✴️ Thủng màng nhĩ có nghe được không? Chữa như thế nào?

Nội dung

Màng nhĩ là bộ phận vô cùng quan trọng giúp con người tương tác với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, màng nhĩ có thể bị thủng vì một nguyên nhân nào đó và ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh. Vậy thủng màng nhĩ có nghe được không và làm sao để điều trị? Tìm câu trả lời dưới đây bạn nhé!

 

1. Nguyên nhân và triệu chứng của thủng màng nhĩ

Màng nhĩ là một màng phân cách giữa tai ngoài và tai giữa. Chúng có hình bầu dục hơi lồi và giống như một chiếc nón với phần rỗng quay ra ngoài. Thủng màng nhĩ chính là tình trạng dẫn đến mất thính giác hoặc làm cho tai giữa bị nhiễm trùng. Tình trạng này có thể gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau:

– Do thay đổi áp suất: Một số hoạt động có thể gây nên sự thay đổi áp lực trong tai dẫn đến màng nhĩ bị thủng còn được gọi là barotrauma. Khi áp suất không khí trong tai giữa và áp suất bên ngoài bị mất cân bằng sẽ gây tác động lên màng nhĩ.

– Do viêm tai giữa (nhiễm trùng tai giữa): Khi mắc viêm tai giữa thì chất lỏng trong tai có thể bị tích tụ sinh ra áp lực có thể gây vỡ màng nhĩ.

– Do các vật lạ trong tai: Nếu sử dụng một số vật cứng vệ sinh tai cũng dễ khiến màng nhĩ bị thủng.

– Do chấn thương đầu: Một số chấn thương đầu như gãy nền sọ có thể gây ra trật khớp làm tổn thương cấu trúc tai giữa và bên trong của màng nhĩ.

– Do một số hoạt động như: Lặn biển, lái xe tốc độ cao, đi xe máy tốc độ cao hoặc một số âm thanh lớn như tiếng nổ.

Khi bị thủng màng nhĩ bạn sẽ xuất hiện một số triệu chứng bao gồm: Đau tai kéo dài (có thể tăng hoặc giảm cường độ). Thường sau cơn đau tai sẽ xuất hiện chất dịch lỏng chảy ra như nước. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng ù tai, chóng mặt,…

thủng màng nhĩ có nghe được không

Khi áp suất trong tai và bên ngoài bị chênh lệch lớn có thể gây thủng màng nhĩ

 

2. Thủng màng nhĩ có nghe được không và điều trị như thế nào?

2.1. Người bị thủng màng nhĩ có nghe được không?

Khi màng nhĩ bị thủng sẽ tùy thuộc vào từng tình trạng của người bệnh mà khả năng nghe ở mỗi trường hợp sẽ khác nhau. Ở trường hợp thủng màng nhĩ nhẹ thì lỗ thủng nhỏ có thể tự lành trong vòng vài tuần. Còn đối với những trường hợp lỗ thủng to thì cần áp dụng một số phương pháp để giúp bịt lỗ thủng và tăng sức nghe cho người bệnh.

Như vậy, nếu chỉ là thủng màng nhĩ sẽ chưa gây nên tình trạng điếc mà chỉ khiến thính giác của người bệnh bị giảm sút. Khi điều trị xong người bệnh có thể lấy lại được khả năng nghe bình thường.

Tuy nhiên, ở một vài trường hợp hiếm xảy ra thì các chấn thương hoặc viêm nhiễm nặng có thể khiến cho màng nhĩ và chuỗi xương nhỏ không còn. Âm thanh được đưa qua đường dẫn truyền khí, hõm nhĩ đến cửa sổ hình bầu dục và cửa sổ tròn cùng lúc. Một số hoặc tất cả những âm thanh có thể mất đi gây điếc nặng.

thủng màng nhĩ có phải bị điếc không?

Ở trường hợp thủng màng nhĩ nhẹ thì lỗ thủng nhỏ có thể tự lành trong vòng vài tuần

2.2. Thủng màng nhĩ có nghe được không và điều trị thế nào?

Như đã nói ở trên, khi bị thủng màng nhĩ ở trường hợp nhẹ người bệnh hoàn toàn có thể nghe được. Tuy nhiên, nếu ở trường hợp nặng gây biến chứng thì người bệnh có thể sẽ bị mất thính giác dẫn đến bị điếc. Vậy điều trị thủng màng nhĩ như thế nào?

Thông thường thủng màng nhĩ ở trường hợp nhẹ có thể tự lành mà không cần điều trị trong điều kiện tai luôn được giữ khô và không có sự tấn công của vi khuẩn.

Nếu xuất hiện tình trạng đau nhức, khó chịu thì người mắc thủng màng nhĩ có thể sử dụng thuốc giảm đau theo đơn kê của bác sĩ.

Trong trường hợp thủng màng nhĩ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến thính lực thì cần phải được điều trị can thiệp tại các cơ sở y khoa. Tùy thuộc vào tình trạng mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Người bị thủng màng nhĩ có nghe được không?

Thủng màng nhĩ tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp

 

3. Biện pháp phòng tránh thủng màng nhĩ hiệu quả

Để điều trị thủng màng nhĩ hiệu quả bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:

– Điều trị các bệnh lý liên quan đến tai đặc biệt là viêm hoặc nhiễm trùng tai giữa.

– Bảo vệ tai trong các chuyến bay.

– Vệ sinh tai sạch sẽ sau khi tắm hoặc bơi.

– Không sử dụng vật cứng để vệ sinh tai.

– Bảo vệ tai tránh khỏi những tiếng ồn lớn.

– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh sử dụng những thực phẩm cay nóng và hạn chế dùng rượu bia,…

Ngoài ra, thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm sẽ là biện pháp giúp cho chúng ta bảo vệ đôi tai và phòng tránh nhiều bệnh lý khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top