mũi cần điều trị khi nó là nguyên nhân gây ra tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi, suy giảm khứu giác và các triệu chứng hô hấp khác. Đặc điểm của bệnh hô hấp có liên quan đến Polyp mũi là rất khó điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Chỉ định phẫu thuật cắt Polyp mũi khi kích thước của polyp quá lớn, các loại thuốc điều trị không đạt hiệu quả như mong đợi. Với bệnh nhân bị xơ nang phổi, nếu xuất hiện Polyp mũi kháng với corticoides thì phẫu thuật cắt bỏ là biện pháp duy nhất.
Hiện nay có 2 phương pháp phẫu thuật chính là cắt Polyp trực tiếp và nội soi xoang, phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân khác nhau có số lượng, kích thước, vị trí Polyp mũi khác nhau.
Cắt Polyp mũi
Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ cơ học nhỏ để hút hoặc máy vi cắt lọc để loại bỏ Polyp mũi dễ dàng. Cắt Polyp mũi hiệu quả và nhanh chóng với những bệnh nhân có polyp nhỏ, nằm đơn độc.
Kỹ thuật cắt Polyp mũi khá đơn giản, song sau đó bệnh nhân cần điều trị viêm kết hợp vì có nguy cơ nhiễm trùng cao. Cùng với đó, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị kết hợp như: thuốc xịt mũi chứa corticosteroid, thuốc kháng sinh, thuốc corticosteroid đường uống,…
Nội soi xoang
So với kỹ thuật cắt trực tiếp, nội soi xoang cho phép phẫu thuật ở vùng rộng hơn, không chỉ cắt polyp bề mặt mà còn can thiệp được cả vào phần xoang trong - nơi polyp hình thành. Cách này hiệu quả với trường hợp Polyp mũi lớn, tụ thành đám, kết hợp với nghẹt, viêm xoang.
Ống nội soi chuyên dụng có đặc tính mỏng, cứng, đầu gắn camera sẽ được đưa vào đường mũi qua một vết rạch nhỏ. Mặc dù không gây nhiều xâm lấn song sau nội soi xoang, bệnh nhân có thể cần vài tuần để phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra sau điều trị, mặc dù phần lớn hoặc tất cả Polyp mũi đã được loại bỏ thì vẫn có nguy cơ tái phát.
Nhắc đến phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật vùng mũi - xoang nằm trên mặt khá nhạy cảm khiến nhiều bệnh nhân lo lắng về mức độ an toàn, nguy cơ biến chứng,… Dưới đây là 1 số thắc mắc liên quan đến phẫu thuật Polyp mũi để bạn đọc hiểu rõ hơn về cách điều trị này.
Dù được đánh giá là tương đối an toàn song phẫu thuật cắt Polyp mũi vẫn tiềm ẩn 1 số rủi ro như:
Xơ dính sau mổ.
Chảy máu.
Nhiễm trùng mũi xoang sau mổ.
Rò dịch não tủy.
Tắc ống mũi trán.
Biến chứng liên quan đến mắt: nhìn đôi, mù lòa, giảm thị lực.
Xuất hiện u nhầy gây tiêu xoang thành xoang, biến dạng mặt,…
Việc kiểm tra sau phẫu thuật Polyp mũi là cần thiết để phát hiện sớm và khắc phục biến chứng. Đặc biệt là các biến chứng nặng khi được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Sự hình thành Polyp mũi là kết quả của quá trình viêm kéo dài, do đó dù đã cắt bỏ hoàn toàn polyp thì quá trình viêm nếu vẫn tồn tại thì vẫn có nguy cơ tái phát. Do đó, sau phẫu thuật, bệnh nhân thường được chỉ định dùng corticoid xịt mũi ngừa viêm và tái phát Polyp mũi.
Đồng thời, nội soi kiểm tra mũi sau phẫu thuật Polyp mũi là cần thiết để ngăn ngừa tái phát.
Sau phẫu thuật, cần một vài tuần để vết mổ phục hồi, bạn cần vệ sinh, dùng thuốc xịt mũi kết hợp thuốc uống theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, để giảm nguy cơ tái phát, hãy lưu ý:
Kiểm soát tốt tình trạng dị ứng và hen suyễn.
Giữ vệ sinh cá nhân tốt.
Tránh xa các chất có thể gây kích thích mũi.
Dùng nước muối sinh lý làm sạch mũi hàng ngày.
4.Bạn có thể làm gì để phòng ngừa polyp mũi?
Bạn có thể tự giúp bản thân giảm khả năng mắc polyp mũi hay ngăn polyp mũi tái phát bằng những cách sau:
Bạn có thể mua chai xịt nước muối hoặc bộ dụng cụ rửa mũi. Có thể sử dụng nước được chưng cất, vô trùng, hay nước đun sôi để nguội làm dung dịch rửa mũi.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh