✴️ Sỏi Amidan là gì

Amidan là gồm 2 tổ chức bạch huyết nằm ở phía sau của hầu họng, cũng là nơi giao nhau của đường ăn uống và đường hô hấp có vai trò giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng xâm nhập qua miệng. Sỏi amidan phát triển và trở thành nơi trú ngụ của vi khuẩn và có thể có mùi khó chịu. Một số người bị sỏi amidan có thể không biết sự hiện diện của chúng.

Sỏi amidan xuất hiện dưới dạng một khối cứng màu trắng hoặc hơi vàng, có kích thước từ rất nhỏ đến rất lớn. Amidan lớn nhất được ghi nhận có kích thước lên đến 14,5cm được ghi nhận vào năm 1936.

Nguyên nhân nào gây sỏi amidan?

Sỏi amidan phát triển khi vi khuẩn và các mảnh vụn thức ăn bị mắc kẹt trong các kẽ nhỏ trên amidan.

Cắt amidan để ngăn ngừa viêm amidan từng là một thủ thuật rất thông dụng trước đây. Vì hiện nay việc cắt amidan ít phổ biến hơn nên ngày càng có nhiều người bị sỏi amidan hơn. Đối với trường hợp sỏi amidan thường xuyên, cắt amidan được coi là phương pháp điều trị cuối cùng.

Các triệu chứng của sỏi amidan là gì?

Nhiều người bị sỏi amidan không có triệu chứng. Nếu các triệu chứng xảy ra, có thể bao gồm:

  • Có mùi khó chịu khi sỏi xuất hiện;

  • Cảm giác rằng có thứ gì đó mắc kẹt trong miệng hoặc trong cổ họng;

  • Cảm giác lùng bùng hoặc đau ở tai.

Sỏi amidan có thể trông giống như những hạt nhỏ màu trắng hoặc vàng ở phía sau cổ họng. Với sỏi kích thước lớn có thể nhô ra khỏi amidan trông giống như những viên sỏi nhỏ bị mắc kẹt trong miệng.

Sỏi amidan hầu hết vô hại ngay cả khi chúng gây khó chịu. Tuy nhiên, chúng có thể báo hiệu các vấn đề về vệ sinh răng miệng. Những người không đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa thường xuyên dễ bị sỏi amidan. Vi khuẩn gây sỏi amidan cũng có thể gây sâu răng, viêm nướu và nhiễm trùng miệng.

Đôi khi, sỏi amidan có thể trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sỏi amidan tương tự như mảng bám răng gây ra sâu răng và bệnh nướu răng.

Điều trị

Sỏi amidan thường có thể được điều trị tại nhà. Thông thường, sỏi có thể được loại bỏ bằng cách súc miệng thường xuyên. Tuy nhiên, nếu sỏi amidan nằm sâu ở bên trong nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào thì không cần phải cố gắng loại bỏ chúng.

Có thể dùng tăm bông di chuyển và ấn nhẹ vào vùng amidan có sỏi và đẩy về phía trước để sỏi thoát ra ngoài. Cần lưu ý cẩn thận không nên dùng lực hoặc khạc quá mạnh để tránh nguy cơ bị tổn thương ở bên trong khoang miệng. Không dùng ngón tay hoặc bất cứ vật gì nhọn hoặc sắc để loại bỏ sỏi amidan.

Nếu sỏi amidan làm đau hoặc khó nuốt có thể thử súc miệng bằng nước muối ấm. Nên gặp bác sĩ nếu có các vấn đề như:

  • Có triệu chứng của sỏi amidan nhưng không thấy sỏi;

  • Không thể lấy được sỏi amidan tại nhà hoặc chỉ lấy được một phần của sỏi;

  • Amidan đỏ, sưng hoặc đau;

  • Cảm thấy đau sau khi lấy sỏi amidan tại nhà.

Bác sĩ có thể điều trị sỏi amidan bằng laser tái tạo bề mặt. Ngoài ra, liệu pháp coblator có thể giúp định hình amidan và giảm số lượng các rãnh mà sỏi amidan có thể hình thành. Thủ thuật có thể được tiến hành bằng cách sử dụng thuốc gây tê cục bộ và bệnh nhân có thể tiếp tục chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường sau một tuần. Tuy nhiên, sỏi amidan vẫn có thể phát triển trở lại.

Loại bỏ sỏi amidan

Cách duy nhất để ngăn ngừa vĩnh viễn sỏi amidan là phẫu thuật cắt amidan. Phẫu thuật amidan có thể gây đau cổ họng trong vài ngày sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu sỏi amidan không quá ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể không cần phải thực hiện phẫu thuật.

sỏi amidan

Phòng ngừa sỏi amidan bằng cách nào?

Việc ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển của sỏi amidan là điều gần như không thể. Đối với những người bị viêm amidan mãn tính, cắt amidan có thể là biện pháp duy nhất để ngăn ngừa sỏi amidan.

Tuy nhiên, việc vệ sinh răng miệng tốt như đánh răng thường xuyên và dùng chỉ nha khoa có thể mang lại hữu ích. Vệ sinh amidan và miệng bằng máy tăm nước có thể loại bỏ mảng bám thức ăn giúp giảm nguy cơ sỏi amidan.

Các vấn đề khác ảnh hưởng đến amidan

Một số tình trạng khác có thể gây đau trong hoặc gần amidan gây ra các triệu chứng tương tự như các triệu chứng của sỏi amidan bao gồm:

Viêm amidan: Nếu amidan sưng đỏ, khó nuốt thì có thể amidan đã bị viêm. Viêm amidan thường kèm theo sốt.

Viêm họng hạt: Tình trạng này gây đau ở cổ họng hoặc ở phần thành họng. Cũng giống như viêm amidan, viêm họng hạt thường gây sốt.

Bệnh nướu răng và sâu răng: Đau ở răng và nướu có thể lan đến hàm, tai hoặc thậm chí cả cổ họng. Nhiễm trùng ở răng và nướu không được điều trị có thể lây lan sang các vùng xung quanh.

Ung thư amidan: Ung thư amidan, còn được gọi là u lympho amidan, có thể gây ra một vết loét ở phía sau miệng mà không lành. Một số triệu chứng khác bao gồm đau tai, cổ họng, khó nuốt và chảy máu trong miệng.

Nên đến khám và tư vấn bác sĩ tai mũi họng có thể được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Xem thêm: Viêm xoang và viêm họng mạn tính

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top