✴️ Viêm VA có nên nạo không?

Nội dung

1. Nạo VA là gì?

Mô phỏng hình ảnh viêm VA

Mô phỏng hình ảnh viêm VA

VA là 1 trong 4 hệ thống tế bào bạch huyết vùng hầu họng có chức năng sản sinh các miễn dịch, bắt giữ các vi khuẩn, tác nhân có hại và tiêu diệt chúng để ngăn ngừa những tổn hại cho cơ thể đến từ đường hô hấp. Chính bởi thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân này nên việc VA bị viêm là điều không thể tránh khỏi.

Do đặc điểm của VA chủ yếu phát triển khi trẻ còn nhỏ và ngừng phát triển khi trẻ từ 6 tuổi. Đồng thời đề kháng của trẻ yếu hơn nên VA thường xuyên phát hoạt động nhiều hơn. Cũng chính vì thế mà viêm VA thường xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em. Tuy nhiên khi lớn, VA không biến mất hoàn toàn mà chỉ bị thu nhỏ nên trường hợp người lớn bị viêm VA tái phát vẫn xảy ra. Trong rất nhiều trường hợp, VA viêm (không có biến chứng) là một trong các cách để giúp cơ thể kích hoạt hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, nếu VA thường xuyên bị viêm, quá phát nhiều lần và có nguy cơ biến chứng thì việc nạo VA thường được cân nhắc.

Nạo VA là một tiểu phẫu nhằm loại bỏ các VA viêm mạn tính, quá phát và có nguy cơ biến chứng cao. Việc nạo VA phải được bác sĩ chỉ định thực hiện sau khi thăm khám lâm sàng và nội soi đánh giá. Sau khi nạo VA, tất cả các chức năng bảo vệ từ VA cũng biến mất.

 

2. Viêm VA có nên nạo không?

Mặc dù có chỉ định nạo VA nhưng nhiều phụ huynh và nhiều người lớn vẫn băn khoăn viêm VA có nên nạo hay không?

Thực tế, không phải lúc nào viêm VA cũng có thể nạo. Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, việc điều trị viêm VA sẽ ưu tiên sử dụng phương pháp nội khoa là dùng thuốc, nhằm bảo toàn tối đa các VA có thể phục hồi.

Tuy nhiên, không ít trường hợp viêm VA vẫn được bác sĩ khuyên nên phẫu thuật loại bỏ. Cụ thể khi:

– Tình trạng viêm VA bị tái phát nhiều lần trong năm, cụ thể là từ 5 lần.

– Viêm VA không thể điều trị dứt điểm bằng phương pháp nội khoa. Đánh giá tình trạng thấy có thể xuất hiện các biến chứng về viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản,…

– Viêm VA bị quá phát, sưng nề làm tắc cuốn mũi sau, gây ra tình trạng nghẹt mũi kéo dài. Trong nhiều trường hợp bệnh nhân có thể gặp phải chứng ngưng thở khi ngủ nguy hiểm.

Vậy để biết viêm VA có nên nạo hay không, cách tốt nhất là người bệnh cần tới chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám chính xác mức độ viêm để được chỉ định chính xác nhất.

 

3. Một số thắc mắc của phụ huynh khi cho trẻ nạo VA

3.1. Nạo VA có ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch hay không?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh thắc mắc trước khi cho trẻ thực hiện nạo VA. Như đã trình bày ở trên, VA là một thành phần trong hệ thống bạch huyết vùng hậu họng có chức năng tiêu diệt virus, vi khuẩn và các tác nhân gây hại thâm nhập qua đường hô hấp. Trên cơ thể chúng ta, ngoài hệ thống bảo vệ vùng hầu họng còn rất nhiều hệ thống bảo vệ khác. Chính vì thế, khi nạo VA, trẻ sẽ gần như không bị ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch, hơn hết còn giúp ngăn ngừa nguy cơ tái phát và biến chứng sang các khu vực xung quanh.

3.2. Nạo VA xong rồi có bị lại nữa không?

Khi thực hiện loại bỏ nạo VA hoàn toàn thì sẽ không thể bị viêm VA tái phát nữa. Song, nếu việc thực hiện tiểu phẫu không trọn vẹn, nạo sót thì phần VA còn lại vẫn có thể phát triển, tái phát và thậm chí gây viêm, áp xe và cần thực hiện phẫu thuật lần 2 để khắc phục sự cố. Chính vì thế, khi thực hiện các thủ thuật y tế nói chung và nạo VA nói riêng, hãy lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi và cần đảm bảo yếu tố vô khuẩn và chính xác về trang thiết bị máy móc và không gian thực hiện.

Trường hợp đã thực hiện nạo VA hoàn toàn nhưng vẫn thấy cổ họng sưng đau và sưng nề. Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân. Có thể người bệnh bị viêm họng, cảm lạnh hoặc một trong các hệ thống lympho khác bị quá phát (amidan khẩu cái, amidan vòi, amidan lưỡi,…). Vì vậy, hãy tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám và kiểm tra nguyên nhân chính xác do đâu và điều trị hiệu quả.

 

4. Trước và sau khi nạo VA nên làm gì để có kết quả tốt nhất?

Nạo VA là một tiểu phẫu được thực hiện rất nhanh chóng trong khoảng 30- 45 phút và không cần lưu viện sau 24 giờ. Với công nghệ plasma plus, thủ thuật nạo thậm chí còn không gây chảy máu. Tuy nhiên, không vì thế mà người bệnh chủ quan các công tác chuẩn bị trước và sau phẫu thuật.

4.1. Chuẩn bị trước khi phẫu thuật nạo VA

Để quá trình phẫu thuật được diễn ra tốt nhất, người bệnh cần:

– Không được sử dụng các thuốc chống viêm trong vòng 7 đến 10 ngày trước đó. Đồng thời, hãy nói với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc đang dùng.

– Nếu người bệnh bị chứng rối loạn đông máu, tiểu đường hoặc các vấn đề về tim mạch,… cần nói với bác sĩ để quyết định có nên thực hiện nạo VA hay không.

– Thăm khám trước phẫu thuật đầy đủ, đặc biệt là khám với bác sĩ gây mê.

– Tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt được bác sĩ đưa ra trước khi bắt đầu cuộc phẫu thuật.

4.2. Chăm sóc sau phẫu thuật VA

Việc chăm sóc sau phẫu thuật ảnh hưởng rất lớn tới kết quả nạo VA. Trong đó, sau khi nạo VA, người bệnh cần đặc biệt chú ý:

– Cảm giác đau sẽ kéo dài khoảng từ 7 – 10 ngày với mức độ giảm dần.

– Người bệnh sau phẫu thuật cần uống nhiều nước để tránh khô cổ và mất nước cho cơ thể, đồng thời giúp giảm bớt cảm giác đau.

– Thực đơn cần đầy đủ dinh dưỡng, chú ý sử dụng nước ấm, tránh nước lạnh hoặc quá nóng, tránh các thực phẩm chua, cay, quá mặn vì có thể kích thích phản ứng gây ho; nên lựa chọn đồ ăn lỏng, mềm nguội.

– Không nên chạy nhảy, nói quá to trong vòng 7 – 10 ngày để vết nạo được phục hồi nhanh.

Hi vọng với những thông tin này đã giúp bạn hiểu thêm về thủ thuật điều trị viêm VA và trả lời được thắc mắc viêm VA có nên nạo không. Nạo VA là biện pháp cuối cùng được sử dụng khi tình trạng viêm VA không thể điều trị nội khoa. Chính vì thế, nếu cảm thấy mình không khỏe hay có vấn đề về vùng cổ họng, đừng chần chừ mà hãy đến thăm khám bác sĩ sớm để điều trị kịp thời nhé!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top