Do nằm ở cửa ngõ đường thở nên amidan rất dễ bị viêm nhiễm. Nguyên nhân gây viêm chủ yếu là do bụi, khói than, hóa chất, sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm. Tùy vào từng giai đoạn bệnh cụ thể mà sẽ có các biểu hiện khác nhau. Triệu chứng viêm amidan cấp phải kể đến là những cơn rét đột ngột, sốt cao, mệt mỏi, chán ăn….
Amidan là 2 khối lympho nằm ở hai bên họng miệng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra kháng thể giúp đề kháng vi trùng vào cơ thể qua vùng họng và mũi. Khi bị vi khuẩn xâm nhập sẽ gây viêm amidan và làm giảm chức năng của bộ phận này.
Viêm amidan thường do các loại vi khuẩn là liên cầu, tụ cầu, đặc biệt là liên cầu đa huyết beta nhóm A hoặc do một số virus gây bệnh cúm, bệnh sởi, bệnh viêm mũi họng thông thường gây nên. Viêm amidan biểu hiện và tồn tại ở 2 dạng cấp tính và mạn tính.
Khi bị viêm amidan, cơ thể sẽ có biểu hiện rét hay sốt cao đột ngột. Các triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, toàn thân có hội chứng nhiễm trùng và nước tiểu có màu đỏ là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ cảm thấy ngứa, vướng họng khi nuốt, mệt mỏi, nhức đầu.
Các triệu chứng liên quan thường gặp như mũi bị tắc nghẽn gây khó thở. Mũi bắt đầu chảy nước và tiết dịch nhầy có thể gây viêm, tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh bị ho và khàn tiếng.
Các triệu chứng viêm amidan cấp tính dễ nhận thấy ở miệng và amidan như: khi há miệng, người bệnh sẽ thấy lưỡi có màu trắng bẩn, miệng khô, phần amidan thấy sưng to và đỏ, trên bề mặt có xuất hiện mủ trắng nếu bệnh do vi khuẩn gây nên.
Còn nếu bệnh do vi rút gây nên sẽ có các biểu hiện như niêm mạc họng sẽ bị sưng đỏ và xuất tiết trong, amidan bị sưng đỏ. Bên cạnh đó người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng khác như chảy mũi, ho, khàn tiếng và viêm kết mạc nhưng khác với viêm amidan do vi khuẩn, viêm amidan do virus không xuất hiện hạch dưới góc hàm.
Tuy không trực tiếp và ngay lập tức ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng nếu để lâu không chữa trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm xoang, trở thành bệnh mãn tính. Khi đó, bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn gây ra những phiền toái trong sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh. Do vậy, khi thấy các triệu chứng viêm amidan cấp, người bệnh cần đi khám và điều trị ngay để bệnh không tiến triển nặng hơn thành mạn tính.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì thế để không bị viêm amidan, chúng ta cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhằm tăng cường sức khỏe.
Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: Việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng làm cho bạn có sức đề kháng tốt thì vi khuẩn rất khó có thể tấn công. Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, bạn có nguy cơ bị viêm amidan. Do đó, để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp chống viêm nhiễm, bạn cần bổ sung nhiều vitamin C vào chế độ ăn uống hàng ngày. Các loại thực phẩm giàu vitamin C gồm: xoài, cam, các loại trái cây và rau quả khác
Vệ sinh răng miệng: Nếu vệ sinh răng miệng không đúng cách có thể là thủ phạm dẫn tới bệnh viêm amidan. Chính vì thế để phòng ngừa bệnh viêm amidan thì chúng ta cần bảo đảm sức khỏe răng miệng bằng cách đánh răng hàng ngày, kiểm tra thường xuyên…
Bỏ thói quen xấu: Để ngừa viêm amidan, bạn cần phải bỏ hút thuốc lá và uống rượu cũng như các thói quen không lành mạnh khác. Những thói quen này không chỉ làm tăng vi khuẩn trong miệng mà còn gây nên các chứng bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như ung thư.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh