Một trong những bệnh lý tai mũi họng thường gặp nhất ở những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói là hạt xơ dây thanh quản. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh lý này do đâu, điều trị và khắc phục như thế nào, cùng theo dõi kiến thức về bệnh lý thông qua bài viết dưới đây.
Hạt xơ dây thanh quản còn có tên gọi khác là u xơ thanh quản. Các u xơ này bản chất là các hạt xơ rất nhỏ có chân rộng hình thành ở hai bên của dây thanh quản. Các hạt xơ này có xu hướng phát triển đồng đều ở hai dây thanh, thường xuất hiện ở vị trí ⅓ dây thanh quản,…. Theo thống kê, nữ giới có tỷ lệ bị xơ dây thanh thường gặp nhiều hơn ở nữ giới.
Xơ dây thanh dễ dàng nhận biết thông qua các triệu chứng sau đây:
Khàn giọng là biểu hiện thường thấy ở tất cả các bệnh lý về họng, trong đó có xơ dây thanh. Tuy nhiên khác với các bệnh lý như viêm họng, viêm dây thanh thường đi kèm triệu chứng đau rát khi nói, hạt xơ dây thanh quản có xu hướng khàn tiếng từng đợt và ban đầu thường không đau rát.
Khi mới xuất hiện những hạt xơ, dây thanh vẫn còn khả năng co hồi nên phần đa các đợt khàn tiếng thường chỉ xuất hiện khi tần suất nói quá nhiều. Tuy nhiên ở giai đoạn hạt xơ phát triển nhiều tới mức độ nặng, người mắc hạt xơ gần như bị biến đổi giọng nói thành giọng khàn và mức độ co hồi của hai dây thanh lúc này cũng giảm đi đáng kể. Đồng thời, bệnh nhân cũng gặp phải tình trạng sưng họng gây đau cổ họng và có thể gây ngứa dẫn tới các cơn ho.
Ngoài tình trạng khản tiếng, người bị hạt xơ dây thanh quản còn thường gặp phải tình trạng nói hụt hơi, mất hơi do thanh môn bị mở rộng khi nói.
Trong quá trình thăm khám, khi các bác sĩ thực hiện thủ thuật soi cổ họng sẽ dễ dàng quan sát thấy những hạt xơ ở dây thanh có kích thước từ nhỏ li ti đến kích thước khoảng ½ hạt gạo hoặc thậm chí lớn hơn.
Quan sát trong quá trình phát âm có thể nhận thấy khe thanh môn không khép chặt, hai dây thanh tạo thành hình chữ V hoặc hình thoi.
Quan sát kỹ niêm mạc sẽ thấy các dịch nhầy dạng sợi dính vùng thanh môn, trên bề mặt của dây thanh.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng u xơ dây thanh. Song phần lớn tình trạng hạt xơ thường do di chứng điển hình bởi các tác động liên tục tới dây thanh khiến các niêm mạc mất khả năng co hồi, các mô tăng sinh làm xuất hiện các u xơ – hạt xơ.
Theo thống kê, tỷ lệ bị người bịxơ dây thanh cao hơn ở các nhóm đối tượng sau đây:
– Những người hằng ngày phải nói nhiều, điển hình trong một số nghề nghiệp đặc thù như giáo viên, MC, ca sĩ, người bán hàng,….
– Những người nghiện rượu, nghiện thuốc lá hoặc thường xuyên sử dụng chất kích thích.
– Người mắc các bệnh lý về tai mũi họng nhưng không điều trị triệt để dẫn tới chuyển sang giai đoạn mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, ……
– Người bị mắc hội chứng trào ngược dạ dày.
Để phát hiện sớm dây thanh bị xơ, cần chủ động theo dõi sức khỏe và lưu tâm khi gặp phải tình trạng khàn tiếng. Nếu khàn tiếng chỉ khi nói nhiều, mệt mỏi, diễn ra trong từng giai đoạn ngắn và có xu hướng tái phát trở lại thì có thể xơ dây thanh đang ở giai đoạn đầu và còn rất nhỏ. Lúc này hãy chủ động đi khám để điều trị sớm, giúp tiết kiệm chi phí điều trị.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ trực tiếp soi vùng thanh quản để đánh giá chính xác nhất mức độ tổn thương và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Hiện nay điều trị hạt xơ dây thanh phụ thuộc vào mức độ xơ của dây thanh, bao gồm phương pháp điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Phương pháp điều trị nội khoa sử dụng thuốc được áp dụng khi các hạt xơ có kích thước nhỏ và số lượng ít. Điều trị bằng thuốc kết hợp nhóm thuốc kháng sinh và kháng viêm giúp tiêu diệt những ổ viêm lan rộng, kìm hãm sự phát triển của các hạt xơ.
Tuy nhiên hạn chế của biện pháp này là không dứt điểm tận gốc các hạt xơ. Chính vì thế trong điều kiện thuận lợi, người bệnh có thể tái bị lại rất nhanh.
Phương pháp điều trị ngoại khoa là tiến hành phẫu thuật loại bỏ các hạt nhân xơ có kích thước lớn. Tương tự như điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa cũng có nhược điểm là không thể giải quyết các hạt xơ nhỏ, các hạt ẩn trong dây thanh. Chính vì thế cần kết hợp với điều trị bằng thuốc để có kết quả tốt nhất.
Ngoài ra, khi điều trị hạt xơ dây thanh, để có thể lấy lại giọng nói trong trẻo ngoài việc loại bỏ hạt xơ, người bệnh còn cần sử dụng phương pháp trị liệu giọng nói để có âm thanh giống như ban đầu. Đặc biệt với những ca phẫu thuật sau khi lấy đi bệnh tích có để lại sẹo.
Để tránh tình trạng xơ dây thanh, mọi người cần chủ động trong chăm sóc sức khỏe bản thân ngay cả trong những thói quen hằng ngày.
– Không nên sử dụng giọng nói với tần suất và cường độ quá lớn trong một ngày. Nếu bắt buộc cần phải nói nhiều, hãy tìm đến các dụng cụ hỗ trợ phóng âm như loa, micro,… Đồng thời bạn có thể uống nước ấm, trà gừng,…. để giúp giọng nói phục hồi giọng nói nhanh hơn.
– Khi mắc các bệnh về tai mũi họng thông thường, hãy chủ động điều trị dứt điểm tình trạng bệnh. Không nên để tình trạng quá phát kéo dài bởi dễ chuyển sang dạng mạn tính, đồng thời sẽ gây nên những ảnh hưởng tới thanh quản.
– Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý để diệt khuẩn.
Trên đây là một số thông tin về hạt xơ (u xơ ) thanh quản. Hi vọng rằng với những chia sẻ này, bạn sẽ hiểu rõ hơn bản chất, nguyên nhân cũng như cách điều trị và phòng tránh xơ dây thanh. Chúc các bạn có sức khỏe tốt và một giọng nói hay.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh