Những thay đổi khi trẻ đến tuổi dậy thì

Hãy trang bị cho mình những kiến thức căn bản để tuổi trăng tròn trôi qua thật đẹp và đầy mộng mơ nhé.

1. Stress

Dậy thì là cột mốc giúp bạn bắt đầu có ý thức hơn về giới tính, muốn khám phá bản thân và cả những người khác giới. Bên cạnh những niềm vui, bạn có thể gặp phải nhiều rắc rối và dễ rơi vào trạng thái stress bệnh lí (với các triệu chứng suy nhược, kém tập trung, đau đầu…).

Theo các chuyên gia tâm lý, độ tuổi nhạy cảm này thường dễ bị áp lực từ học tập, gia đình, bạn bè… Thậm chí, cả những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng hay khả năng của bản thân cũng dẫn đến stress… Nguy hiểm hơn, stress ở lứa tuổi dậy thì còn có thể dẫn đến hành vi tự tử. Vì thế, điều này cần được phòng tránh và phát hiện từ sớm để có thể điều trị kịp thời.

Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và vui chơi thể thao mỗi ngày.

 

2. Mụn trứng cá

Testosterone là một hóc-môn có cả ở nam và nữ, tăng trong suốt giai đoạn dậy thì và kích thích những tuyến bã lớn ra, sinh nhiều chất nhờn. Chất nhờn nhiều trở nên dày dính và hình thành nút chặn lỗ chân lông.

Vi khuẩn sống trong nang lông hoặc chất nhờn gây ra sưng, đỏ, mủ và đưa đến kết quả cuối cùng là tạo ra những tổn thương đa dạng trên da.

Mụn trứng cá có thể ở trên da mặt, hay gặp nhất ở trán, má, cằm; đôi khi ở vai, lưng, ngực nhưng không thấy ở các chi hoặc vùng thắt lưng. Mụn trứng cá ảnh hưởng đến thẩm mỹ làm bạn rất khó chịu.

Để trị mụn trứng cá, bạn phải luôn giữ cho da sạch sẽ, không để bụi bẩn bám vào làm lấp các lỗ chân lông, rửa mặt bằng nước mát, hoặc với các loại sữa rửa mặt thích hợp. Đừng để đến khi mọc trứng cá dày đặc, trứng cá có mủ, trứng cá bọc, to hoặc để lại vết thâm hoặc sẹo xấu. Hãy tìm kiếm bác sĩ da liễu tốt để chữa trị càng sớm càng tốt.

 

3. Vỡ giọng

Trong giai đoạn dậy thì, cả nam và nữ đều có sự thay đổi giọng nói từ trẻ con sang người lớn do thanh quản phát triển lớn hơn, rộng ra, các dây thanh đới dày lên và dài ra. Với sự thay đổi này, nhiều bạn sẽ rất lo lắng, khó chịu vì bị mọi người trêu chọc vì 'giọng vịt đực'. Tuy nhiên, quá trình thay đổi giọng nói chỉ là một hiện tượng nhất thời.

Nhiều người cho rằng vỡ giọng chỉ gặp ở nam giới chứ không xuất hiện ở nữ, điều này không đúng. Bản chất của việc vỡ giọng là do lượng testosterone tiết ra nhiều làm cho dây thanh âm dày lên khiến giọng nói trở nên trầm đặc hơn.

Đối với XX thì quá trình này sẽ diễn ra rất chậm và không rõ ràng như các bạn nam. Giọng nói của các bạn gái cũng sẽ có những biến đổi nhất định như: người nghe sẽ nhận rõ được cả tiếng thở, khàn khàn và cũng có khi tiếng nói trở nên sâu hơn. Ở khoảng thời gian này, các bạn nữ cũng sẽ gặp một vài khó khăn khi hát chính xác độ cao của một vài nốt nhạc.

 

4. Mồ hôi

Ở tuổi dậy thì, các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn và mồ hôi tiết ra nhiều hơn. Khi mới tiết ra, mồ hôi không có mùi. Nhưng khi đọng lại trên da và bị các vi khuẩn phân hủy sẽ khiến mồ hôi của bạn có mùi khác đi.

Chúng ta có thể 'khử' chúng bằng cách tắm rửa thường xuyên bằng nước sạch, thay quần áo thường xuyên, mặc quần áo, đồ lót rộng rãi, thoáng khí, tốt nhất bằng vải cotton. Hạn chế sử dụng các chất khử mùi, chỉ càng làm cho tình trạng 'rau mùi' nặng thêm.

 

5. Đau đầu

Tuổi dậy thì dễ bị đau đầu là có sự thay đổi đột ngột của các neuron thần kinh, áp suất trong các mạch máu cung cấp lên não. Bạn nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.

 

6. Da mặt xanh xao, hoa mắt chóng mặt

Đây là triệu chứng của tình trạng thiếu máu, có thể do chế độ dinh dưỡng chưa thay đổi phù hợp, các bạn nữ còn bị mất máu do kinh nguyệt. Bạn nên bổ sung sắt qua các thực phẩm như bông cải xanh, thịt bò, ngũ cốc... hoặc uống viên sắt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top