Mang thai có làm mất ngủ?

Nguyên nhân gây mất ngủ có thể do:

  • Đau lưng: khi trọng lực cơ thể dồn về phía trước, các cơ ở lưng sẽ bị căng quá đà, từ đó dẫn tới đau lưng. Thêm vào đó, dây chằng giãn ra do hormone thai kỳ, khiến lưng càng bị đau hơn.

  • Đầy hơi: hormone thai kỳ làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến  mẹ bầu thấy chướng bụng và đầy hơi.

  • Ợ chua: những hormone thai kỳ cũng làm giãn các cơ ở đường tiêu hóa, khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản.

  • Chuột rút và hội chứng chân không nghỉ: sự chèn ép ngày càng tăng của thai nhi sẽ khiến mẹ bị chuột rút nhiều hơn. Một số mẹ bầu có thể gặp phải Hội chứng chân không nghỉ như cảm giác đau nhói, tê chân, hoặc phải di chuyển chân liên tục để dễ chịu hơn.

  • Thở ngắn, nông: thai nhi đang lớn cũng chèn ép cơ hoành của mẹ, vốn nằm ngay dưới phổi, làm cho mẹ khó thở.

  • Ngáy: mũi của mẹ có thể to, phồng lên khi mang thai, gây ra tình trạng ngủ ngáy. Áp lực từ vòng bụng ngày một to cũng có thể khiến mẹ ngáy to hơn. Tình trạng này có thể khiến các mẹ ngưng thở một chút khi ngủ (chứng ngưng thở khi ngủ).

  • Lo lắng: suy nghĩ, bận tâm về con thường trực trong tâm trí có thể khiến các mẹ khó ngủ.

 

Đừng bỏ qua các vấn đề liên quan tới giấc ngủ

Tình trạng mất ngủ khi mang thai cần được giải quyết nhanh chóng. Cơ thể bà mẹ cần được nghỉ dưỡng để chăm sóc cho thai nhi trong bụng. Thêm vào đó, thiếu ngủ có thể khiến chuyển dạ kéo dài và tăng khả năng phải mổ đẻ, đồng thời khiến thai phụ dễ trầm cảm sau khi sinh. Nếu không điều trị chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể gây ra các biến chứng, như huyết áp cao, hay vấn đề về giấc ngủ ở em bé sau khi chào đời.

 

Làm thế nào để ngủ ngon hơn?

Chữa chứng mất ngủ khó khăn hơn khi bạn mang thai, nhưng không phải là không thể. Nhiều loại thuốc ngủ được cho là không an toàn cho cả phụ phụ và thai nhi. Tuy nhiên, thay đổi lối sống, bao gồm thay đổi thói quen ngủ nghỉ có thể cải thiện giấc ngủ cho mẹ. Cố gắng đi ngủ sớm và làm những việc sau:

  • Hạn chế uống cà phê. Cafein không chỉ khiến các mẹ mất ngủ mà còn khiến giảm hấp thụ sắt cho cả mẹ và bé. Uống nhiều nước trong ngày, nhưng đừng uống trước khi đi ngủ để tránh phải dậy đi vệ sinh vào giữa đêm. Đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Thể dục thể thao sẽ khiến các mẹ ngủ ngon hơn nhưng đừng tập trong khoảng 4 giờ trước khi đi ngủ vì như vậy có thể gây khó ngủ.

  • Tắm nước ấm hoặc nhờ chồng mát-xa thư giãn cơ thể.

  • Bài trí phòng ngủ yên tĩnh, tối và thoáng mát vào ban đêm, để có thể ngủ dễ hơn.

Nếu như đã thử những cách trên và vẫn không thể ngủ được, các mẹ nên tới gặp bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ điều trị bệnh ngủ ngáy hoặc hội chứng chân không nghỉ.

  • Nếu mắc hội chứng chân không nghỉ, hãy dùng nhiều axit folic và sắt từ các viên bổ sung vitamin trước sinh và các thực phẩm như bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc. Nếu thai phụ thừa cân hoặc ngủ ngáy, có thể bác sĩ sẽ giám sát chứng ngưng thở lúc ngủ. Các mẹ có thể sẽ phải dùng mặt nạ chuyên dụng để có thể thở bình thường vào ban đêm.

  • Nếu thai phụ bị ợ chua, hãy thử dùng thuốc giảm tiết a- xít dạ dày sau khi tham khảo ý kiến bác sỹ. Nếu có thể, nâng đầu giường lên vài centimet để axit có thể dễ dàng xuống ruột, thay vì trào ngược lên thực quản. Ngoài ra, cũng nên tránh các thực phẩm cay và nhiều axit có thể khiến các mẹ bị ợ chua, cũng không nên ăn nhiều trước khi đi ngủ. Nếu đói, các mẹ có thể ăn bánh nguyên hạt, phô mai hoặc táo.

  • Nếu thấy bất an, hãy nói chuyện với bác sĩ của mình để có được các hỗ trợ khác.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top