✴️ Viêm mũi dị ứng thời tiết và những điều cần biết

1. Tìm hiểu về viêm mũi dị ứng do thời tiết

Viêm mũi dị ứng do thời tiết là một dạng viêm mũi dị ứng thường gặp. Tác nhân chính gây bệnh là những dị nguyên liên quan đến thời tiết như: Nhiệt độ, bụi bẩn, độ ẩm…

Các tác nhân này khi tiếp xúc với niêm mạc mũi sẽ phản ứng với kháng thể tạo ra phản ứng dị ứng. Phản ứng này thường xảy ra tại niêm mạc mũi, kích thích giải phóng chất trung gian hóa học histamin và gây ra các triệu chứng như: Ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi…

Bệnh thường xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa hoặc khi thời tiết trở lạnh. Hầu hết mọi đối tượng đều có thể mắc phải căn bệnh này, tuy nhiên, đối tượng phổ biến nhất là trẻ dưới 10 tuổi hoặc những người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu, cơ địa dị ứng.

Viêm mũi dị ứng thường xảy ra vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa hoặc khi thời tiết chuyển lạnh

Viêm mũi dị ứng thường xảy ra vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa hoặc khi thời tiết chuyển lạnh

 

2. Các nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng do thời tiết

Như đã đề cập đến ở trên, viêm mũi dị ứng do thời tiết thường bùng phát khi xuất hiện các yếu tố gây dị ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai tiếp xúc với các yếu tố này cũng bị dị ứng. Trên thực tế, viêm mũi dị ứng xảy ra khi có những yếu tố như:

– Cơ địa dị ứng

Cơ địa dị ứng có thể là một trong những yếu tố có liên quan chặt chẽ với bệnh viêm mũi dị ứng. Những trường hợp có cơ địa dị ứng như: Viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, tổ đỉa, hen suyễn… thì tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cũng sẽ cao hơn so với người bình thường.

– Di truyền

Trong trường hợp người thân cận như: Cha mẹ, chị em hay ông, bà mắc bệnh lý thì nguy cơ viêm mũi dị ứng thời tiết cũng sẽ tăng lên đáng kể.

– Suy giảm hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch là cơ quan trực tiếp gây ra các phản ứng với các yếu tố thời tiết như: Không khí, độ ẩm, gió… Chính vì vậy, khi hệ miễn dịch suy giảm sẽ làm tăng các nguy cơ bùng phát phản ứng dị ứng. chính vì vậy, ở những đối tượng có sức đề kháng kém như: Trẻ nhỏ, người cao tuổi, người bị nhiễm HIV, người mắc bệnh tiểu đường… nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn so với người bình thường.

– Thời tiết

Thời điểm bùng phát của viêm mũi dị ứng thường xảy ra vào giai đoạn chuyển mùa hoặc khi thời tiết lạnh. Trái lại, các triệu chứng sẽ thuyên giảm hoàn toàn khi thời tiết ấm. Nguyên nhân là do trong mùa lạnh, các chất gây dị ứng ở trong không khí có xu hướng tăng lên đáng kể gây kích thức các phản ứng dị ứng tạo nên hiện tượng phù nề, sưng viêm niêm mạc mũi.

– Cấu trúc mũi bất thường

Sự bất thường trong cấu trúc của mũi như: Vẹo, gai vách ngăn mũi… có thể làm gia tăng sự nhạy cảm của niêm mạc mũi, gây kích thích làm bệnh phát sinh.

Sự bất thường trong cấu trúc mũi làm gia tăng sự nhạy cảm của niêm mạc mũi, làm phát sinh viêm mũi dị ứng

Sự bất thường trong cấu trúc mũi làm gia tăng sự nhạy cảm của niêm mạc mũi, làm phát sinh viêm mũi dị ứng

 

3. Dấu hiệu nhận biết viêm mũi dị ứng thời tiết

Nhìn chung, viêm mũi dị ứng do thời tiết thường có dấu hiệu nhận biết không quá khác biệt so với viêm mũi dị ứng thông thường. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:

– Chảy nước mũi, nghẹt mũi hoặc ngứa mũi

– Hắt hơi liên tục, đặc biệt là khi người bệnh tiếp xúc với không khí lạnh, nấm mốc, phấn hóa

– Ngứa nhẹ ở cổ họng hoặc mắt, có thể bị đỏ mắt và chảy nước mắt. Ở trường hợp bội nhiễm, nước mũi sẽ chuyển thành màu vàng đục

– Niêm mạc mũi phù nề khiến dịch tiết hô hấp chảy xuống thành sau họng tạo nên các kích thích phản ứng như ho, khàn tiếng và ngứa cổ họng

– Phát ban, nổi mề đay, viêm da cơ địa…

Tuy không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, song cần đặc biệt cẩn trọng trong trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn bởi lúc này, người bệnh sẽ phải đối mặt với một số biến chứng như:

– Nghẹt mũi, đau đầu, ù tai

– Rối loạn khứu giác, thậm chí kéo dài còn mất chức năng ngửi mùi tạm thời

– Viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang khiến việc lưu dẫn dịch tiết hô hấp bị cản trở

– Viêm họng, viêm phế quản, nguy hiểm nhất là hen phế quản

– Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng

– Nghiêm trọng nhất là các biến chứng ở tim, thận, khớp và xương

 

4. Điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết như thế nào?

Để điều trị viêm mũi dị ứng do thời tiết, trước hết, người bệnh cần tiến hành thăm khám để được chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Sau khi xác định, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đề ra các phương hướng điều trị khác nhau.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng phổ biến nhất hiện nay đó là sử dụng thuốc. Một số thuốc có thể đem lại hiệu quả cao trong điều trị bao gồm thuốc kháng histamine hoặc thuốc có chứa decongestant, các loại thuốc này có tác dụng thông mũi, đồng thời giải trừ nghẹt mũi và giúp thông xoang. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng đồng thời chỉ sử dụng thuốc trong thời gian ngắn, không quá 3 ngày. Việc lạm dụng thuốc quá thời gian quy định có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Một số trường hợp viêm mũi dị ứng có polyp, thoái hóa cuốn mũi hay cấu trúc giải phẫu như: Lệch vách ngăn, gai vách ngăn… cần được can thiệp bằng các hình thức phẫu thuật.

Lưu ý các thông tin kể trên chỉ mang tính chất tham khảo, với mỗi tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng những phương pháp khác nhau.

Sử dụng thuốc kháng histamine là một trong những cách điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết phổ biến nhất

Sử dụng thuốc kháng histamine là một trong những cách điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết phổ biến nhất

 

5. Phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết

Hiện nay viêm mũi dị ứng do thời tiết chưa thể điều trị dứt điểm. Việc điều trị chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng hoặc loại bỏ các triệu chứng trong một khoảng thời gian nhất định.

Do đó, mỗi chúng ta cần có ý thức tự bảo vệ bản thân bằng những biện pháp phòng ngừa bệnh như:

– Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như: Khói, bụi, khói thuốc lá… Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì nên sử dụng khẩu trang để che chắn

– Vệ sinh nơi ở thường xuyên, giữ cho môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ

– Giữ ấm ở các vùng mũi, họng, đầu và cổ khi thời tiết thay đổi. Đặc biệt là trong thời điểm giao mùa, cần bảo vệ hệ hô hấp để không bị ảnh hưởng do thời tiết thay đổi

– Nạp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Có thể bổ sung nhiều trái cây, rau xanh vào khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày. Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng cần xaya dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng cho cơ thể

– Tránh lạm dụng thuốc lá hoặc các chất kích thích gây ảnh hưởng đến sức khỏe

Viêm mũi dị ứng thời tiết có thể nói là một trong những bệnh hô hấp có liên quan đến yếu tố cơ địa phổ biến nhất hiện này. Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, nếu để kéo dài, bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đồng thời gây ra những biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, người bệnh cần tích cực điều trị và chủ động trong việc phòng ngừa bệnh tái phát.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top