Viêm họng cấp tính là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì bệnh dễ dàng xuất hiện. Bệnh thường xuất hiện với các bệnh viêm VA, viêm amidan.
Nguyên tắc điều trị viêm họng thể cấp tính phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh, trong trường hợp xác định được vi khuẩn và có kết quả của kháng sinh đồ thì nên lựa chọn kháng sinh để điều trị cho thích hợp với tuổi, tình trạng bệnh và tính động học của kháng sinh. Việc dùng thuốc để điều trị phải tuân theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không tự động mua thuốc để chữa bệnh cho mình và người nhà.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến niêm mạc họng bị viêm. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến gây bệnh thường là do virus (cúm, sởi, Adenovirus…), vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae…). Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes). Đây là thủ phạm gây nên biến chứng viêm họng dẫn đến viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp là những bệnh khá nguy hiểm hoặc viêm họng cấp do nấm (Candida).
Ngoài các nguyên nhân trên phải kể đến các yếu tố nguy cơ như:
– Thay đổi thời tiết: lạnh quá, ẩm quá
– Môi trường ô nhiễm: bụi bẩn, bụi công nghiệp, khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm rạ)
– Người uống nhiều rượu cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người không uống rượu
Bệnh thường khởi phát đột ngột, người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:
– Sốt cao 39 – 40 độ C, nuốt đau, rát họng.
– Khô nóng trong họng, dần dần thành cảm giác đau rát, tăng lên khi nuốt, khi ho và khi nói. – Đau lên tai và đau nhói khi nuốt.
– Các triệu chứng kèm theo là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi nhầy, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan.
– Hai amidan viêm to, trên bề mặt amidan có chất nhầy trong, có khi có bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt, hạch cổ bị sưng.
Trong trường hợp viêm họng cấp do virus cúm thì các triệu chứng khá nặng, nhức đầu, đau rát họng, xuất huyết ở thành sau họng. Hoặc bệnh do virut APC (Adeno-Pharyngo-Conjunctival) thì xuất tiết mũi, niêm mạc họng đỏ, viêm màng tiếp hợp và sưng hạch cổ. Các trường hợp viêm họng cấp do virut thì hiện nay việc xác định loại virus gì gây bệnh còn gặp không ít khó khăn.
Tình trạng bệnh khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 – 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm và trở thành viêm họng mạn tính. Hoặc thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).
Để phòng bệnh, cần vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên và hàng ngày:
– Cần đánh răng sau khi ăn và trước, sau khi ngủ dậy làm sao tạo thành một thói quen, nhất là đối với trẻ em.
– Nên tắm bằng nước ấm nhất là với những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Khi tắm xong cần lau người khô trước khi mặc quần áo sạch bất kể là mùa nào. Cũng không nên ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa lạnh sau khi tắm xong.
– Khi bị viêm họng cần đi khám ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc phòng khám đa khoa để nhanh chóng xác định bệnh và điều trị ngay từ những ngày đầu, không nên để bệnh xảy ra vài ba ngày mới đi khám bệnh.
– Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình, dùng theo đơn thuốc cũ hoặc tự mua thuốc để điều trị. Khi bị viêm họng kéo dài cần tới thăm khám để được điều trị tránh một số biến chứng không đáng có xảy ra.
Chủ động phòng ngừa viêm họng cấp bằng cách tiến hành thăm khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh và có cách điều trị phù hợp nhất cũng như tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp tăng cường sức đề kháng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh