✴️ Tìm hiểu về bệnh đau họng, viêm họng mạn tính

Nội dung

Viêm họng mạn tính là một trong những bệnh khá phổ biến, thường xảy ra cùng với các bệnh hô hấp khác như: viêm xoang mạn tính, viêm thanh quản, viêm khí phế quản, viêm mũi… Bệnh thường tái phát nhiều đợt trong năm khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, thường xuyên đau họng và giảm chất lượng cuộc sống.

 

1. Tìm hiểu chung về bệnh viêm họng mạn

1.1. Nguyên nhân gây bệnh

– Do yếu tố cơ địa: cơ địa dễ dị ứng.

– Do các chất gây kích thích: rượu bia, khói thuốc lá, phấn hoa, sợi bông,ô nhiễm môi trường…

– Do một số bệnh lý gây nên: tắc nghẹt mũi do dị hình vách ngăn, polyp mũi khiến người bệnh phải thở bằng miệng kéo dài đặc biệt là vào mùa lạnh; viêm mũi viêm xoang khiến nhầy mủ chảy xuống thành sau họng; người bị đái tháo đường, suy gan,… cũng dễ bị viêm họng mạn đi kèm.

Polyp mũi là một trong những nguyên nhân gây viêm họng mạn tính.

Polyp mũi là một trong những nguyên nhân gây viêm họng mạn tính

 

1.2. Các thể viêm họng mạn tính

– Viêm họng mạn sung huyết đơn thuần: niêm mạc họng đỏ và nổi nhiều tia mao mạch máu

– Viêm họng mạn xuất tiết: bên cạnh triệu chứng trên còn thấy thành sau họng tăng xuất tiết dịch nhầy, trong…

– Viêm họng mạn quá phát: Soi thấy niêm mạc họng đỏ và dày lên. Tổ chức bạch huyết thành sau họng phát triển, quá phát thành từng đám lớn nhỏ không đều có màu đỏ hoặc hồng.

– Viêm họng mạn thể teo: Niêm mạc họng teo dần, những tuyến nhầy dưới niêm mạc cũng teo đi làm cho niêm mạc họng từ đỏ thẫm biến thành màu hồng rồi nhợt nhạt, khô và đọng những vảy mỏng, vàng, khô bám vào từng chỗ. Bệnh này thường do nghề nghiệp, người cao tuổi,…

1.3. Biểu hiện của bệnh viêm họng mạn

– Người bệnh thường cảm thấy khô họng, họng nóng rát. Đôi khi có cảm giác ngứa, khó chịu đặc biệt là sau một đêm ngủ dậy.

– Nuốt hơi nghẹn, như có vật cản ở họng

– Tình trạng viêm họng xuất tiết khiến người bệnh luôn thấy có dịch nhầy (đờm) trong cổ họng và muốn khạc ra

– Ho nhiều đặc biệt vào ban đêm, khi bị nhiễm lạnh.

– Trong một số trường hợp, nói nghe thấy khàn trong một vài giây rồi trở lại bình thường.

– Khi người bệnh sử dụng rượu bia, ngồi lạnh, hút thuốc lá thì các triệu chứng trên càng thấy rõ rệt hơn.

Người bị viêm họng mạn tính thường ho nhiều đặc biệt vào ban đêm, khi bị nhiễm lạnh.

Người bị viêm họng mạn tính thường ho nhiều đặc biệt vào ban đêm, khi bị nhiễm lạnh

 

2. Điều trị và phòng ngừa bệnh viêm họng mạn

Điều trị cần kết hợp giữa điều trị nguyên nhân gây ra bệnh và điều trị tại chỗ. Bệnh nhân bị viêm họng không nên tự mua thuốc về uống, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

2.1 Điều trị bệnh viêm họng mạn

– Điều trị nguyên nhân:

+ Điều trị các ổ viêm ở mũi, xoang, amidan

+ Với những trường hợp bị nghẹt mũi cần giải quyết sự lưu thông

+ Hạn chế tối đa tiếp xúc với những chất kích thích như: bụi, khói, rượu bia, thuốc lá, hóa chất,…

+ Nếu cơ địa thể dị ứng cần điều trị

– Điều trị viêm họng hạt mạn tính tại chỗ

+ Bệnh nhân cần rửa mũi, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng hàng ngày.

+ Có thể khí dung họng bằng kháng sinh và hydrocortison (theo chỉ định của bác sĩ)

+ Trong một số trường hợp nặng có thể phải áp dụng một số thủ thuật để điều trị.

Phẫu thuật xoang là một trong những biện pháp điều trị viêm họng.

2.2. Phòng bệnh viêm họng mạn tính hiệu quả

– Đeo khẩu trang khi ra đường và tiếp xúc với các chất gây dị ứng

– Vệ sinh họng bằng cách súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý

– Xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện khoa học để nâng cao sức đề kháng

– Điều trị triệt để nếu bị viêm họng

– Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/ năm để phát hiện sớm bệnh (nếu có); đồng thời điều trị ngay, dứt điểm những bất thường về sức khỏe từ khi mới khởi phát.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top