Màng nhĩ và thủng màng nhĩ
Màng nhĩ là một màng phân chia giữa tai ngoài và tai giữa, có hình bầu dục, hơi lồi, giống như một hình nón với các phần rỗng của nón quay ra phía ngoài, và nghiêng một góc 30 độ so với đáy ống tai.
Màng nhĩ bình thường có màu trong mờ, trắng sáng hay hơi xám hồng. Thông thường, chúng ta có thể nhìn xuyên qua màng nhĩ.
Thủng màng nhĩ là tình trạng có lỗ rách trong màng nhĩ, khi thủng màng nhĩ có thể dẫn đến mất thính giác hoặc làm cho tai giữa dễ bị nhiễm trùng.
Thủng màng nhĩ thường lành trong vòng vài tuần và không cần điều trị nhưng đôi khi tình trạng này đòi hỏi phải phẫu thuật vá lại để chữa lành.
Triệu chứng thủng màng nhĩ
Đau là triệu chứng chính của thủng màng nhĩ, đối với một số người cơn đau có thể nghiêm trọng. Đau có thể kéo dài trong suốt cả ngày hoặc có thể tăng hoặc giảm cường độ.
Thông thường sau khi cơn đau biến mất, tai bắt đầu chảy chất lỏng như nước, có máu hoặc có mủ do màng nhĩ bị vỡ. Một vết thủng do nhiễm trùng tai giữa thường gây chảy máu.
Những bệnh nhân nhiễm trùng tai có nhiều khả năng xảy ra ở trẻ nhỏ, người bị cảm lạnh hoặc cúm và ở những khu vực có chất lượng không khí kém.
Bệnh nhân có thể mất thính lực tạm thời hoặc giảm thính lực ở bên tai bị ảnh hưởng, các triệu chứng khác như ù tai, chóng mặt.
Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ
Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa)
Viêm tai giữa thường dẫn đến sự tích tụ chất lỏng trong tai giữa, áp lực từ các chất lỏng này có thể khiến màng nhĩ vỡ ra.
Thay đổi áp suất
Các hoạt động gây ra thay đổi áp lực trong tai dẫn đến màng nhĩ bị thủng được gọi là barotrauma. Khi áp suất không khí trong tai giữa và áp suất không khí trong môi trường mất cân bằng sẽ tác động lên màng nhĩ.
Các hoạt động gây ra barotrauma bao gồm:
Lặn biển
Đi máy bay
Lái xe tốc độ cao
Thổi trực tiếp vào tai
Âm thanh lớn hoặc tiếng nổ (chấn thương âm thanh)
Một âm thanh lớn hoặc tiếng nổ lớn từ một vụ nổ hoặc tiếng súng có thể gây thủng màng nhĩ.
Vật lạ trong tai
Sử dụng tăm bông, kẹp tóc để ngoáy tai có thể làm thủng màng nhĩ
Chấn thương đầu nghiêm trọng
Chấn thương nghiêm trọng như gãy nền sọ có thể gây ra trật khớp hoặc tổn thương cấu trúc tai giữa và bên trong màng nhĩ.
Biến chứng của thủng màng nhĩ
Màng nhĩ có hai vai trò chính:
Tiếp nhận sóng âm: Khi sóng âm thanh đến tai, màng nhĩ sẽ rung lên chuyển sóng âm thanh thành các xung thần kinh giúp tế bào cảm nhận âm thanh ở tai trong.
Bảo vệ tai: Màng nhĩ hoạt động như một rào cản bảo vệ tai giữa khỏi nước, vi khuẩn và các chất lạ khác.
Nếu màng nhĩ bị thủng và không tự lành sau 3 đến 6 tháng sẽ kéo theo các biến chứng bao gồm:
Mất thính lực: Thông thường mất thính giác là tạm thời. chỉ kéo dài cho đến khi lỗ thủng màng nhĩ đã lành. Kích thước và vị trí của vết rách có thể ảnh hưởng đến mức độ mất thính lực.
Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa): Màng nhĩ bị thủng có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào tai. Nếu màng nhĩ bị thủng không lành sẽ dễ bị nhiễm trùng (tái phát hoặc mạn tính).
U nang tai giữa (cholesteatoma): là viêm tai giữa mạn tính trong hòm tai có biểu mô Malpighi sừng hóa. Bệnh có thể phát triển ăn mòn và phá hủy các thành phần của tai giữa và các cấu trúc lân cận nên sẽ làm suy giảm sức nghe rõ rệt.
Điều trị thủng màng nhĩ
Thủng màng nhĩ không cần phải điều trị vì màng nhĩ có khả năng tự lành trong vài tuần hoặc vài tháng với điều kiện tai được giữ khô và không bị vi khuẩn xâm nhập.
Có thể sử dụng thuốc giảm đau bằng paracetamol hoặc ibuprofen nếu bị đau nhức hay khó chịu.
Trường hợp thủng màng nhĩ nghiêm trọng ảnh hưởng đến thính lực cần điều trị can thiệp vá màng nhĩ tại các cơ sở y khoa.
Phòng ngừa thủng màng nhĩ
Thực hiện theo các phương pháp sau để tránh bị thủng màng nhĩ:
Nhận điều trị nhiễm trùng tai giữa
Hãy nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng tai giữa, bao gồm đau tai, sốt, nghẹt mũi và giảm thính lực. Trẻ bị nhiễm trùng tai giữa thường quấy khóc và có thể không chịu ăn. Cần đi khám bác sĩ để ngăn ngừa ảnh hưởng đến màng nhĩ.
Bảo vệ đôi tai trong chuyến bay
Nếu có thể, đừng bay nếu bạn bị cảm lạnh hoặc bị nghẹt mũi, ù tai. Trong quá trình cất cánh và hạ cánh, hãy sử dụng bịt tai để cân bằng áp suất, ngáp hoặc nhai kẹo cao su.
Không cho vật lạ vào tai
Không bao giờ cố gắng lấy ráy tai bằng các vật dụng như tăm bông, kẹp giấy hoặc kẹp tóc. Những vật dụng này có thể dễ dàng làm rách hoặc thủng màng nhĩ. Đồng thời dạy trẻ nhỏ không cho bất kì một vật thể lạ nào vào tai.
Bảo vệ tai tránh khỏi các tiếng nổ lớn
Nếu công việc của bạn bắt buộc phải nghe những tiếng động mạnh, âm thanh lớn thì hãy bảo vệ tai bằng cách đeo nút tai bảo vệ hoặc nút bịt tai.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh