Đánh đòn vẫn còn là cách dạy con phổ biến của rất nhiều ông bố bà mẹ ngày nay. Ở Mỹ, một nghiên cứu dài hạn lấy mẫu trên trẻ em cả nước bắt đầu từ trường mẫu giáo, báo cáo rằng tính tới thời điểm học lớp ba, có tới 80% trẻ em đã từng bị đánh đòn.
Những người ủng hộ cách giáo dục này thường dựa vào kinh nghiệm của bản thân để tranh luận rằng giáo dục bằng đòn roi có thể cải thiện thành tích học tập và hành vi của trẻ. Những phụ huynh đánh đòn con thường cho rằng họ cũng đã từng bị đánh lúc còn nhỏ nhưng họ vẫn rất ổn khi trưởng thành. Tuy nhiên, chưa hề có một nghiên cứu nào chứng minh được bất kì một lợi ích nào của cách giáo dục này.
Mặt khác, một báo cáo gần đây đã đánh giá hơn 250 nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc đánh đòn trẻ và một loạt những hậu quả của nó. Những kết quả của những nghiên cứu này đã tiết lộ những ảnh hưởng tiêu cực của việc đánh đòn con trẻ như sau:
Những đứa trẻ bị đánh đòn thường dễ nổi nóng và tức giận với bạn bè cũng như người thân, thích bạo lực trong những mối quan hệ và bắt nạt những người khác. Những nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tulane đã tìm thấy rằng những đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên, bắt đầu từ lúc 3 tuổi, thường sẽ cho thấy những hành vi gây rối nhiều hơn so với những đứa trẻ không bị đánh.
Sự hung hăng chính là sự phản ứng lại với việc trải qua nỗi đau khi bị đánh đòn. Khi trẻ lớn lên với ý nghĩ rằng bạo lực là một cách phù hợp để có được những gì bố mẹ muốn, trẻ cũng sẽ bắt chước hành vi này.
Theo bà Sandra Graham-Bermann từ Phòng thí nghiệm Chấn thương và Bạo lực Trẻ em của Đại học Michigan (Mỹ), đánh đòn có vẻ giúp ngăn chặn những hành vi xấu của trẻ tại thời điểm đó, nhưng về lâu dài nó sẽ chỉ khiến trẻ cư xử tồi tệ hơn.
Thực tế, đánh đòn thường liên quan trực tiếp đến những hành vi tiêu cực ở trẻ như bắt nạt người khác, nói dối, lừa đảo, bỏ nhà đi, trốn học, những vấn đề về hành vi ở trường học và tham gia vào những tệ nạn xã hội.
Đánh đòn không chỉ gây ra những nỗi đau thể xác mà còn những vết thương tinh thần dai dẳng nữa. Đánh đòn đã được chứng minh là có liên quan đến những rối loạn hành vi, rối loạn tinh thần, căng thẳng, muốn tự tử, tìm đến rượu bia và thuốc, tự ti, tính thù địch và những bất ổn về cảm xúc.
Những nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng não của trẻ sẽ thay đổi khi bị đánh đòn thường xuyên. Những đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên có ít chất xám hơn ở một số khu vực nhất định ở vỏ não, ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ, cũng như khả năng đưa ra quyết định và xử lý thông tin. Một vài nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người trưởng thành bị đánh đòn lúc còn nhỏ thường ít có khả năng tốt nghiệp đại học và thành công trong sự nghiệp hơn những ngời không bị đánh đòn.
Kết quả phân tích những nghiên cứu đã tìm ra rằng dùng đòn roi có thể phá hủy mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái bởi nó khiến trẻ cảm thấy bị bố mẹ ghét bỏ, hắt hủi và dạy chúng phải sợ và né tránh bố mẹ.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 đã khẳng định rằng những đứa trẻ bị đánh đòn có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết những vấn đề gặp phải trong tương lai, và sử dụng cách dạy con tương tự đối với con của mình. Từ đó, việc dùng đòn roi như một cách giáo dục con dần sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn khó có thể phá vỡ.
Các chuyên gia từ những tổ chức quan trọng từ nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn để giáo dục trẻ thay vì dùng đòn roi như sau:
- Trò chuyện cùng con cái nhiều hơn: Tạo ra một môi trường giao tiếp rộng mở, thân thiết giữa bố mẹ và con cái không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển về mặt kỹ năng giao tiếp của trẻ, khuyến khích trẻ nhận ra, đối mặt và nói ra những vấn đề cũng như cảm xúc của mình mà còn giúp bố mẹ có thể hiểu con hơn, giúp con vượt qua khó khăn hơn là dùng đòn roi.
- Lấy đi một thứ gì đó của con: Hãy cho con bạn biết rằng bạn sẽ lấy đi một thứ gì đó yêu thích của con nếu con không ngoan, ví dụ như một món đồ chơi yêu thích của con và chỉ trả lại nếu như con nhận ra lỗi và xư xử ngoan. Nhưng bố mẹ nên nhớ không bao giờ lấy đi những thứ mà trẻ thật sự cần như bữa ăn của trẻ và nhớ phải giữ lời hứa của mình.
- Cho trẻ thời gian và khoảng không gian để suy nghĩ: Đây đang là cách được rất nhiều ông bố bà mẹ áp dụng. Khi trẻ chưa ngoan, bố mẹ hãy cho trẻ một khoảng thời gian nhất định, đối với trẻ nhỏ thì khoảng vài phút ngồi một mình ở một nơi yên tĩnh trong nhà để suy nghĩ lại về cách xư xử của bản thân và xem mình đã làm gì sai.
Bố mẹ cũng nhớ phải giải thích rõ ràng vì sao con lại phải làm như vậy cũng như con phải nghĩ về những gì trong khoảng thời gian đó và bố mẹ cảm thấy buồn như thế nào khi con xư xử như vậy. Sau khi trẻ đã suy nghĩ và nhận ra thì hãy cho mọi thứ trở về bình thường và không nhắc lại lỗi của trẻ nữa.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh